Hotline 24/7
08983-08983

Những tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị sớm bệnh Alzheimer và hội chứng vành cấp trên người cao tuổi

Ngày 30 - 31/3/2024, Đại học Y Dược TPHCM tổ chức Hội nghị Khoa học Kỹ thuật lần thứ 40 với chủ đề “40 năm thành tựu và phát triển khoa học công nghệ”. Hội nghị với sự tham dự của hơn 3000 đại biểu đến từ các trường Đại học, Cao đẳng Y Dược, các cơ sở y tế của các tỉnh phía Nam.

Gia tăng tỷ lệ tử vong do nhóm bệnh Alzheimer

Phiên 2 của Hội nghị Khoa học Kỹ thuật lần thứ 40 đã đề cập đến các nội dung xoay quanh chủ đề “Cập nhật chẩn đoán và điều trị các bệnh thường gặp ở người cao tuổi”.

TS.BS Trần Công Thắng - Phó Trưởng khoa Y - Phó Trưởng Bộ môn Thần kinh, Khoa Y, Đại học Y Dược TPHCM đã đem đến những thông tin vô cùng hữu ích liên quan đến “Những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị sớm bệnh Alzheimer”.

TS.BS Trần Công Thắng cho biết: “Bệnh Alzheimer là nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh lý sa sút trí tuệ do thoái hóa thần kinh. Bệnh không chỉ gây quên, lẫn, ảnh hưởng đến hoạt động sống, là gánh nặng cho người chăm sóc mà còn có nguy cơ tử vong. Tỷ lệ tử vong do các nhóm bệnh khác có xu hướng ngày càng giảm nhưng tỷ lệ tử vong do nhóm bệnh Alzheimer ngày càng tăng”.

TS.BS Trần Công Thắng - Phó Trưởng khoa Y - Phó Trưởng Bộ môn Thần kinh, Khoa Y, Đại học Y Dược TPHCM trình bày bài báo cáo “Những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị sớm bệnh Alzheimer”.

Quá trình bệnh bắt đầu có thể từ 10 - 20 năm trước khi bệnh có triệu chứng trên lâm sàng. Bệnh diễn qua các giai đoạn tiền lâm sàng, suy giảm nhận thức nhẹ thể Alzheimer và bệnh Alzheimer với các mức độ nhẹ - trung bình - nặng.

Hiện nay, trên thế giới cố gắng chẩn đoán điều trị dự phòng ngay từ giai đoạn mới có suy giảm nhận thức chủ quan, những người này có tỷ lệ chuyển sang Alzheimer là 2%/năm. Ở giai đoạn suy giảm nhận thức nhẹ, tỷ lệ chuyển sang bệnh lý sa sút trí tuệ từ 10 - 12%/năm.

Những người ở giai đoạn mới sẽ có biểu hiện: Thứ nhất, bản thân thấy mình bị quên; Thứ hai, mắc các lỗi nhẹ trong công việc do quên; Thứ ba, thay đổi cách dùng từ ngữ, ngữ pháp. Khi đó, người bệnh cần cảnh giác, chẩn đoán và được điều trị sớm.

Đối với người bệnh sa sút trí tuệ, nếu không điều trị từ lúc bắt đầu, bệnh sẽ nặng hơn trong khoảng 7 - 9 năm. Trong đó, 40% thời gian bệnh nằm ở giai đoạn nặng, cực kỳ khó khăn đối với người chăm sóc.

“Điều đáng buồn là phần lớn người bệnh đến ở giai đoạn trung bình và nặng, bắt đầu có rối loạn hành vi tâm thần. Hoặc có những bệnh nhân phát hiện và chẩn đoán bệnh rất sớm. Sau khi điều trị một thời gian thấy khỏe nên bỏ không điều trị. Đến khoảng 3 - 5 năm sau, bắt đầu rối loạn hành vi nhiều mới quay lại gặp bác sĩ, lúc này không thể điều trị trở lại như trước được vì tế bào thần kinh đã giảm” - TS.BS Trần Công Thắng chia sẻ.

Phiên 2 của Hội nghị Khoa học Kỹ thuật lần thứ 40, với chủ đề “Cập nhật chẩn đoán và điều trị các bệnh thường gặp ở người cao tuổi” thu hút đông đảo người tham dự

Hiện nay, các bác sĩ sẽ tập trung điều trị 3 nhóm: điều trị yếu tố nguy cơ; điều trị nhận thức; điều trị hành vi bằng liệu pháp dùng thuốc và không dùng thuốc. Trong đó yếu tố nguy cơ là quan trọng nhất, chiếm hàng đầu là không tập thể dục; Thứ hai, có các bệnh lý ảnh hưởng đến mạch máu não; Thứ ba, bắt đầu có stress, rối loạn hành vi tâm thần.

Sự tiến triển bệnh Alzheimer là do việc sản xuất tăng dần của 2 sinh bệnh học chính của bệnh là beta-amyloid 1-42 và Tau protein phosphryl hóa làm thúc đẩy tích lũy các sản phẩm thoái hóa thần kinh. Do đó, điều trị bệnh Alzheimer sớm là điều trị trung đích theo sinh bệnh học và phòng ngừa loại bỏ các sản phẩm thoái hóa một cách hiệu quả.

Từ những năm 2005 đến nay, nghiên cứu về các phương pháp điều trị bệnh Alzheimer liên tục gia tăng về số lượng và chất lượng trong nghiên cứu y khoa với mục tiêu loại bỏ bệnh. Phương pháp kháng amyloid hiện đã được FDA phê duyệt trong điều trị bệnh Alzheimer giai đoạn suy giảm nhận thức nhẹ. Bên cạnh đó, dự phòng sớm bệnh Alzheimer trong tiến triển của bệnh là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong ngăn chặn bệnh.

TS.BS Trần Công Thắng nhấn mạnh: “Điều trị đảo ngược bệnh Alzheimer là mục tiêu mong muốn của điều trị bệnh Alzheimer giai đoạn sớm và suy giảm nhận thức thể Alzheimer tuy nhiên mục tiêu này chưa đạt được hiện nay. Với những phát hiện mới trong chẩn đoán sớm và điều trị, hy vọng trong tương lai không xa, bệnh Alzheimer không còn là nỗi ám ảnh của người dân, cũng như nhân viên y tế”.

Dự hậu của hội chứng vành cấp ở người cao tuổi tương đối xấu

Bài báo cáo của PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tân - Phụ trách Bộ Môn Lão khoa, Khoa Y, Đại học Y Dược TPHCM - Trưởng khoa Tim mạch Cấp cứu và Can thiệp, Bệnh viên Thống Nhất về “Cập nhật chẩn đoán và điều trị hội chứng vành cấp trên người cao tuổi” đã thu hút sự chú ý và lắng nghe của người tham dự.

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tân chia sẻ: “Những tiến bộ về chẩn đoán và điều trị trong những thập kỷ qua đã cải thiện đáng kể dự hậu cho bệnh nhân hội chứng vành cấp. Cả những thay đổi sinh lý liên quan đến tuổi tác và các yếu tố nguy cơ tim mạch tích lũy đều làm tăng nguy cơ bị hội chứng vành cấp trong suốt cuộc đời”.

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tân - Phụ trách Bộ Môn Lão khoa, Khoa Y, Đại học Y Dược TPHCM - Trưởng khoa Tim mạch Cấp cứu và Can thiệp, Bệnh viên Thống Nhất trình bày nội dung xoay quanh vấn đề “Cập nhật chẩn đoán và điều trị hội chứng vành cấp trên người cao tuổi” 

Việc chẩn đoán hội chứng vành cấp ở bệnh nhân cao tuổi được hưởng lợi đáng kể từ cách tiếp cận phối hợp đa chuyên ngành. Sự tham gia của bác sĩ lão khoa, bác sĩ tim mạch và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác trong quá trình chẩn đoán sẽ đảm bảo đánh giá toàn diện.

Đánh giá lão khoa toàn diện, bao gồm đánh giá chức năng nhận thức và tình trạng chức năng, đóng góp những hiểu biết có giá trị về sức khỏe tổng thể của bệnh nhân cao tuổi, tạo điều kiện thuận lợi cho các quyết định chẩn đoán rõ ràng hơn.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tân, 2 yếu tố thường gặp trên bệnh nhân lão khoa: Thứ nhất tình trạng suy yếu, do đó đánh giá suy yếu là một trong những vấn đề cần được quan tâm; Thứ hai là nhiều bệnh đồng mắc. Bên cạnh đó, khi điều trị hay tiếp cận bệnh nhân lão khoa, biến cố thường nhiều hơn.

Bệnh nhân 80 tuổi sẽ khác với bệnh nhân 40 tuổi. Hai bệnh nhân nằm cạnh nhau, cùng bệnh cảnh nhưng dự hậu của hội chứng vành cấp ở người cao tuổi tương đối xấu hơn. Tăng gánh nặng mảng xơ vữa động mạch và sự phức tạp của giải phẫu mạch vành, kết hợp với các tình trạng bệnh lý tim mạch và không phải tim mạch liên quan đến tuổi tác, góp phần làm cho tiên lượng xấu hơn được quan sát thấy ở người cao tuổi.

Người tham dự chú ý lắng nghe những nội dung liên quan đến bệnh lý ở người cao tuổi mà các báo cáo viên trình bày

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tân nhấn mạnh: “Việc điều trị hội chứng vành cấp bằng thuốc ở bệnh nhân cao tuổi đòi hỏi một cách tiếp cận đa chiều. Những thay đổi liên quan đến tuổi tác trong chuyển hóa thuốc và các bệnh đi kèm tiềm ẩn đòi hỏi phải cân nhắc cẩn thận khi kê đơn thuốc.

Các thuốc chống kết tập tiểu cầu, như Aspirin và thuốc ức chế P2Y12, được dùng thận trọng để cân bằng giữa nhu cầu điều trị chống huyết khối hiệu quả với nguy cơ chảy máu tăng lên ở người cao tuổi. Cách tiếp cận cá thể hóa này tối đa hóa lợi ích điều trị trong khi giảm thiểu các tác dụng phụ”.

Những tiến bộ trong điều trị tái tưới máu đã mở rộng các lựa chọn điều trị cho bệnh nhân cao tuổi hội chứng vành cấp. Các thủ thuật xâm lấn tối thiểu, đặc biệt là can thiệp mạch vành qua da, hiện được xem xét dễ dàng hơn và dựa trên cá thể hóa điều trị dưới hướng dẫn của các khuyến cáo hiện nay góp phần mang lại tỷ lệ thành công cao hơn và cải thiện dự hậu sau can thiệp cho bệnh nhân cao tuổi hội chứng vành cấp.

Cuối bài báo cáo, PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tân kết luận các vấn đề sau: Đầu tiên, tiếp cận ban đầu hội chứng vành cấp phụ thuộc vào phân tầng sẽ đưa ra chẩn đoán; Thứ hai, điều trị thuốc chống huyết khối sẽ cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ, sẽ có những lưu đồ để áp dụng và chiến lược xâm lấn phụ thuộc vào phân tầng nguy cơ của bệnh nhân; Thứ ba, dự phòng biến cố khi tiếp cận điều trị rất quan trọng; Đặc biệt ở bệnh nhân lão khoa là hội chứng lão hóa, cần chú ý vấn đề này vì ảnh hưởng đến kết cục điều trị, cũng như dự hậu lâu dài của bệnh nhân.

>>> Thách thức, tiến bộ trong chẩn đoán, xử trí và dự phòng khò khè ở trẻ em

Hội nghị Khoa học Kỹ thuật lần thứ 40 với chủ đề “40 năm thành tựu và phát triển khoa học công nghệ” đã chọn lọc giới thiệu 125 báo cáo tại 17 phiên chuyên đề là các nghiên cứu nổi bật của nhà trường và các đơn vị y tế liên quan, được trình bày bởi các chuyên gia y tế trong và ngoài nước.

Đặc biệt, hội nghị có sự tham gia báo cáo của 10 chuyên gia quốc tế đầu ngành đến từ các trường đại học, trung tâm nghiên cứu xuất sắc bao gồm: Đại học John Hopkins, Hoa Kỳ, Trung tâm ung thư Vancouver, Canada; Trường đại học Y Cao Hùng, Đài Loan; Đại học Adelaide, Úc; Bệnh viện ILSAN Đại học Dongguk, Hàn Quốc…

Lần đầu tiên hội nghị tổ chức Phiên quốc tế với chủ đề “Hội thảo về hợp tác giữa Hàn lâm và Công nghiệp” là diễn đàn để các nhà khoa học gặp gỡ và giao lưu hợp tác với các CEO của các công ty nổi tiếng về dược phẩm, giải pháp và thiết bị y tế.

Hội nghị lần thứ 40 với điểm nhấn về báo cáo các nghiên cứu liên ngành, đa mô thức trong chẩn đoán, điều trị, phục hồi và dự phòng các bệnh lây nhiễm và bệnh mãn tính không lây nhiễm.  

Tham gia hội nghị, ngoài cơ hội nắm bắt những kết quả của các nghiên cứu mới của y học Việt Nam, các đại biểu còn có thể thảo luận, chất vấn, trao đổi công tác chuyên môn với các nhà khoa học của Đại học Y Dược TPHCM và các bệnh viện, cơ sở đào tạo và nghiên cứu thuộc lãnh vực khoa học sức khỏe ở khu vực phía Nam.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X