Thách thức, tiến bộ trong chẩn đoán, xử trí và dự phòng khò khè ở trẻ em
Tại phiên 3 của Hội nghị Khoa học Kỹ thuật lần thứ 40 do trường đại học Y Dược TPHCM tổ chức, các chuyên gia đã có dịp đề cập đến những vấn đề là nguyên nhân liên quan gây khò kè nhũ nhi. Theo đó, việc điều trị cần dựa trên khai thác tiền sử, bệnh sử và thăm khám lâm sàng và dự phòng tốt các yếu tố nguy cơ gây ra vấn đề bệnh lý đường tiêu hóa và hô hấp, tăng gánh nặng khò khè ở trẻ.
Phát biểu khai mạc phiên báo cáo, PGS.TS Phùng Nguyễn Thế Nguyên - Trưởng Bộ môn Nhi, trường Đại học Y Dược TPHCM cho biết: “Khò khè là một trong những vấn đề tưởng đơn giản nhưng cũng vô cùng phức tạp. Trong buổi hôm nay, tất cả các khía cạnh của khò khè liên quan đến đường hô hấp, hệ tiêu hóa sẽ được cập nhật từ thầy cô trong các lĩnh vực có liên quan. Hy vọng ngày hôm nay sẽ nhận được nhiều câu hỏi để hội nghị trở nên phong phú hơn”.
1/3 trẻ em có ít nhất một đợt thở khò khè cấp tính xảy ra trước 3 tuổi
Mở đầu cho vấn đề khò khè ở trẻ, TTND.BS Bạch Văn Cam - Nguyên Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu TPHCM, Cố vấn Cao cấp Bệnh viện Nhi đồng 1 đã chia sẻ về “Tiếp cận chẩn đoán và điều trị khò khè ở trẻ em”.
Vị chuyên gia cho biết, khò khè là tiếng thở bất thường âm sắc cao xảy ra khi trẻ bị tắc nghẽn đường hô hấp dưới. Tình trạng khò khè ở trẻ tăng gấp 3 lần trong vòng 30 năm và thường gặp ở trẻ dưới 6 tuổi. Trong đó 1/3 trẻ em có ít nhất một đợt thở khò khè cấp tính xảy ra trước 3 tuổi.
Có 2 dạng khò khè ở trẻ em, khò khè từng cơn do nhiễm siêu vi (EVW) và khò khè đa yếu tố khởi phát (MTW). Trong đó, dạng EVW thường gặp (chiếm 75%) và có tiên lượng tốt hơn, hầu hết trẻ sẽ khỏi khò khè khi 6 tuổi, trong khi khò khè MTW diễn tiến suyễn khoảng 40%.
Hai loại siêu vi chính khởi phát khò khè ở trẻ nhỏ là human rhinovius (HRV) và respiratory syncytial virus (RSV) cũng được bác sĩ đề cập. Nguyên nhân khò khè hay gặp nhất ở trẻ dưới 12 tháng là viêm tiểu phế quản. Bên cạnh đó, các yếu tố nguy cơ cao có thể khiến khò khè ở trẻ trở thành hen suyễn: khò khè tái phát, cơ địa dị ứng, khò khè khi tiếp xúc di nguyên hoặc tăng bạch cầu ái toan.
Hiện nay, việc chẩn đoán khò khè chủ yếu dựa vào lâm sàng như hỏi tiền sử, bệnh sử và thăm khám lâm sàng. Chỉ định X-Quang phổi khi đợt khò khè đầu tiên nặng cân loại trừ dị vật đường thở.
TTND.BS Bạch Văn Cam nhấn mạnh, Salbutamol dạng hít là thuốc chọn lựa cho điều trị ban đầu ở tất cả trẻ bị khò khè có suy hô hấp và nên iếp tục sử dụng Salbutamol nếu có đáp ứng sau 15 - 20 phút. Lưu ý, Corticoide dạng hít không chỉ định thường quy trong phòng ngừa khò khè trẻ em, ngoại trừ khò khè do hen suyễn, khò khè đáp ứng tốt với Salbutamol dạng hít hoặc khò khè tái diễn trên 3 đợt/ năm. Đặc biệt, đối với những ba mẹ có con bị khò khè, nên cho con bú sữa mẹ, chủng ngừa đầy đủ, cho trẻ tránh xa khói thuốc lá và đưa ngay đến cơ sở y tế khi trẻ khò khè và có dấu hiệu chuyển nặng.
Nhũ nhi là lứa tuổi có nguy cơ cấp cứu và nhập viện do hen cao nhất
Vấn đề “Chẩn đoán và xử trí hen nhũ nhi” được PGS.TS Phạm Thị Minh Hồng - Bộ môn Nhi, trường Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ trong bài báo cáo thứ hai. Hen nhũ nhi là hen ở trẻ dưới 24 tháng tuổi. Việc chẩn đoán hen ở nhũ nhi vẫn là một thách thức vì không thể thực hiện được hô hấp ký và các biện pháp thăm dò chức năng hô hấp thay thế khác. Đồng thời, chưa có các dấu ấn chỉ điểm viêm đặc hiệu cho hen ở lứa tuổi này.
Nhũ nhi cũng là lứa tuổi có nguy cơ phải đi cấp cứu và nhập viện vì hen cao nhất so với các nhóm tuổi khác. Mặc dù chẩn đoán hen ở nhũ nhi có khả năng là quá mức nhưng nếu cân nhắc với tác động xấu trước mắt và lâu dài của hen khi không được chẩn đoán và điều trị đúng mức thì cách tiếp cận chẩn đoán hen nhũ nhi dựa trên lâm sàng (ngay cả khi khởi phát bởi nhiễm virus) vẫn có nhiều lợi ích hơn.
PGS Minh Hồng cho biết, hiện nay việc chẩn đoán hen ở nhũ nhi chủ yếu là chẩn đoán lâm sàng, gợi ý bởi tiền sử, bệnh sử được thực hiện dựa trên tiêu chuẩn của Bộ Y tế năm 2016. Cụ thể đánh giá hen theo tiêu chuẩn: Một là, có bằng chứng tắc nghẽn đường thở: khò khè từ 3 lần trở lên và khò khè phải do bác sĩ xác nhận; Hai là, có tiền căn bản thân, gia đình bị dị ứng; Ba là, có hội chứng tắc nghẽn hô hấp dưới; trẻ đáp ứng với thuốc giãn phế quản và loại trừ các nguyên nhân khò khè khác, bao gồm: viêm tiểu phế quản, viêm phổi, bất thường đường thở.
Mức độ nặng của một cơn hen cấp được đánh giá theo 4 mức độ: nhẹ, trung bình, nặng và nguy kịch. Việc xử trí cắt cơn hen cấp dựa theo yêu cầu: trẻ phải được phát hiện sớm, điều trị kịp thời theo độ nặng của cơn hen cấp với 2 nhóm thuốc chính là giãn phế quản và corticosteroid.
Bên cạnh đó, để kiểm soát hen nhũ nhi, nên điều trị duy trì nhằm đạt các mục tiêu kiểm soát tốt triệu chứng hen (không triệu chứng ban ngày và ban đêm, không xuất hiện triệu chứng khi gắng sức hoặc khi hít không khí lạnh...); Giảm nguy cơ xuất hiện cơn hen cấp; Cải thiện chất lượng sống của trẻ (sinh hoạt bình thường, giảm thiểu tác dụng phụ của thuốc).
PGS.TS Phạm Thị Minh Hồng khuyến cáo, hen nhũ nhi cần chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, phù hợp tình trạng hen ở nhũ nhi để giảm gánh nặng bệnh tật cho trẻ và gia đình, tránh ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển phổi và chức năng hô hấp về sau của trẻ.
Bệnh tiêu hóa có thể gây tổn thương đường thở với mức độ nghiêm trọng
Nối tiếp phiên báo cáo với chủ đề “Khò khè và bệnh lý tiêu hóa ở trẻ em”, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn - Bộ môn Nhi, trường Đại học Y Dược TPHCM cho biết, khò khè là triệu chứng thường gặp ở trẻ do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong đó, hệ tiêu hoá và hô hấp gắn bó mật thiết với nhau, đặc biệt ở trẻ em. Những bệnh lý hay rối loạn phát sinh từ hệ này có thể ảnh hưởng đến hệ kia và ngược lại. Đôi khi việc chẩn đoán và điều trị khá khó khăn vì triệu chứng không đặc hiệu và dễ nhầm lẫn.
Những nguyên nhân phổ biến từ hệ tiêu hóa gây khò khè ở trẻ là dị vật hoặc GERD. Trong đó, GERD ở trẻ em được chuyên gia thông tin, nhóm trẻ từ 0 - 3 tháng tuổi, có khoảng 50% trẻ bị trớ ít nhất 1 lần mỗi ngày. Tỷ lệ này tăng lên 67% ở nhóm trẻ 4 tháng tuổi và phần lớn trẻ sẽ hết triệu chứng khi 12 - 13 tháng tuổi. Tuy nhiên, nếu nhũ nhi có tình trạng trớ hơn 90 ngày sẽ dẫn đến triệu trứng trào ngược dạ dày khi trẻ lên 8 - 11 tuổi.
Khi bước vào độ tuổi thanh thiếu niên, khoảng 6 - 40% xuất hiện triệu chứng trào ngược dạ dày, triệu chứng tăng lên nếu ở độ tuổi này, người bệnh bị hen và béo phì. Ngoài ra, thói quen hút thuốc, sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm không theo chỉ định, uống rượu bia,… đều liên quan đến các báo cáo về trào ngược. Nếu không điều trị, vấn đề tiêu hóa sẽ gây tổn thương đường thở với mức độ nghiêm trọng do microaspiration.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, để chẩn đoán vấn đề liên quan giữa GERD và triệu chứng khò kè ở trẻ, cần theo dõi sự tương quan của triệu trứng với pH-24 hoặc trở kháng. Đồng thời, làm Pepsin test (chất có vai trò trong chẩn đoán các bệnh hô hấp) và nội soi khí quản.
Ông cho biết, việc điều trị các vấn đề liên quan giữa GERD và khò khè sẽ được thực hiện như điều trị triệu chứng GERD, lưu ý các chiến lược sử dụng PPI cho quá trình điều trị. Cụ thể, cần hỏi kỹ bệnh sử, khám lâm sàng, tìm các dấu hiệu cảnh báo là các khâu quan trọng trong tiếp cận một trường hợp khò khè. Việc nắm rõ các đặc điểm về giải phẫu và sinh lý của hệ tiêu hoá và hô hấp sẽ giúp chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Cân nhắc lợi ích, nguy cơ các biện pháp can thiệp dị tật bẩm sinh hô hấp gây khò khè ở trẻ
Chủ đề “Xử lý các bất thường trong cấu trúc gây khò khè ở trẻ em” được PGS.TS Phan Hữu Nguyệt Diễm - Bộ môn Nhi, trường Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ tại phiên báo cáo. Bà cho biết, mặc dù thở khò khè rất phổ biến ở trẻ em nhưng sinh lý bệnh của nó rất phức tạp và chưa được hiểu rõ. Nhiều yếu tố đóng vai trò trong tình trạng khò khè và bao gồm các yếu tố giải phẫu, di truyền, môi trường và miễn dịch có thể tương tác với nhau và ảnh hưởng đến sự thông thoáng của đường thở.
Khò khè thường được chẩn đoán lâm sàng và không cần xét nghiệm thêm, nhưng những bệnh nhân bị khò khè tái phát hoặc dai dẳng nên được kiểm tra. Ví dụ, chụp X-quang ngực, phương pháp này chủ yếu được sử dụng để xác định các bất thường về cấu trúc hoặc dị vật đường thở.
Trong đó, dị tật bẩm sinh đường hô hấp bao gồm những bất thường thanh quản, khí phế quản; Bronchogenic cyst, dị tật phổi bẩm sinh, phổi biệt trí; bất sản, thiểu sản phổi... Mỗi loại dị tật có thể đơn thuần hay kèm theo các dị tật bẩm sinh khác. Về điều trị có thể chỉ theo dõi hay điều trị nội khoa; đôi khi cần can thiệp phẫu thuật.
Bài báo cáo được PGS.TS Phan Hữu Nguyệt Diễm tập trung chia sẻ về cách xử trí hẹp khí quản bẩm sinh và dị tật phổi bẩm sinh dạng nang tuyến là hai loại dị tật thường gặp trong các loại dị tật bẩm sinh đường hô hấp khác.
Thứ nhất, dị tật phổi bẩm sinh dạng nang tuyến có thể phát hiện trong bào thai hay sau sinh. Nếu phát hiện trong bào thai tuỳ theo kích thước và mức độ ảnh hưởng lên phổi có thể điều trị bằng corticoides trước sanh, phẫu thuật bào thai hay sanh sớm chủ động. Nếu phát hiện sau sanh thì tuỳ theo bệnh nhân có triệu chứng hay không có để xử trí phù hợp, không bắt buộc phải phẫu thuật trên tất cả bệnh nhân.
Thứ hai, hẹp khí quản bẩm sinh, vấn đề này cần điều chỉnh bằng phẫu thuật, có thể bao gồm các thủ thuật ít xâm lấn hơn như nong bóng, đặt stent và điều trị bằng laser hoặc các phương pháp phẫu thuật truyền thống. Chủ yếu là tạo hình trượt khí quản cho các dị tật đoạn dài và cắt bỏ bằng nối tận-tận đối với các dị tật đoạn ngắn. Mỗi thủ thuật đều có ưu và khuyết điểm, chất lượng cuộc sống lâu dài vẫn chưa chắc chắn.
Như vậy, khò khè mãn tính cần lưu ý rất nhiều vấn đề về dị tật bẩm sinh đường thở như: hẹp khí quản bẩm sinh, dị tật phổi bẩm sinh. Đặc biệt lưu ý việc điều trị nội khoa hay ngoại khoa phải xem xét kỹ từng trừng hợp. Bên cạnh đó, nên cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ của các biện pháp can thiệp.
“Cách ly RSV như COVID-19”
Kết thúc phiên báo cáo với chủ đề “Chiến lược nào dự phòng RSV hiệu quả hiện nay cho trẻ em”, TS.BS Nguyễn Huy Luân - Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TPHCM trình bày. TTND.BS đã mang đến thông tin cụ thể về RSV. Ông cho cho biết, virus hợp bào hô hấp (RSV) là nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở trẻ em dưới 2 tuổi và hầu hết tất cả trẻ em 2 tuổi đều mắc RSV. Đa phần, RSV sẽ gây bệnh nhẹ giống như cảm lạnh, nhưng vẫn có thể gây bệnh nặng như viêm tiểu phế quản hay viêm phổi.
Bệnh RSV là bệnh theo mùa, lây truyền qua các giọt khí dung hoặc do tiếp xúc trực tiếp với các vật thể bị ô nhiễm. Bệnh lý này gây ra chi phí chăm sóc sức khỏe lớn mỗi năm do tỷ lệ mắc bệnh và tử vong chung và tỷ lệ nhập viện cao.
Chuyên gia chia sẻ, nhóm trẻ có nguy cơ nhiễm RSV nặng nhất bao gồm: trẻ sơ sinh non tháng, trẻ sơ sinh mắc các bệnh hô hấp mãn tính hoặc bị ảnh hưởng bởi các dị tật tim mạch bẩm sinh nghiêm trọng, bệnh thần kinh cơ, các dị tật di truyền/bẩm sinh của đường thở hoặc khiếm khuyết miễn dịch. Nhiễm RSV xảy ra sớm ở trẻ nhỏ có liên quan chặt chẽ đến bệnh lý hô hấp lâu dài, dẫn đến tăng nguy cơ khò khè tái phát, hen suyễn, giảm chức năng hô hấp và mẫn cảm với dị ứng.
Do tác động trực tiếp và gián tiếp của RSV đối với tỷ lệ mắc bệnh, tử vong ngắn hạn và dài hạn, việc xây dựng các chiến lược phòng ngừa và điều trị đầy đủ đối với loại virus này ngày càng trở nên cần thiết.
Chiến lược dự phòng được BS Luân nhấn mạnh trong bài báo cáo. Thứ nhất, để dự phòng RSV, bác sĩ khuyến cáo cần hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh hoặc nhiễm RSV. Khuyến nghị của trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) và Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), các quy tắc vệ sinh nghiêm ngặt như vệ sinh tay cẩn thận, vệ sinh thường xuyên trong gia đình, đặc biệt sau khi tiếp xúc với người khác hoặc đến nơi đông người.
Thứ hai, để phòng ngừa RSV, mọi người cần giữ gìn vệ sinh cho môi trường sống và làm sạch các bề mặt tiếp xúc thường xuyên. Khi bị bệnh, hạn chế tiếp xúc với trẻ nhỏ và người già để tránh lây nhiễm.
Thứ ba, hãy tăng cường miễn dịch. Đối với người lớn người lớn phải đảm bảo tiêm phòng đầy đủ, ăn uống cân đối, rèn luyện thể chất và có giấc ngủ đủ để củng cố hệ thống miễn dịch. Còn với trẻ em, nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh cơ thể.
Thứ tư, chăm sóc y tế nếu có nguy cơ cao hoặc có triệu chứng của RSV, hãy thăm bác sĩ ngay lập tức để được tư vấn và điều trị kịp thời. Đặc biệt là trẻ nhỏ và người già là hai đối tượng dễ bị ảnh hưởng nặng nề từ RSV.
Thứ năm, tiêm vaccine theo khuyến nghị của CDC. Cụ thể, tiêm một liều vaccine RSV duy nhất cho phụ nữ mang thai từ tuần 32 đến tuần 36 của thai kỳ để phòng ngừa bệnh RSV ở trẻ dưới 6 tháng tuổi hay tiêm kháng thể đơn dòng phòng ngừa cho trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ.
Vị chuyên gia cho rằng, RSV vẫn là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất gây nhập viện, mắc bệnh và tử vong ở trẻ em trong hai năm đầu đời. Việc phòng ngừa vẫn là một trong những vũ khí cơ bản chống lại loại virus này cũng như các biến chứng ngắn hạn và dài hạn của nó. Trong số các chiến lược phòng ngừa, việc sử dụng các biện pháp vệ sinh thích hợp, cho con bú và điều trị dự phòng bằng vaccine là các biện pháp có hiệu quả cao.
Nhận định về bệnh lý này, PSG Bạch văn Cam khuyến nghị thêm: “Tại Việt Nam, trong các cơ sở y tế vẫn chưa thực hiện dự phòng và cách ly đối với trẻ em mắc RSV, tình trạng trẻ nhiễm RSV được điều trị và nằm chung phòng với những trẻ mắc bệnh lý khác vẫn là vấn đề cần được giải quyết. RSV có thể lây nhiễm cho trẻ chưa mắc bệnh chỉ với việc nằm chung phòng. Vì vậy, hãy cách ly nhóm trẻ RSV như biện pháp cách ly COVID-19”.
>>> Những tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị sớm bệnh Alzheimer và hội chứng vành cấp trên người cao tuổi
Hội nghị Khoa học Kỹ thuật lần thứ 40 do trường Đại học Y Dược tổ chức với chủ đề “Đại học Y Dược TPHCM 40 năm thành tựu khoa học và phát triển công nghệ” mang đến 17 phiên chuyên đề với 125 bài báo cáo. Trong đó, phiên 3 với chủ đề “Thách thức, tiến bộ trong chẩn đoán, xử trí và dự phòng khò khè ở trẻ em” diễn ra vào 31/3/2024, quy tụ hơn 300 người tham dự cùng các chuyên gia và giảng viên của trường tham gia báo cáo. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình