Hotline 24/7
08983-08983

Những dấu hiệu cho thấy cần nội soi đại tràng

Nội soi đại tràng là thủ thuật giúp phát hiện những bất thường ở đại tràng như viêm loét, polyp, chảy máu,... đặc biệt là tầm soát ung thư. Vậy khi nào cần nội soi đại tràng? Quy trình ra sao? Trong bài viết này, BS Nguyễn Thiên Như Ý sẽ chia sẻ những thông tin hữu ích để quý bạn đọc hiểu rõ hơn.

Ung thư đại trực tràng là một bệnh lí phổ biến, ngày càng trẻ hóa và có thể đe dọa tính mạng của con người. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa và nếu được chẩn đoán, điều trị ở giai đoạn đầu thì tỉ lệ khỏi bệnh có thể lên đến 90%.

1. Dấu hiệu điển hình của ung thư đại trực tràng

Đi tiêu ra máu kéo dài là một triệu chứng điển hình của ung thư đại trực tràng. Ngoài ra người mắc ung thư đại trực tràng còn có các triệu chứng khác như:

- Mệt mỏi

- Chán an

- Sụt cân

- Đau bụng

- Rối loạn tính chất phân (đi tiêu phân không thành khuôn, phân nhỏ dẹp, có máu và nhầy trong phân)

- Thay đổi thói quen đại tiện: táo bón, tiêu nhiều lần, đi tiêu khó.

BS Nguyễn Thiên Như ÝBS Nguyễn Thiên Như Ý - Khoa Thăm dò chức năng và Nội soi, Bệnh viện Thống Nhất

2. Ý nghĩa màu sắc của máu trong phân

Khi bạn có tổn thương làm chảy máu trong đường tiêu hóa, thời gian lưu thông của máu có thể quyết định triệu chứng tiêu ra máu đỏ hoặc tiêu phân đen.

Nếu thời gian lưu thông máu trong ruột kéo dài bạn sẽ có dấu hiệu tiêu phân đen, đây thường là tổn thương từ miệng thực quản đến góc treitz tá tràng. Tuy nhiên có một số trường hợp bệnh nhân đi tiêu phân đen nhưng tổn thương lại nằm dưới góc treitz.

Nếu thời gian lưu thông máu nhanh hoặc bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa trên mức độ nặng, tốc độ máu chảy nhanh sẽ có triệu chứng đi tiêu ra máu đỏ.

Ngoài đi tiêu ra máu đỏ hoặc phân đen, bác sĩ thăm khám sẽ dựa vào một số triệu chứng, dấu hiệu khác để tiên đoán chính xác hơn vị trí gây chảy máu.

3. Có tự phân biệt được trĩ và ung thư đại trực tràng?

Về lí thuyết có thể phân biệt được triệu chứng đi tiêu ra máu là do trĩ hay ung thư đại trực tràng.

Trong trường hợp bị trĩ: máu chảy ra sẽ có màu sắc đỏ tươi, có thể phân biệt rõ với phân, kích cỡ phân lớn bình thường hơi cứng, máu có thể dính ở quanh phân hoặc ra trước phân; bệnh nhân có thể tự quan sát được máu chảy nhỏ giọt hay phun tia.

Trong trường hợp ung thư trực tràng máu thường lẫn với chất nhầy nên nhiều người thường ví màu sắc như máu cá, lúc đó phân sẽ dẹp và không thành khuôn.

4. Những dấu hiệu cần nội soi đại tràng?

Khi thấy những dấu hiệu sau đây người bệnh cần đến gặp các bác sĩ để được tư vấn và nội soi đại tràng:

- Đi tiêu nhiều lần, táo bón.

- Rối loạn tính chất phân: phân có nhầy máu, phân dẹp, nhỏ, không thành khuôn.

- Đau bụng

- Chán ăn

- Sụt cân không chủ ý

- Có thiếu máu hoặc có chỉ định tầm soát ung thư đại trực tràng.

5. Độ tuổi cần tầm soát ung thư đại trực tràng?

Trước khi nghĩ đến việc tầm soát ung thư đại trực tràng, bạn có thể đặt ra 4 câu hỏi:

- Có từng mắc ung thư đại trực tràng hay Polyp tuyến đại tràng hay không?

- Có viêm loét đại tràng hay không?

- Tiền sử gia đình mắc ung thư đại trực tràng hay Polyp tuyến đại tràng?

- Gia đình có bệnh sử đa polyp đại tràng hay không?

Khi bạn trả lời 4 câu hỏi trên là “không” thì tuổi bắt đầu tầm soát được các Hiệp hội tiêu hóa trên Thế giới đồng thuận là 50 tuổi.

Nếu trong trường hợp tầm soát, nội soi nhận thấy đại tràng sạch, không có vấn đề gì bất thường thì thời gian lặp lại nội soi là sau 10 năm.

nội soi đại tràngNội soi đại tràng gồm: nội soi đại tràng không gây mê (soi tươi) và nội soi đại tràng có gây mê (không đau)

6. Những lưu ý trước nội soi đại tràng

Thứ nhất: trước khi nội soi đại tràng người bệnh được các bác sĩ tư vấn về những lợi ích và nguy hiểm có thể xảy ra khi nội soi; nếu bệnh nhân đồng ý thì sẽ kí vào cam kết nội soi.

Thứ hai: làm sạch đại tràng; hiện nay làm sạch đại tràng có 2 phương pháp:

- Dùng thuốc uống, đây là một phương pháp rất hay được áp dụng.

- Thụt tháo: trong trường hợp bệnh nhân có chống chỉ định dùng thuốc như bán tắc ruột, tắc ruột hoặc táo bón lâu ngày, những bệnh nhân tai biến mạch máu não nằm lâu không thể sử dụng thuốc; những bệnh nhân có chỉ định khuyến cáo ngưng một số loại thuốc ảnh hưởng đến quá trình can thiệp khi nội soi như aspirin các loại thuốc kháng đông.

Nội soi đại tràng hiện tại có 2 hình thức:

- Trường hợp 1: bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn trong khi nội soi có thể thảo luận với bác sĩ.

- Trường hợp 2: nội soi đại tràng gây mê thì bác sĩ sẽ gây mê đường tĩnh mạch, gây mê có tác dụng rất ngắn và sau khi nội soi bệnh nhân sẽ tỉnh táo hoàn toàn.

Trung bình một cuộc nội soi đại tràng có thể kéo dài từ 10 - 15 phút có thể sẽ lâu hơn nếu cần phải can thiệp.

7. Nội soi đại tràng có được về trong ngày?

Bệnh nhân ở xa nếu đến phòng nội soi ở thời điểm sớm trong ngày được tiến hành nội soi sớm thì có thể đi về trong ngày. Chỉ cần bạn đảm bảo được khoảng cách giữa thời gian uống thuốc làm sạch đại tràng và nội soi đại tràng là 3 tiếng.

8. Nội soi đại tràng giúp phát hiện bệnh gì?

Nội soi đại tràng có thể giúp phát hiện một số bệnh lí trong đại tràng như: viêm, loét, u.

Ở một số trường hợp khi nội soi cần can thiệp như sinh thiết để xác định rõ bản chất của tổn thương, nếu thấy tổn thương gây xuất huyết thì có thể điều trị cầm máu bằng phương pháp đốt điện hoặc kẹp cầm máu, cắt polyp.

9. Sau nội soi đại tràng có phải kiêng ăn?

Sau khi nội soi đại tràng bệnh nhân có thể ăn uống bình thường. Trong trường hợp có cắt polyp thì bệnh nhân nên ăn những thức ăn dễ tiêu, loãng giúp cho quá trình theo dõi một số tai biến sau khi cắt được dễ dàng.

10. Giải pháp phòng ngừa ung thư đại trực tràng?

Để phòng ngừa ung thư đại trực tràng bạn cần:

- Hoạt động thể lực, vận động hoặc tập thể dục.

- Hạn chế một số thực phẩm có khả năng sinh ung như: thịt đỏ, các loại thịt nướng, chiên, xông khói; tăng cường ăn một số thực phẩm nhiều chất xơ như rau, trái cây.

- Tầm soát ung thư đại trực tràng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X