Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh trĩ là gì, dấu hiệu nhận biết như thế nào?

Câu hỏi

Trĩ là một bệnh khá phổ biến ở Việt Nam, với số người mắc bệnh ngày càng gia tăng. Người xưa có câu “Thập nhân cửu trĩ” tức là cứ 10 người thì có 9 người mắc phải bệnh trĩ. Vậy trĩ là bệnh gì mà gây phiền toái cho nhiều người từ xưa tới nay, thưa bác sĩ? Làm thế nào để phân biệt bệnh trĩ và các bệnh lý liên quan đến hậu môn trực tràng?

Trả lời
Bệnh trĩ. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.

Chào bạn,
Trĩ (dân gian còn hay gọi là bệnh lòi dom) là hậu quả của việc áp lực trong tĩnh mạch vùng hậu môn trực tràng tăng lên, áp lực này làm cho máu bị ứ đọng dẫn đến người bệnh sẽ khó chịu, đau nhiều, đặc biệt là khi ngồi.

Triệu chứng của người bị bệnh trĩ đó là:

- Đại tiện ra máu đỏ tươi, nhỏ giọt hoặc chảy thành tia ở cuối bãi phân, nếu chảy máu thường xuyên - lâu dài có thể gây thiếu máu.
- Đau rát, ngứa khó chịu ở hậu môn nhất là sau khi đại tiện xong
- Có thể có búi trĩ sa ra ngoài
- Các triệu chứng như trung tiện mất tự chủ, ướt đũng quần… là hậu quả của việc búi trĩ sa.
Thân mến.
Mời tham khảo thêm:
Bệnh trĩ không chỉ đơn thuần là bệnh của tĩnh mạch. Đây là các bệnh của 1 hệ thống mạch máu từ tiểu động mạch, tĩnh mạch, thông nối động tĩnh mạch đến cơ trơn và mô liên kết được lót bởi lớp biểu mô bình thường của ống hậu môn. Đám rối tĩnh mạch nằm ở lớp dưới niêm được nâng đỡ bởi cấu trúc mô sợi đàn hồi. Tình trạng gia tăng áp lực thường xuyên như rặn đi cầu, kèm ứ máu liên tục sẽ dẫn đến phình giãn và tạo các búi trĩ vào trong lòng ống hậu môn. Đồng thời càng lớn tuổi, các cấu trúc mô liên kết nâng đỡ ngày càng bị suy yếu, các búi trĩ tụt dần ra khỏi lỗ hậu môn dẫn đến trĩ nội sa.

Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh trĩ là giữ cho phân mềm, để chúng dễ dàng đi qua lỗ hậu môn. Để ngăn ngừa trĩ và giảm triệu chứng trĩ, hãy làm theo các phương pháp sau:

Ăn thực phẩm nhiều chất xơ. Ăn nhiều trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên cám ví dụ lúa mì, yến mạch, lúa mạch, ngô, gạo lứt, lúa mạch đen, kê,... giúp làm mềm phân và tăng khối lượng phân. Thêm chất xơ vào chế độ ăn uống từ từ để tránh xì hơi quá mức.
Uống nhiều nước. Uống từ sáu đến tám ly nước và các chất lỏng khác (không phải rượu) mỗi ngày để giúp làm mềm phân.
Xem xét chất bổ sung chất xơ. Hầu hết mọi người không nhận đủ lượng chất xơ được khuyến cáo 25 gram mỗi ngày đối với phụ nữ và 38 gram mỗi ngày đối với nam giới trong chế độ ăn uống. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bổ sung chất xơ không kê đơn, chẳng hạn như Metamucil và Citrucel, giúp cải thiện các triệu chứng và giảm chảy máu từ búi trĩ. Những sản phẩm này giúp giữ phân mềm và đi cầu đều đặn mỗi ngày. Cần lưu ý khi sử dụng chất chất xơ bổ sung, hãy chắc chắn uống ít nhất tám ly nước hoặc các chất lỏng khác mỗi ngày. Nếu không, các chất bổ sung có thể gây táo bón hoặc làm táo bón nặng hơn.
Không rặn mạnh khi đi cầu vì khi cố gắng rặn sẽ tạo ra áp lực lớn hơn lên các tĩnh mạch ở trực tràng dưới làm búi trĩ phình to và dễ chảy máu.
Đi cầu ngay khi có cảm giác mắc cầu. Nếu bỏ lỡ cảm giác mắc đi cầu, niêm mạc trực tràng dần hấp thu nước trong phân bị ứ đọng, phân sẽ trở nên khô, cứng và khó hơn đi cầu hơn.
Tập thể dục. Duy trì vận động mỗi ngày để giúp ngăn ngừa táo bón và giảm áp lực lên tĩnh mạch, có thể xảy ra khi đứng lâu hoặc ngồi lâu. Tập thể dục cũng có thể giúp giảm cân.
Tránh ngồi lâu. Ngồi quá lâu, đặc biệt là trên bồn cầu, có thể làm tăng áp lực lên tĩnh mạch ở hậu môn.
ThS.BS Trần Anh Tuấn
Khoa Ngoại Tổng quát - Lồng ngực Bệnh viện Gia An 115

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X