Nhận biết kịp thời động kinh
Cơn động kinh tùy từng loại, có các biểu hiện như co giật một phần cơ thể, thị giác bất thường, cảm giác lo lắng, khó chịu ở vùng dạ dày hoặc chóng mặt, lú lẫn...
Theo một thống kê gần đây, mỗi người có 10% nguy cơ bị một cơn động kinh trong cuộc đời. Các cơn động kinh do sốt ảnh hưởng khoảng 5% trẻ dưới 5 tuổi. Động kinh không do sốt ảnh hưởng 4-8% dân số ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Tỷ lệ động kinh khoảng 0,4-0,8% dân số.
Trò chuyện với thầy thuốc tại Trung tâm truyền thông Giáo dục sức khỏe TP HCM mới đây, tiến sĩ Lê Văn Tuấn, Đại học Y Dược TP HCM cho biết, cơn động kinh được định nghĩa là tình trạng bệnh lý ở não, đặc trưng bởi sự phóng lực quá mức, đồng bộ và tạm thời của một nhóm các nơron trong não, có những triệu chứng tương ứng với vùng não bị kích thích.
Động kinh được đặc trưng bởi các cơn động kinh tái phát. Thông thường một bệnh nhân được chẩn đoán là động kinh khi có ít nhất hai cơn động kinh, nếu chỉ có một cơn duy nhất thì chưa gọi là động kinh.
Động kinh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, có thể nguy hiểm tính mạng nếu không được nhận biết và xử trí kịp thời. Ảnh: bretthasepilepsy |
Theo bác sĩ Tuấn, động kinh không phải là một bệnh tâm thần. Một số tình trạng nội khoa khác có thể gây ra các cơn động kinh như co giật do sốt, do ngưng thuốc, do ngộ độc, do phản ứng dị ứng, do nhiễm trùng, do rối loạn điện giải, đường huyết... Tuy nhiên những tình trạng này không được xem là động kinh. Thỉnh thoảng cơn động kinh không được chú ý hay có thể bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác như đột quỵ hay đau đầu migraine (đau nửa đầu).
Động kinh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nhiều người bị động kinh ở tuổi nhỏ và đến tuổi trưởng thành có khuynh hướng giảm về cường độ và số lần xuất hiện cơn động kinh. Tỷ lệ động kinh cũng tăng ở người lớn tuổi. Vài nghiên cứu cho thấy người sau 60 tuổi mới bị động kinh chiếm tỷ lệ khoảng 25%. Động kinh có thể dẫn đến hội chứng tử vong đột ngột không dự đoán trước. Hội chứng thường gặp ở người 20-40 tuổi, bị động kinh trên một năm.
Khoảng 60-75% các trường hợp không biết được nguyên nhân của động kinh. Các trường hợp còn lại có thể do các nguyên nhân sau:
-Tổn thương não trong bào thai, chấn thương lúc sinh (do thiếu oxygen).
-Ngộ độc, nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương...
-Chấn thương đầu, u não, tai biến mạch máu não…
-Đa số động kinh không có tính di truyền. Tuy nhiên có số ít trường hợp có khuynh hướng di truyền.
Theo bác sĩ Tuấn, bước đầu tiên quan trọng là chẩn đoán được loại cơn động kinh, vì việc chọn lựa thuốc chống động kinh tùy thuộc nhiều vào từng loại cơn động kinh như cơn động kinh cục bộ, cơn động kinh toàn thể hoặc các cơn không phân loại được.
Các cơn động kinh cục bộ xảy ra khi có quá nhiều hoạt động điện khu trú ở một vùng trong não. Hai dạng cơn động kinh cục bộ thường nhất là cơn cục bộ đơn giản và cơn cục bộ phức tạp.
Cơn động kinh cục bộ đơn giản:Bệnh nhân có thể có cảm giác lạ hay bất thường chẳng hạn như co giật một phần của cơ thể, thị giác hay khứu giác bất thường, cảm giác lo lắng hay sợ sệt, khó chịu ở vùng dạ dày hay chóng mặt. Các cảm giác này cũng được biết như là triệu chứng khởi đầu. Đây là cơn động kinh cục bộ đơn giản mà có thể xảy ra riêng biệt hay được theo sau là cơn động kinh toàn thể hóa.
Cơn động kinh cục bộ phức tạp: Bệnh nhân không biết được cơn động kinh đang xảy ra, và trông họ rất lú lẫn. Người bệnh có thể có các hành vi vô nghĩa như đi qua đi lại, xoay đầu, xoa tay…họ không thể nhớ được các hành vi này sau cơn.
Các cơn động kinh toàn thể: Xảy ra khi hoạt động điện trong não quá nhiều ảnh hưởng toàn bộ não. Có hai dạng cơn toàn thể thường gặp nhất là cơn vắng ý thức và cơn co cứng - co giật toàn thể.
Cơn vắng ý thức: Bệnh nhân nhìn chằm chằm và mắt của họ có thể cuộn lên trên. Loại cơn động kinh này được đặc trưng bởi mất ý thức trong khoảng 5 đến 15 giây và khi cơn động kinh chấm dứt thì người bệnh không nhớ được những gì đã xảy ra. Cơn vắng ý thức thường xảy ra ở trẻ em và biến mất ở tuổi thiếu niên. Chúng hiếm khi gặp ở người lớn.
Cơn co cứng-co giật toàn thể:Người bệnh thường phát ra tiếng kêu ngắn, mất ý thức trong cơn và ngã xuống sàn.Các cơ sẽ co cứng và tay chân sẽ co giật. Bệnh nhân có thể bị tiểu dầm.
"Nếu cơn động kinh kéo dài 5 phút hay hơn, hay có nhiều cơn động kinh và bệnh nhân không hồi phục đầy đủ giữa các cơn động kinh thì cần phải được xử trí cấp cứu ngay nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân hay để lại di chứng lâu dài", bác sĩ Tuấn nhấn mạnh.
Sau cơn động kinh thì người bệnh có thể hồi phục lại ngay hay có thể cảm thấy mệt mỏi, lú lẫn hay rối loạn định hướng mà kéo dài vài phút, vài giờ hay thậm chí vài ngày sau đó bệnh nhân từ từ tỉnh lại.
Theo bác sĩ Tuấn hiện nay phương pháp điều trị chủ yếu là dùng thuốc. Có nhiều loại thuốc chống động kinh và việc chọn lựa thuốc tùy thuộc vào nhiều yếu tố như loại cơn động kinh, nguyên nhân, tuổi, giới tính, tình trạng bệnh lý đi kèm…người bệnh không nên tự đi mua thuốc và việc chọn lựa loại thuốc, liều dùng và cách dùng sẽ do bác sĩ chỉ định. Khi dùng thuốc thì 50% bệnh nhân sẽ không còn cơn động kinh, 30% còn cơn nhưng giảm về cường độ và số lần xuất hiện, 20% không đáp ứng với thuốc. Nếu việc chọn lựa thuốc không thích hợp thì tỉ lệ không đáp ứng sẽ cao hơn.
Ngoài ra, có thể dùng phương pháp chế độ ăn sinh ceton, ăn theo thực đơn chọn sẵn với nhiều mỡ, ít chất bột và đạm. Phương pháp này thường được áp dụng ở trẻ em 1-8 tuổi.
AloBacsi.vn
Theo Lê Phương - VnExpress
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình