Hotline 24/7
08983-08983

Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh lý loãng xương

Loãng xương là một trong những bệnh lý thường gặp ở những người lớn tuổi và diễn tiến âm thầm. Bệnh không có triệu chứng rõ ràng và thường xuất hiện triệu chứng khi đã ở mức độ nặng. Loãng xương gây rất nhiều tác hại cho sức khoẻ và sinh hoạt, thậm chí dẫn tới tử vong.

1. Loãng xương 

Loãng xương (xốp xương, giòn xương) là tình trạng xương liên tục mỏng dần. Mật độ xương giảm dần theo thời gian khiến xương giòn hơn, dễ tổn thương và bị gãy dù chỉ với chấn thương nhẹ. Gãy xương do loãng xương có thể xảy ra ở bất kỳ xương nào. Trong đó, thường gặp là gãy xương cột sống, xương đùi và xương cẳng tay. Một số xương khi bị gãy sẽ không có khả năng lành lại như xương cột sống và xương đùi. Các trường hợp này thường phải điều trị phẫu thuật với chi phí tốn kém. 

Bệnh thường tiến triển âm thầm. Người bệnh có thể cảm thấy đau mỏi không rõ ràng, chiều cao giảm dần, cột sống gù vẹo. Đây là những triệu chứng chỉ được phát hiện sau một thời gian dài. Một số trường hợp chỉ phát hiện bệnh khi đã có các dấu hiệu gãy xương.

Tuổi càng cao, tình trạng xốp xương sẽ càng tiến triển nặng hơn. Vì càng lớn tuổi, quá trình chuyển hóa xương có nhiều biến đổi gây ra các rối loạn trong quá trình tạo xương và hủy xương, dẫn tới giảm mật độ xương.

2. Phân loại loãng xương

Loãng xương được chia thành loãng xương nguyên phát và loãng xương thứ phát. Các vị trí gãy xương trong loãng xương nguyên phát và thứ phát là tương tự nhau.

a. Loãng xương nguyên phát

Loãng xương nguyên phát được xem là mức độ nặng của tình trạng thiểu sản xương bệnh lý. Nguyên nhân là do sự lão hóa của các tạo cốt bào, khi tuổi càng cao thì tình trạng thiểu sản xương càng tăng, cho đến khi trọng lượng xương (trong một đơn vị thể tích) giảm trên 30% thì có biểu hiện lâm sàng. 

Loãng xương nguyên phát lại được chia thành 2 type là loãng xương type I (Loãng xương ở tuổi mãn kinh) và loãng xương type II (Loãng xương tuổi già).

Trong đó, loãng xương ở tuổi mãn kinh có nguyên nhân là do giảm nội tiết tố oestrogen. Ngoài ra, còn có sự giảm tiết hormone tuyến cận giáp trạng, tăng thải canxi niệu. Loãng xương type I này thường gặp ở những phụ nữ độ tuổi từ 50 - 55, đã mãn kinh. Tổn thương chủ yếu là mất chất khoáng ở xương xốp với biểu hiện lún của các đốt sống hoặc gãy xương.

Đối với loãng xương tuổi già, đây là thể loãng xương liên quan tới tuổi tác và tình trạng mất cân bằng tạo xương. Loãng xương thể này xuất hiện ở cả nam và nữ, độ tuổi khoảng trên 70 với đặc điểm là mất chất khoáng toàn thể ở cả xương xốp (xương bó) và xương đặc (xương vỏ). Bệnh nhân thường hay bị gãy cổ xương đùi.

b. Loãng xương thứ phát

Khác với loãng xương nguyên phát, loãng xương thứ phát có liên quan tới một số bệnh mãn tính hoặc do sử dụng một số loại thuốc như Corticoid, chống động kinh, dùng thyroxin quá liều, kháng đông (heparin), các đồng vận của GnRH...

Các nguyên nhân gây loãng xương thứ phát có thể kể đến là:

- Bệnh nội tiết như cường giáp, cường cận giáp nguyên phát, đái tháo đường, bệnh to đầu chi, hội chứng Cushing, thiểu năng sinh dục, biếng ăn tâm thần, tăng prolactin máu với vô kinh hay suy sinh dục, đái tháo đường type I...

- Bệnh tiêu hóa như cắt dạ dày, thiếu dinh dưỡng, bệnh gan mạn tính.

- Bệnh mô liên kết (hội chứng Marfan, hội chứng Ehlers-Danlos, tạo xương bất toàn).

- Bệnh lý về khớp như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp,...

- Bệnh ung thư: Kahler...

- Bệnh di truyền: bệnh nhiễm sắc tố sắt...

- Bệnh lý huyết học (rối loạn hấp thu, hội chứng ruột ngắn - Short bowel syndrome, bệnh Crohn, viêm gan mạn, xơ gan đường mật nguyên phát, hội chứng sau cắt dạ dày).

- Các bệnh lý khác như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, sau ghép tạng, suy dinh dưỡng...

3. Nguyên nhân gây loãng xương

Tuổi tác là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng mật độ xương bị suy giảm. Ngoài ra, một số tác động sau cũng có khả năng gây bệnh như:

- Phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh hay có chu kỳ kinh nguyệt không đều gây suy giảm nồng độ estrogen, thường có nguy cơ cao mắc bệnh. Ở nam giới, nồng độ testosterone thấp cũng là nguyên nhân gây loãng xương.

- Chế độ ăn uống không khoa học, thiếu dưỡng chất, đặc biệt là những chất có lợi cho xương khớp như canxi, vitamin D, omega-3…

- Tác dụng phụ của thuốc do sử dụng thuốc corticosteroid, heparin trong thời gian dài, không tuân theo chỉ định của bác sĩ.

- Lối sống lười vận động, không luyện tập thể dục thể thao, mức độ hoạt động thấp, ngồi nhiều… đều có thể dẫn tới tình trạng xương khớp suy yếu.

- Những chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá là các tác nhân gây hại, thúc đẩy và làm suy yếu hệ thống xương khớp.

- Người lao động nặng, phải thường xuyên khuân vác vật nặng sẽ có nguy cơ mắc những bệnh cơ xương khớp cao hơn người bình thường.

- Không cung cấp đủ lượng canxi cần thiết trong giai đoạn hình thành và phát triển hệ thống xương khớp cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng suy yếu xương khớp sớm.

- Ngoài ra, có nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới tình trạng loãng xương. Trong đó, một số yếu tố có thể thay đổi được, một số khác thì không thể.

Xem thêm: Dinh dưỡng, lối sống lành mạnh để phòng ngừa và điều trị loãng xương, thoái hóa khớp

4. Triệu chứng của loãng xương

Tình trạng mất xương (giảm mật độ xương) do loãng xương thường không có dấu hiệu rõ ràng. Người bệnh thường không biết mình mắc bệnh cho tới khi xương trở nên yếu, dễ gãy sau các sang chấn nhỏ như trẹo chân, té ngã, va đập. Những triệu chứng thường gặp của bệnh là:

- Giảm mật độ xương: Tình trạng này khiến xương cột sống có thể bị xẹp, gãy lún. Người bệnh thường bị các cơn đau lưng cấp, giảm chiều cao, dáng đi lom khom, gù lưng.

- Đau nhức đầu xương: Đây là triệu chứng người bệnh dễ nhận thấy nhất khi bị giảm mật độ xương. Bệnh sẽ gây mỏi dọc các xương dài, thậm chí là bị đau nhức toàn thân như kim chích.

- Đau tại vùng xương chịu trọng lực của cơ thể, các xương này gồm: xương cột sống, thắt lưng, xương chậu, xương hông, đầu gối. Các cơn đau tái phát nhiều lần sau chấn thương. Người bệnh thường bị đau âm ỉ kéo dài. Cơn đau tăng dần khi vận động, di chuyển, đứng ngồi lâu; thuyên giảm khi nghỉ ngơi.

- Đau tại cột sống, thắt lưng hay hai bên liên sườn: Tình trạng này làm ảnh hưởng tới những dây thần kinh liên sườn, dây thần kinh đùi và thần kinh tọa. Các cơn đau ở lưng trở nặng khi người bệnh vận động mạnh hay bất ngờ thay đổi tư thế. Do đó, bệnh nhân sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các tư thế như cúi gập, xoay hẳn người.

- Tình trạng giảm mật độ xương ở người tuổi trung niên có thể kèm những dấu hiệu của bệnh giãn tĩnh mạch, cao huyết áp, thoái hóa khớp…

5. Các biến chứng của loãng xương

Khi người bệnh không được điều trị kịp thời hay điều trị không đúng cách, những biến chứng của loãng xương có thể xuất hiện như:

- Gãy xương: Tình trạng loãng xương làm suy giảm mật độ xương, khiến xương yếu, giòn, dễ gãy. Một số trường hợp chỉ cần một sự va chạm nhẹ, cúi gập người hoặc ho, hắt hơi cũng có khả năng làm gãy xương. Vì xương cột sống, xương đùi, xương cẳng tay, cánh tay, xương cẳng chân là các xương chịu lực tác động nhiều nhất cơ thể. Vì thế, khi bị loãng xương, đây là các xương thường bị ảnh hưởng nhất. Gãy cổ xương đùi, gãy xương cẳng tay, gãy khớp háng là tình trạng thường gặp ở người bệnh loãng xương cao tuổi.

- Lún xẹp đốt sống: Tình trạng lún xẹp đốt sống do loãng xương có thể dẫn đến tàn phế vĩnh viễn. Ngoài ra, biến chứng này có thể khiến các rễ dây thần kinh bị chèn ép, gây đau nhức kéo dài. Số lượng đốt sống bị tổn thương nhiều có thể khiến tình trạng thoái hóa cột sống diễn tiến nhanh hơn.

- Suy giảm khả năng vận động: Người bị loãng xương có thể bị tàn phế vĩnh viễn. Tình trạng này làm giảm chất lượng cuộc sống, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Người bệnh thường phải nằm bất động một chỗ trong thời gian dài. Điều này có thể dẫn tới những biến chứng khác như viêm phổi, hoại tử, tắc mạch chi…

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X