Hotline 24/7
08983-08983

Nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bệnh thận do hít phải bụi mịn

TTƯT.BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước - Ủy viên BCH Hội Tai Mũi Họng Việt Nam và Hội Tai Mũi Họng TPHCM cho biết, bụi mịn, bụi siêu mịn có khả năng xuyên qua hàng rào phổi hay phế nang vào sâu trong cơ thể, gây ra các bệnh lý liên quan đến tim mạch, bệnh thận và các hệ lụy cho sức khỏe.

1. Bụi mịn, bụi siêu mịn ẩn nấp trong không khí ô nhiễm

Những cảnh báo về bụi mịn liên tiếp được đưa ra trong thời gian gần đây tại các thành phố lớn. Xin hỏi BS, tại Việt Nam, mùa nào - tháng nào trong năm tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất và vì sao ạ? Trong không khí, các chất ô nhiễm nào là phổ biến nhất ạ?

TTƯT.BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước trả lời: Nếu đến Đà Lạt, chắc chắn ai cũng thấy được sương mù tại thành phố này. Tuy nhiên, nếu tại TPHCM có hiện tượng tương tự, đó là vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Một trong những thành phần có trong không khí ô nhiễm là bụi mịn hoặc bụi siêu mịn.

Ví dụ, bụi ở trong không khí có thể tính theo mét khối của không khí, nếu vượt quá 100, nghĩa là không khí bắt đầu ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Dưới 100 có thể chấp nhận và chỉ số tốt nhất là dưới 20-35. Vì vậy, mỗi người cần nhớ, thể tích không khí >100m³ sẽ ảnh hưởng đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau cho cả trẻ em và người lớn.

Chuyên gia cảnh báo bụi mịn, bụi siêu mịn có thể len lỏi, đi qua hàng rào phổi, tích lũy và ảnh hưởng đến sức khỏe

2. Bụi mịn PM2.5 có khả năng vượt qua hàng rào phổi, gây hại sức khỏe con người

Kết quả quan trắc ghi nhận bụi mịn PM thường xuyên cao vượt ngưỡng cho phép. Nhờ BS giải thích cụ thể hơn, kích thước của các loại bụi mịn ra sao? Bụi mịn và bụi siêu mịn khác nhau thế nào?

TTƯT.BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước trả lời: Bụi mịn và bụi siêu mịn được phân biệt bởi kích thước. Cụ thể, bụi mịn hay gọi là bụi mịn PM (Particulate Matter), trong đó, loại bụi mịn PM2.5 tương đương với kích thước 2.5 micron (so với sợi tóc con người thì nhỏ hơn khoảng 30 lần). Nếu bụi mịn PM1.0 sẽ nhỏ hơn 50 lần so với sợi tóc con người, kích thước càng nhỏ sẽ được gọi là hạt bụi siêu mịn.

Bụi mịn PM2.5 có khả năng vượt qua hàng rào của phổi, thấm vào cơ thể và gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

3. Bụi có thể thông quá không khí, gió để len vào nhà

Ô nhiễm bụi mịn tồn tại ở cả khu vực ngoài đường và trong nhà. Xin hỏi BS, loại bụi mịn thường gặp ngoài trời và trong nhà liệu có khác nhau? Ô nhiễm bụi mịn trong nhà, từ đâu mà có, thưa BS?

TTƯT.BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước trả lời: Bụi mịn nhỏ hơn 30-50 lần, thậm chí nhỏ hơn so với sợi tóc của con người. Vì vậy, thông qua không khí và gió, bụi được đẩy len qua các khe hở vào trong nhà. Từ đó, cần có giải pháp khác đối với việc xử lý bụi mịn trong không gian nhà.

4. Thành phần của bụi mịn chứa phần lớn khí Nitơ và khí thải của cuộc sống

Bụi mịn gây ảnh hưởng sức khỏe của chúng ta như thế nào kể cả khi tiếp xúc ngắn hạn và dài hạn, thưa BS? Kích thước bụi mịn khác nhau liệu có thể đưa đến những nguy cơ, tác hại khác nhau? Những nhóm người nào chịu tác động nhiều nhất trước bụi mịn?

TTƯT.BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước trả lời: Bản chất của bụi mịn phần lớn là khí Nitơ, ngoài ra, trong bụi còn có khói nhà máy, khói từ phương tiện giao thông, khói của công tác đào đường và từ các chất trong nhà máy cơ khí, nhà máy hóa chất,… thải ra ngoài môi trường. Những vấn đề này không thể xử lý hết tất cả, với những người sinh sống tại các thành phố công nghiệp, càng dễ gặp các trường hợp này.

Do đó, khi chạy ngoài đường, có những thời điểm con người chịu không nổi, đặc biệt là khi bị kẹt xe.

5. Hóa chất có trong bụi gây hại sức khỏe khi vào sâu trong cơ thể

Không chỉ ảnh hưởng tai mũi họng - hô hấp, gần đây, bụi mịn còn được biết đến là tác nhân thổi bùng bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư. Xin hỏi BS, nguy cơ này gia tăng trên những nhóm người nào ạ? Cơ chế nào khiến bụi mịn có thể đưa đến các bệnh lý nguy hiểm như vậy, thưa BS? 

TTƯT.BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước trả lời: Trong bụi mịn có nhiều loại chất rất nhỏ, khi bụi đi vào cơ thể, vị trí ảnh hưởng đầu tiên là tai, mũi, họng, sau đó vào phổi. Vì bụi quá nhỏ, có thể đi qua hàng rào của phế nang, vào sâu trong cơ thể. Chính những loại hóa chất có trong bụi, sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe khi vào sâu trong cơ thể như gây ra các vấn đề tim mạch, bệnh thận và rất nhiều hệ lụy khác nhau của đường hô hấp trên, đường hô hấp dưới, toàn bộ cơ thể. Càng tích tụ lâu dài, sẽ xuất hiện nhiều vấn đề bệnh lý xảy ra đối với cơ thể.

6. Không khí mờ ảo, khói bụi mù mịt, cảm giác khó chịu là cách nhận diện bụi mịn

Tại Việt Nam, chúng ta có thể theo dõi tình trạng bụi mịn bằng cách nào, thưa BS? Đặc biệt là môi trường nhà ở, những nơi kín như văn phòng ạ? 

TTƯT.BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước trả lời: Mỗi địa phương sẽ có những hệ thống quan trắc của nhà nước để theo dõi tình trạng bụi mịn trong không khí. Ngoài ra, con người có thể nhận biết qua việc thấy không khí mờ ảo tại khu vực sống hoặc đi ngoài đường, khói xe mù mịt, có cảm giác khó chịu, khó thở. Đó là thời điểm bụi gia tăng.

Tại những thành phố lớn như TPHCM, luôn xuất hiện bụi mịn, vấn đề cần biết là bụi mịn xuất hiện nhiều ở thời gian nào trong một ngày. Quan trắc không thể hoạt động liên tục, do đó, cần tìm những biện pháp khác để làm sạch không khí, đặc biệt trong không gian nhà. Còn khi ra ngoài đường, sẽ có những biện pháp đơn giản để giảm thiểu nguy cơ xâm nhập của bụi mịn vào cơ thể.

7. Dùng khẩu trang để giảm thiểu hít phải khói bụi khi ra ngoài

Trong bối cảnh ô nhiễm không khí, bụi mịn gia tăng, chúng ta có thể làm những gì để bảo vệ sức khỏe của bản thân, thưa BS? 

TTƯT.BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước trả lời: Thứ nhất, khi đi ngoài đường, nên đội nón, đeo khẩu trang đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều loại khẩu trang kém chất lượng được nhiều người sử dụng, nhưng trước tình trạng khói bụi, có khẩu trang sẽ giúp được việc giảm thiểu nguy cơ hít phải bụi mịn.

Nếu có điều kiện, nên trang bị loại khẩu trang đạt chuẩn như N95, giá thành của loại khẩu trang này khá cao. Với điều kiện thấp hơn, có thể sử dụng khẩu trang y tế.

Thứ hai, khi ở trong nhà, mỗi gia đình có thể trang bị máy lọc không khí, giúp không khí sạch hơn. Lưu ý, khi lựa chọn dòng máy, nên chọn loại có khả năng làm sạch tối đa không khí, giảm bụi mịn xuống ít nhất <100 µg/m³.

8. Tạo thói quen vệ sinh mũi, họng bảo vệ sức khỏe

Vệ sinh vùng tai mũi họng như thế nào sau khi tiếp xúc với nhiều tác nhân gây bệnh, từ virus, vi khuẩn đến bụi mịn và sau khi ở ngoài đường về nhà, thưa BS? Các nguyên tắc và lưu ý cần nhớ khi vệ sinh vùng tai mũi họng gồm những gì?

TTƯT.BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước trả lời: Sau khi ra ngoài về hoặc làm việc xong, con người thường có thói quen rửa tay. Tuy nhiên, lại quên vệ sinh mũi, súc họng. Bắt đầu từ hôm nay, hãy tập thói quen vệ sinh mũi, họng.

Đối với họng, có thể sử dụng nước muối, thực hiện súc họng bằng cách ngửa cổ, khò nước, thỉnh thoảng thè lưỡi để nước muối đi sâu vào các hốc tại cổ họng, rồi nhổ bỏ nước. Có thể thực hiện súc họng vài lần mỗi ngày.

Đối với mũi, từ xa xưa, ông tổ ngành Y đã dùng cách lấy ấm trà đổ nước từ mũi này chảy qua mũi kia và ngược lại để vệ sinh mũi. Ngày nay, đã có rất nhiều công cụ thực hiện điều này. Các thông tin về công cụ vệ sinh mũi có rất nhiều trên mạng giúp mọi người dễ dàng tìm kiếm.

Ngoài ra, có những loại muối sinh lý để vệ sinh mũi, sau khi mũi được vệ sinh, niêm mạc mũi sẽ hoạt động tốt. Bên cạnh đó, mũi đóng vai trò như bộ lọc, khuyến cáo không nên nhổ lông mũi, các hạt bụi nhỏ sẽ bám vào lông mũi, hạt bụi lớn bám vào niêm mạc mũi. Lúc này, con người sẽ có 2 cách, một là khạc nhổ, hai là nuốt vào dạ dày, đó là cơ chế của mũi. Đến thời điểm bụi đã vượt quá mức độ, cần phải rửa mũi.

Trong trường hợp đã quá tải bụi, nên sử dụng các biện pháp khác như dùng máy lọc không khí. Đặc biệt trong không gian nhà và gia đình có trẻ em, người lớn tuổi.

Phần 2: Nguyên tắc lựa chọn máy lọc không khí để lọc được bụi mịn, bụi siêu mịn

Chân thành cảm ơn TTƯT.BS.CK2 Nguyễn Vĩnh PhướcMáy lọc không khí LG - Tập đoàn LG Việt Nam đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X