Hotline 24/7
08983-08983

Người phụ nữ ở Vĩnh Phúc 2 lần ngừng tuần hoàn trong một thời gian ngắn

Ngày 25/10/2024, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đã cấp cứu thành công người bệnh nguy kịch, ngừng tuần hoàn 2 lần và đồng thời bảo toàn hệ thần kinh, chức năng vận động cho người bệnh bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy.

Trong đợt điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, bà L.T.T., 60 tuổi, được phát hiện có tình trạng rối loạn nhịp nhanh không đều, ngoại tâm thu thất nhiều. Đây là loại rối loạn nhịp nguy hiểm, có nguy cơ diễn biến nặng đột xuất. Người bệnh được điều trị kiểm soát nhịp bằng thuốc.

Trong một lần vào nhà vệ sinh bệnh viện, bà T. bất ngờ hôn mê, ngừng tuần hoàn. Bà may mắn được phát hiện kịp thời, lập tức được cấp cứu ngừng tuần hoàn. 10 phút sau, người bệnh có nhịp tim trở lại, chuyển khoa Cấp cứu để theo dõi.

Nhưng ngay sau đó, bà T. tiếp tục xuất hiện tình trạng ngừng tuần hoàn lần hai, tiếp tục được cấp cứu. Khoảng 20 phút căng thẳng, người bệnh có nhịp tim trở lại nhưng rơi vào tình trạng hôn mê gọi - hỏi không đáp ứng, thở nhanh, mạch nhanh nhỏ, huyết áp thấp (duy trì 3 loại vận mạch).

Nhận định tình trạng người bệnh rất nguy kịch, bác sĩ hội chẩn, chỉ định điều trị hồi sức cấp cứu chuyên sâu. Để giúp bệnh nhân tránh được những biến chứng nặng nề sau cấp cứu ngừng tuần hoàn, các bác sĩ sử dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy sớm.

Sau 3 ngày, bệnh nhân hồi tỉnh, không có di chứng thần kinh, được rút ống thở, kết thúc hạ thân nhiệt sau 48 giờ. Đến ngày 25/10/2024, người bệnh tiếp tục điều trị và theo dõi sát sao.

Biến chứng nặng nề của người bệnh sau cấp cứu ngừng tuần hoàn

Ngừng tuần hoàn ở người bệnh sẽ gây ra trình trạng thiếu máu tại các cơ quan do tim mất khả năng co bóp khiến rối loạn các chức năng tế bào gây hoại tử và chết theo chương trình, đặc biệt là tế bào não.

Các tổn thương não sau ngừng tuần hoàn thường không hồi phục và để lại di chứng nặng nề thậm chí là tử vong. Người bệnh ngừng tuần hoàn mặc dù được cứu sống nhưng để lại các di chứng tổn thương não hết sức nặng nề như: mất trí nhớ, co giật, liệt nửa người, nặng hơn có thể liệt toàn thân, hôn mê sống đời sống thực vật….

Tuy nhiên ứng dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy (hay còn gọi là hạ thân nhiệt chủ động) sẽ ngăn chặn đáng kể quá trình tổn thương này, từ đó giúp người bệnh có khả năng sống sót và giảm thiểu biến chứng thần kinh.

Hạ thân nhiệt chỉ huy có tác dụng gì?

ThS.BS Nguyễn Văn Vĩnh - Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hạ thân nhiệt chỉ huy là phương pháp thân nhiệt người bệnh sẽ được đưa xuống mức 32 - 36 độ C, duy trì nhiệt độ này trong một thời gian nhất định (từ 24 - 72 giờ).

Khi thân nhiệt hạ xuống, các tế bào não dễ dàng chuyển hóa, tăng khả năng chịu đựng với tình trạng thiếu oxy và áp lực nội sọ giảm xuống, giảm đáp ứng viêm, cải thiện tình trạng độc tế bào não do các gốc oxy hóa tự do, tưới máu và cung cấp oxy não tốt hơn. Do đó, não sẽ được phục hồi nhanh chóng làm tăng khả năng sống, phục hồi ý thức và vận động tốt hơn cho người bệnh.

Cơ chế hạ thân nhiệt chỉ huy gồm nhiều yếu tố như: giảm chuyển hóa yếm khí tế bào, giảm nhu cầu sử dụng oxy của các mô, giảm sản xuất gốc tự do, giảm chuyển canxi vào tế bào, giảm phóng thích các chất gây chuyển hóa kích thích thần kinh, giảm tổn thương hàng rào máu não, giảm toan hóa nội bào, ...Từ đó, giúp giảm tổn thương mô não do thiếu máu sau ngừng tuần hoàn.

BS Nguyễn Văn Vĩnh khuyến cáo, với người bệnh ngừng tim, việc cấp cứu ban đầu tại chỗ rất quan trọng (đặc biệt là trong 5 phút đầu tiên), sau khi tái lập được tuần hoàn, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến ngay các cơ sở y tế đủ điều kiện để tiếp tục điều trị. Kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy đạt hiệu quả cao nhất trong 3 giờ từ khi người bệnh ngừng tuần hoàn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X