Người hút thuốc lá bao lâu nên kiểm tra sức khỏe phổi một lần?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc - Chủ tịch hội Hô hấp TPHCM cho biết, thuốc lá dù là dạng nào cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Tại Việt Nam có đến 80% bệnh nhân phát hiện ung thư phổi giai đoạn muộn. Do đó, việc tầm soát sức khỏe phổi sớm là điều rất quan trọng để tăng cơ hội chữa khỏi hoàn toàn cho bệnh nhân.
1. So sánh hình ảnh phổi trên phim chụp X-quang giữa người hút thuốc lá và không hút thuốc lá
Trước tiên, nhờ PGS chia sẻ hình ảnh phổi trên phim chụp X-quang giữa một người hút thuốc lá và một người không hút thuốc lá sẽ khác biệt như thế nào ạ?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Sau khi, đánh giá về mặt kỹ thuật của một phim X-quang ngực bình thường đúng chuẩn, bác sĩ sẽ tiến hành phân tích nhu mô phổi. Ở người bình thường, khi bệnh nhân hít sâu vào sẽ đếm được khoảng 9 khoang gian sườn, vòm hoành cong một cách mềm mại, bên trái thấp hơn bên phải khoảng 1 - 2cm, mạch máu đi ra 1/3 phế trường và không thấy tổn thương ở nhu mô phổi của cả 2 bên.
Đối với người hút thuốc lá, giai đoạn đầu sẽ ảnh hưởng đến phế quản của đường hô hấp. Tuy nhiên, giai đoạn này dù có viêm mãn tính trên X-quang cũng không phát hiện bất thường. Khoảng 25 - 30% bệnh nhân hút thuốc lá sẽ dẫn đến viêm phế quản mạn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, khi đó thành phế quản có thể dày lên. Mặc dù khó phát hiện khi chụp X-quang ngực bình thường nhưng nếu quan sát kỹ nhu mô phổi hai bên (phế trường) sẽ phát hiện tăng sáng hơn (đen hơn) phổi bình thường do ứ khí.
Ứ khí có thể liên quan đến tình trạng phá hủy nhu mô phổi (phế nang) hoặc có những bóng khí to, phế thủng liên quan đến hút thuốc lá và hệ thống mạch máu trong phổi sẽ thưa thớt hơn mạch máu phổi bình thường. Bên cạnh đó, lồng ngực của người hút thuốc lá sẽ lớn hơn (lồng ngực hình thùng), cơ hoành bị đẩy dẹt xuống và không còn mềm mại. Lúc đó độ chun giãn của phổi sẽ kém và bệnh nhân dễ bị khó thở khi gắng sức.
Đa số trường hợp mới hút thuốc lá sẽ có hình ảnh như người bình thường, còn hình ảnh này bệnh phổi đã nặng. Nhiều trường hợp người hút thuốc lá bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn đầu, chưa phá hủy rõ ràng trên X-quang vẫn bình thường, khi đó cần chụp cắt lớp để thấy rõ hơn, xem thành khí quản có bị dày hay ứ khí, thậm chí một số bệnh nhân có kèm theo ung thư phổi. Tỷ lệ người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do thuốc lá bị ung thư phổi gấp đôi so với người không bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Do đó, việc chụp CT-scan ngực cho người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính rất cần thiết, để đánh giá mức độ ứ khí, tổn thương của nhu mô phổi bên cạnh việc đo chức năng hô hấp để đánh giá mức độ tắc nghẽn. Kết quả CT này cũng có thể tầm soát ung thư phổi. Đặc biệt, những trường hợp nặng như hình minh trên, nên chụp CT liều thấp để giảm ảnh hưởng từ tia X cho bệnh nhân.
2. Hút thuốc lá sẽ phá hủy sức khỏe các cơ quan ra sao?
Hút thuốc lá sẽ phá hủy sức khỏe các cơ quan ra sao, đặc biệt là phổi - nơi tiếp nhận trực tiếp ạ? Nhiều người tin rằng, thuốc lá điện tử sẽ ít độc hại hơn thuốc lá điếu, thực hư điều này như thế nào, thưa BS?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Thuốc lá dù là dạng nào cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Với người hút thuốc lá sẽ tác động về mặt lâu dài, cũng như trước mắt đối với cơ thể. Đặc biệt, đối với phụ nữ thuốc lá càng nguy hiểm hơn vì phổi rất dễ bị tổn thương nếu hút thuốc lá, kể cả hút thuốc lá thụ động.
Việc hút thuốc lá sẽ dẫn đến rất nhiều bệnh lý: Đối với phổi có thể gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi; Bệnh tim mạch gồm có bệnh lý mạch vành, tăng xơ vữa; Ung thư ở nhiều cơ quan như ung thư dạ dày, ung thư vòm hầu, ung thư ruột, ung thư bàng quang,… Đặc biệt, 2 cơ quan chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi thuốc lá là hô hấp và tim mạch.
Khoảng 90% bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có liên quan đến hút thuốc lá. 10% liên quan đến các yếu tố khác như gen, môi trường (chất đốt như củi, than đá),…
3. Trẻ em là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi thuốc lá
Người hút thuốc lá cần thăm khám những gì để kiểm tra sức khỏe phổi và các cơ quan chịu tác động nhiều nhất ạ? Việc thăm khám này liệu có khác nhau giữa người hút nhiều - người hút ít và người mới hút - người hút lâu năm?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Thuốc lá chứa rất nhiều chất độc hại, kể cả chất sinh ung thư và tích tụ theo thời gian, tùy vào gen mà bệnh lý có thể bộc lộ sớm hoặc muộn. Theo thống kê, khoảng 25 - 30% người hút thuốc lá sẽ phát triển bệnh lý COPD. Khi đó, bệnh sẽ tiến triển không ngừng và nặng dần, mặc dù lúc phát hiện ra người bệnh ngưng hút thuốc thì bệnh vẫn tiến triển. Do đó, ngừng hút thuốc lá từ sớm hoặc khi chưa mắc bệnh sẽ rất tốt cho cơ thể.
Ví dụ, một người 20 tuổi hút thuốc lá thì khi đến 40 tuổi sự tích tụ các chất độc hại trong thuốc lá sẽ bắt đầu phát huy tác dụng. Bệnh nhân sẽ có triệu chứng như ho khạc đàm kéo dài hoặc ho khan, khạc đàm nhầy vào sáng sớm,… Đây là dấu hiệu của viêm phế quản mạn tính và dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Đối với những bệnh nhân tiểu đường, tăng huyết áp, thuốc lá sẽ tác động nặng hơn. Bản thân tình trạng tăng huyết áp và tiểu đường đã ảnh hưởng đến mạch máu của toàn cơ thể, trong đó có mạch máu não, mạch máu tim, mạch máu thận,… Khi hút thuốc lá sẽ làm tăng tình trạng xơ vữa và đặc biệt là tắc các mạch máu nhỏ dẫn dến suy thận trên người bệnh tiểu đường có hút thuốc lá hoặc nhồi máu cơ tim trên người có hẹp động mạch vành, nhồi máu não trên người có hẹp động mạch não.
Người có hoặc không có yếu tố về gen ung thư nhưng chất độc hại gây ung thư từ thuốc lá có thể kích hoạt làm đột biến gen, dẫn đến bệnh ung thư bộc phát và phát triển. Vì vậy, thuốc lá có tác hại rất nghiêm trọng đối với sức khỏe chung của cộng đồng.
Không chỉ bản thân người hút thuốc lá mà người không hút thuốc lá như phụ nữ mang thai, phụ nữ trong gia đình cũng bị ảnh hưởng. Đặc biệt, trẻ em là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất vì cấu trúc đường hô hấp chưa toàn vẹn, sức chống đỡ của đường hô hấp chưa tốt, khi hít khói thuốc lá thường xuyên sẽ tác động lên niêm mạc của đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới, về lâu dài trẻ dễ mắc bệnh phổi mãn tính như hen, nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh phỗi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi,…
4. Lợi ích của CT phổi liều thấp trong chẩn đoán ung thư phổi
CT phổi liều thấp được xem là công cụ quan trọng để tầm soát ung thư phổi. Nhờ BS chia sẻ thêm:
- CT phổi liều thấp khác biệt ra sao với liều thông thường?
- Hiệu quả, độ chính xác, an toàn của CT phổi liều thấp trong chẩn đoán ung thư phổi ra sao?
- Những người hút thuốc nào cần CT phổi liều thấp?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Chụp X-quang ngực thường dễ bỏ sót các tổn thương nhỏ vì chỉ những tổn thương lớn trên 1cm mới có thể phát hiện, khi đó bệnh đã rơi vào giai đoạn muộn.
Nên tầm soát khi chưa có biểu hiện triệu chứng, chưa có tổn thương. Trên CT sẽ chụp từng lát cắt rất mỏng khoảng 1cm (bề dày), thậm chí dưới 1mm để không bỏ sót các tổn thương trong phổi. Do đó, chụp CT sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn nhưng giá thành cao gấp 5 lần so với chụp X-quang ngực. Tuy nhiên, CT có nhiều lớp cắt nên bệnh nhân dễ bị nhiễm xạ tia X, trong khi tầm soát thường được thực hiện hằng năm nên các bác sĩ sẽ sử dụng CT liều thấp (1/10 so với liều thông thường) cho bệnh nhân để không bị ăn tia tích lũy và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nhóm nguy cơ nên tầm soát là những người hút thuốc lá từ 20 năm, mỗi ngày một gói; người trên 50 tuổi có hút thuốc lá hoặc yếu tố gia đình như ung thư phổi; người hút thuốc lá có triệu chứng nghi ngờ; người mắc bệnh COPD nguy cơ bị ung thư phổi cao gấp đôi so với người không mắc bệnh; nghề nghiệp tiếp xúc với nhiều khói bụi, hóa chất lâu năm.
5. Tầm soát ung thư phổi tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh diễn ra thế nào?
Tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh sẽ thăm khám, kiểm tra sức khỏe phổi, tầm soát ung thư phổi trên người hút thuốc lá ra sao? Cụ thể các bước kiểm tra diễn ra như thế nào ạ? Chi phí khoảng bao nhiêu, thưa PGS?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Hút thuốc lá lâu năm có thể dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi. Người hút thuốc lá có triệu chứng ho kéo dài trên 2 tuần hoặc người hút thuốc lá khi khạc đàm có vướng máu cần phải lưu ý đến ung thư phổi.
Tầm soát sớm giúp tăng cơ hội chữa khỏi ung thư phổi ở giai đoạn sớm. Sau khi thăm khám, nếu có dấu hiệu nghi ngờ của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh nhân sẽ được đo chức năng hô hấp và chụp CT liều thấp (chi phí dao động từ 1.000.000 - 1.200.000 đồng) để đánh giá tổn thương trên nhu mô phổi. Từ đó, có kế hoạch theo dõi bệnh nhân mỗi 3 tháng, mỗi 6 tháng hoặc mỗi năm. Nếu kết quả CT bình thường, theo nguyên tắc 1 năm sau bệnh nhân có nguy cơ phải tầm soát lại.
6. Người hút thuốc lá thụ động thường xuyên có nên kiểm tra như người hút thuốc lá?
Bao lâu người hút thuốc lá cần phải thực hiện kiểm tra này một lần ạ? Người hút thuốc lá thụ động thường xuyên liệu có cần kiểm tra như người hút thuốc lá?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Thông thường, người hút thuốc lá chủ động, người có nguy cơ phải tầm soát (chụp CT liều thấp) mỗi năm/lần. Nếu phát hiện tổn thương, tùy theo kích thước sẽ chụp CT 3 hoặc 6 tháng/lần. Kích thước tổn thương càng lớn nguy cơ càng cao. Nếu kích thước tổn thương trên 3cm người bệnh có đến 95% ung thư, từ 1 - dưới 3cm khả năng ung thư khoảng 80%, dưới 1cm thì khả năng ung thư khoảng 50 - 60%.
Tùy theo những tổn thương kết hợp các yếu tố nguy cơ (gia đình có ba mẹ ung thư) mà bệnh nhân có thể được chẩn đoán sớm như nội soi phế quản, nội soi lồng ngực và kiểm tra ung thư. Ung thư phổi giai đoạn cuối tỷ lệ sống trên 5 năm rất thấp. Thực tế tại Việt Nam có đến 80% bệnh nhân phát hiện ung thư giai đoạn muộn. Vì vậy, nên chụp CT để phát hiện các tổn thương nhỏ khi chưa di căn, từ đó tăng cơ hội điều trị.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình