Hotline 24/7
08983-08983

Người có hậu môn nhân tạo có thể sinh hoạt như người bình thường

BS.CK2 Nguyễn Phúc Minh - Phó trưởng điều hành khoa Ngoại Tiêu hoá, Bệnh viện Bình Dân chia sẻ, người có hậu môn nhân tạo có thể tập luyện thể dục, vận động, sinh hoạt, thậm chí có thể bơi lội…

1. Hậu môn nhân tạo là gì?

Đầu tiên nhờ BS cho biết hậu môn nhân tạo (HMNT) là gì, bệnh nhân nào cần đặt?

BS.CK2 Nguyễn Phúc Minh trả lời: Hậu môn nhân tạo là một đoạn ruột được các bác sĩ đưa ra ngoài thành bụng trước, có thể là lấy từ đại tràng hoặc ruột non. Mục đích nhằm giải áp dẫn lưu, chuyển lưu dòng dịch tiêu hoá đoạn cuối đại tràng (dịch phân) đi ra ngoài qua một lỗ mở ở thành bụng nhằm bảo vệ hoặc điều trị những bệnh lý tổn thương cuối đoạn ruột.

2. Hậu môn nhân tạo có cấu tạo ra sao?

Cụ thể, cấu tạo của HMNT gồm có những bộ phận gì thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Phúc Minh trả lời: Hậu môn nhân tạo là một phần của cơ thể, bên trong là đoạn ruột đưa ra, nối với bên ngoài là hệ thống túi đựng, chứa các chất của hậu môn nhân tạo đưa ra ngoài, có thể là dịch phân hoặc nhiều hình thức khác nhau, tùy theo đoạn dịch, có thể là dịch lỏng, sệt hoặc thành phân.

Cấu tạo bên trong cơ thể ở phần cuối đoạn ruột, có thể là một hoặc hai lỗ, thường là màu hồng của niêm mạc, xung quanh là lỗ mở dưới da, phía bên ngoài là hệ thống túi đựng, có nhiều loại: từ loại có đế, túi dán, có nhiều màu sắc (màu trong hoặc gần với màu da).

3. Chăm sóc hậu môn nhân tạo tại nhà quan trọng nhất là vệ sinh túi chứa

Nhờ BS hướng dẫn các thao tác vệ sinh HMNT tại nhà?

BS.CK2 Nguyễn Phúc Minh trả lời: Việc chăm sóc hậu môn nhân tạo tại nhà sẽ rất khó khăn đối với những bệnh nhân mới xuất viện về và lần đầu trải qua phẫu thuật này, họ sẽ bỡ ngỡ trong thời gian đầu.

Tuy nhiên, với những người đã có kinh nghiệm lâu dài, đã được hướng dẫn tập huấn chăm sóc, việc này sẽ trở nên dễ dàng và trở thành một hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày.

Đối với những bệnh nhân chăm sóc HMNT lần đầu, khi gặp khó khăn sẽ có sự hỗ trợ của các nhân viên y tế tại bệnh viện.

Thứ nhất, bệnh nhân cần biết, phân có thể ra bất cứ lúc nào theo tính chất hoạt động ruột, bởi vì, không còn cơ để giữ kín hệ thống, do đó, cần túi đựng để chứa và giữ kín khi hệ thống thoát ra. Việc túi chứa phải kín vì không chỉ chứa phân, mà còn chống thoát khí, có mùi, vì vậy, hệ thống phải được chăm sóc kín.

Thứ hai, khi thay các túi chứa, cũng cần đo đạc vì khẩu kính mỗi người sẽ khác nhau, đảm bảo túi chứa được đặt khít, nếu không, các dịch có thể len lỏi dưới chân đế, gây tràn và thoát dịch ra ngoài, tạo ra những vấn đề không vệ sinh.

Thứ ba, không nên để túi chứa quá căng phồng, khi được 1/3 - 2/3 túi chứa thì nên xả thải. Có nhiều cách xả thải, có thể lột và bỏ luôn túi chứa đó, hoặc loại túi chứa có thể sử dụng nhiều lần sẽ có hệ thống xả thải, giúp người bệnh xả thải một cách thoải mái và tự nhiên.

4. Lưu ý khi vệ sinh để tránh nhiễm trùng hậu môn nhân tạo

Nỗi lo lớn nhất của người bệnh khi đặt HMNT là: làm sao để không bị nhiễm trùng? Liệu rằng nước và xà bông khi tắm, hoặc mồ hôi chảy đến miệng HMNT có làm nhiễm trùng được không?

BS.CK2 Nguyễn Phúc Minh trả lời: Đối với vấn đề nhiễm trùng hậu môn nhân tạo thì khi tắm, ra mồ hôi gần như không có khả năng gây nhiễm trùng.

Bệnh nhân chỉ cần chú ý, nếu tăng tiết mồ hôi, nên vệ sinh hoặc làm mát cơ thể để không đổ mồ hôi vào vùng hậu môn nhân tạo; khi tắm, bệnh nhân có thể tắm rửa và sử dụng nước rửa bình thường.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể sử dụng xà bông không có thành phần gây kích ứng niêm mạc, bởi vì, lỗ đại tràng hậu môn nhân tạo là niêm mạc, dễ bị kích ứng bởi các loại hóa chất, người bệnh có thể sử dụng các loại xà bông trung tính hoặc nước thông thường, vệ sinh, lau sạch và tránh gây sang chấn vị trí hậu môn nhân tạo.

Việc chăm sóc hậu môn nhân tạo tại nhà sẽ có đoạn video ngắn , nhân viên y tế sẽ hướng dẫn người bệnh qua mô hình, từ đó, bệnh nhân có thể quan sát và theo dõi, tham khảo nhiều lần và thực hành theo, giúp người bệnh thuần thục. 

>>> Xin mời xem video: Hướng dẫn chăm sóc người có hậu môn nhân tạo tại nhà

5. Nối kín túi chứa và hậu môn nhân tạo, tránh thoát khí ra ngoài

Một điều mà người bệnh rất lo ngại là mùi cơ thể sau khi đặt HMNT, phải làm sao để giữ cho cơ thể thơm tho? Có người chỉ muốn ở trong phòng máy lạnh vì ra ngoài vận động sợ đổ mồ hôi và sẽ bị nặng mùi. Nhờ BS tư vấn cho trường hợp này?

BS.CK2 Nguyễn Phúc Minh trả lời: Mùi cơ thể sẽ khác hoàn toàn với mùi hậu môn nhân tạo tỏa ra. Nếu có mùi cơ thể, có thể sử dụng các chế phẩm ngoài thị trường về khử mùi cơ thể, còn riêng mùi của hậu môn nhân tạo, đó là đặc tính của việc tiêu hóa, tạo hơi ngoài việc tạo dịch phân. Hơi tiêu hóa có mùi, không mùi, mùi nặng hoặc mùi nhẹ, tùy từng loại thức ăn nạp vào cơ thể.

Để tránh vấn đề mùi xuất phát từ hậu môn nhân tạo, có thể xem xét lại vị trí nối túi với hậu môn nhân tạo, phải đảm bảo hệ thống kín, nếu bị rò rỉ ở chân đế, nếu chỉ hứng được phần phân đặc và để thoát hơi sẽ gây tạo ra mùi, đó là vấn đề cần để ý khi chăm sóc.

6. Mặc trang phục rộng rãi, tránh tạo áp lực lên túi chứa gây thoát khí, rò rỉ dịch phân

Khi chọn lựa quần áo mặc hằng ngày, người đặt HMNT cần lưu ý gì ạ?

BS.CK2 Nguyễn Phúc Minh trả lời: Về vấn đề sinh hoạt hàng ngày, bệnh nhân có thể mặc trang phục thoải mái giống như sinh hoạt bình thường. Túi hậu môn nhân tạo có thể phủ dưới lớp đồ lót hoặc che phủ bởi lớp áo ngoài. Vấn đề cần lưu ý là trang phục cần rộng rãi, vì có nhiều trường hợp mặc trang phục bó sát, khi túi chứa phồng lên sẽ gây xì khí, tạo áp lực lên túi gây rò rỉ, làm thoát các dịch ra ngoài.

7. Người có hậu môn nhân tạo nên lưu ý gì trong chế độ ăn?

Về chế độ ăn, người đặt HMNT có phải kiêng nhiều món không?

BS.CK2 Nguyễn Phúc Minh trả lời: Chế độ ăn của người có hậu môn nhân tạo chủ yếu dựa trên các bệnh lý có sẵn của người bệnh như tiểu đường, suy thận, bệnh tim mạch… Còn với người có hậu môn nhân tạo, việc ăn uống không cần quá kiêng khem.

Cần lưu ý các loại nước có gas, lên men sẽ tạo hơi nhiều trong đường tiêu hóa và thoát ra hậu môn nhân tạo, hoặc các thức ăn có nhiều chất protein, chất béo làm tăng tính tạo mùi, nếu mùi rò rỉ ra ngoài sẽ gây khó chịu.

Nếu người bệnh uống thiếu nước có thể gây táo bón, dù bệnh nhân có hậu môn nhân tạo nhưng khi táo bón sẽ không ra phân.

8. Bệnh nhân hậu môn nhân tạo cần tư vấn của nhân viên y tế khi bị táo bón

Một số bệnh nhân dù đã chú ý ăn uống nhưng không biết sao vẫn bị táo bón. Khi đang có HMNT mà bị táo bón thì xử trí thế nào ạ?

BS.CK2 Nguyễn Phúc Minh trả lời: Đối với vấn đề táo bón khi người bệnh có hậu môn nhân tạo, cần có tư vấn từ nhân viên y tế, tìm những nguyên nhân như: người bệnh có uống đủ nước trong ngày để tạo phân chưa, hay ăn các loại thức ăn có chất xơ để tạo phân hay không.

Ngoài ra, ở những bệnh nhân phẫu thuật, táo bón có thể do các vấn đề chậm lưu thông của đường tiêu hóa hoặc tắc nghẽn, do đó, cần sự thăm khám, phát hiện của nhân viên y tế để xác định nguyên nhân táo bón do chế độ ăn uống chưa phù hợp hay táo bón do tắc nghẽn đường ra, đưa dịch tiết tới hậu môn nhân tạo.

9. Người có hậu môn nhân tạo có thể hoạt động, tập luyện, bơi lội

Về chế độ vận động, người đặt HMNT có thể thực hiện những môn thể dục nào ạ?

BS.CK2 Nguyễn Phúc Minh trả lời: Về chế độ vận động, sinh hoạt, người có hậu môn nhân tạo có thể tham gia các hoạt động, sinh hoạt công việc làm hàng ngày như người bình thường.

Những hoạt động thể dục, thể thao vẫn có thể thực hiện như đi bộ, đi xe đạp. Thậm chí, nhiều người nghĩ rằng có túi hậu môn nhân tạo sẽ không thể xuống nước, nhưng hiện nay có một số bộ đồ bơi bó sát người, che được túi hậu môn nhân tạo và xuống nước bình thường.

10. Tập thói quen xả túi phân hàng ngày và dự phòng túi chứa khi đi xa

Sau khi đặt HMNT, người bệnh trở lại sinh hoạt thường ngày, trở lại công việc… thì cần lưu ý gì để đảm bảo an toàn?

BS.CK2 Nguyễn Phúc Minh trả lời: Trong sinh hoạt hàng ngày, đối với chăm sóc hậu môn nhân tạo, cần chú ý:

Thứ nhất, tập được chế độ ra phân từ 3-5 lần/ngày, đồng thời, xả được túi phân để đảm bảo vệ sinh.

Thứ hai, khi đi du lịch hoặc sinh hoạt xa, cần dự phòng túi chứa để thay thế.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X