Hotline 24/7
08983-08983

Ngày sức khỏe thận thế giới - Thận của bạn có ổn không?

Ngày Thận Thế giới là một chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về sức khỏe cũng như tầm quan trọng của thận. Năm 2025, Ngày Thận thế giới (World Kidney Day) diễn ra vào ngày 13/3 với chủ đề “Thận của bạn có ổn không?.

Bệnh thận mạn tính (Chronic kidney disease - CKD) ước tính ảnh hưởng đến khoảng 850 triệu người trên toàn thế giới. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh thận mạn tính có thể tiến triển thành suy thận, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và tử vong sớm.

Đến năm 2040, bệnh thận mạn tính dự kiến sẽ trở thành nguyên nhân gây mất năm sống thứ 5, nhấn mạnh sự cần thiết cấp bách của các chiến lược toàn cầu để chống lại bệnh thận. Các nhóm dân số có nguy cơ cao mắc bệnh thận cần được xét nghiệm có mục tiêu.

Ở các quốc gia có thu nhập thấp, bệnh thận thường liên quan đến căng thẳng do nhiệt ở công nhân nông nghiệp, rắn cắn, độc tố môi trường, thuốc cổ truyền, nhiễm trùng như viêm gan B hoặc C, HIV và ký sinh trùng.

Ngày Thận thế giới (World Kidney Day - WKD) là chiến dịch nâng cao nhận thức sức khỏe toàn cầu, nhấn mạnh tầm quan trọng của thận và phòng ngừa bệnh thận để giảm thiểu tác động của bệnh lý này đến cộng đồng.

Thận đóng vai trò quan trọng trong việc lọc máu, điều hòa huyết áp và cân bằng các chất điện giải trong cơ thể. Bệnh thận là trường hợp thận bị tổn thương, hư hỏng và không thể lọc máu bình thường. Bệnh thận thường tiến triển âm thầm và chỉ biểu hiện rõ khi đã ở giai đoạn muộn.

Những nguyên nhân chính gây bệnh thận bao gồm đái tháo đường, tăng huyết áp, thói quen ăn uống không lành mạnh và lạm dụng thuốc giảm đau… Có hai loại bệnh thận chính là: Bệnh thận mãn tính (CKD) - tình trạng mất dần chức năng thận theo thời gian.

Các yếu tố như huyết áp cao, tiểu đường và tiền sử gia đình mắc bệnh thận có thể làm tăng nguy cơ mắc CKD; Tổn thương thận cấp tính (AKI) - Tình trạng này xảy ra đột ngột và thường do chấn thương, nhiễm trùng hoặc các nguyên nhân khác ảnh hưởng đến chức năng thận trong thời gian ngắn.

Những dấu hiệu nhận biết bệnh lý ở thận như: mệt mỏi, suy nhược cơ thể, khó ngủ, da khô và ngứa, thường xuyên có nhu cầu đi tiểu, tiểu máu, nước tiểu nhiều bọt, sưng mắt cá chân, bàn chân, mất khẩu vị, chán ăn, cơ bắp thường xuyên bị chuột rút. Bệnh thận giai đoạn sớm (giai đoạn 1 -3) thường không có triệu chứng, chỉ phát hiện tình cờ qua xét nghiệm máu và nước tiểu.

Các bệnh nhân mắc bệnh thận mạn giai đoạn 4 trở lên thường có những biểu hiện như: chán ăn, buồn nôn, nôn ói, viêm miệng, rối loạn vị giác, tiểu đêm, uể oải, mệt mỏi, ngứa, suy giảm về tinh thần, giật cơ và chuột rút, giữ nước, suy dinh dưỡng, bệnh thần kinh ngoại biên và co giật.

Bệnh thận nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như thiếu máu, bệnh tim (thường gặp ở người bệnh thận mạn tính như: bệnh động mạch vành, suy tim, rối loạn nhịp tim và đột tử do tim), tăng kali máu, tích tụ nước trong cơ thể, bệnh lý về xương và tăng phốt phát trong máu khiến xương trở nên giòn, gây lắng đọng canxi trong mắt, phổi, mạch máu, tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và tử vong theo thời gian, sức khỏe tinh thần (sa sút trí tuệ).

Khi chức năng thận suy giảm nghiêm trọng, bệnh nhân phải đối mặt với nguy cơ suy thận mạn tính, buộc phải điều trị thay thế bằng chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X