Hotline 24/7
08983-08983

Nên hay không nên điều trị lẹo mắt tại nhà?

Lẹo mắt là tình trạng phổ biến, có thể xuất hiện nhiều lần và gây khó chịu vùng quanh mắt trong thời gian bệnh.

Các phương pháp hỗ trợ điều trị lẹo tại nhà rất đơn giản, có thể giúp đẩy nhanh tốc độ thoái lui của lẹo. Trong bài viết bên dưới, Alobacsi sẽ mách bạn 6 cách giảm đau nhanh lẹo mắt tại nhà hiệu quả nhé.

1. Lẹo mắt là gì?

Lẹo mắt là một khối u cấp tính xuất hiện ở mi mắt biểu hiện điển hình bằng sưng, nóng, đỏ và đau. Nguyên nhân là do các tuyến dầu ở mi mắt, nhất là khu vực xung quanh lông mi bị tắt nghẽn, tạo điều kiện cho vi khuẩn có thể phát triển bên trong và gây ra mụn lẹo. Sau đây là một số tác nhân có thể làm tăng nguy cơ lẹo (theo báo Medical News Today):[1]

● Sử dụng mỹ phẩm quá hạn sử dụng

● Không tẩy trang mắt trước khi đi ngủ

● Không khử trùng kính áp tròng trước khi đeo vào

● Thiếu ngủ

● Không ăn đầy đủ dinh dưỡng

● Biến chứng của viêm bờ mi mắt, một tình trạng viêm xảy ra ở mi mắt

● Biến chứng của bệnh rosacea, một tình trạng viêm da chủ yếu ảnh hưởng đến da mặt.

Khi bị lẹo, bên cạnh biểu hiện thường gặp nhất là xuất hiện khối u ở mi mắt, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng kèm theo như:

● Đau, nóng, đỏ

● Chảy nước mắt

● Đóng vảy các mép của mí mắt

● Ngứa mắt

● Đổ ghèn

● Cộm, xốn

Cần lưu ý các triệu chứng có thể không phải do lẹo gây ra mà là bệnh lý khác nguy hiểm hơn như:

● Nhìn mờ

● Sưng lan rộng ra vùng da xung quanh

● Đau tại các vị trí khác trên mặt, trán hoặc đau đầu

● Sốt

2. 6 cách giảm đau nhanh lẹo mắt tại nhà

Lưu ý đầu tiên là cần phải được tư vấn của bác sĩ về chẩn đoán bệnh, bởi vì có nhiều bệnh nguy hiểm (như viêm mô tế bào hay ung thư da mi) biểu hiện triệu chứng tương tự lẹo và điều trị hoàn toàn khác. Khi đã có chẩn đoán bệnh thì bên cạnh việc dùng thuốc, có những phương pháp hỗ trợ sau.

Dùng miếng gạc ấm

Chườm ấm là cách điều trị lẹo mắt hiệu quả, hơi ấm sẽ giúp khối mủ bên trong lẹo thoát ra dễ dàng hơn và làm giảm các triệu chứng khó chịu. Sau đây là cách thực hiện:[2]

● Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi chườm ấm

● Chú ý trong quá trình chườm phải nhắm mắt kín để tránh giọt nước ấm lan vào mắt

● Làm ướt miếng gạc sạch bằng nước ấm và vắt vải sao cho vẫn còn ẩm nhưng không nhỏ giọt

● Nhẹ nhàng đắp lên mắt trong khoảng 5 đến 10 phút.

● Thực hiện từ ba đến bốn lần mỗi ngày.

Làm sạch mí mắt bằng miếng vệ sinh chuyên dụng

Sử dụng miếng vệ sinh chuyên dụng Ocusoft Plus để làm sạch mí mắt vì sản phẩm đã được chứng minh là có hiệu quả chống lại vi khuẩn thường thấy trên mí mắt, đặc biệt hiệu quả với nhiều chủng vi khuẩn khác nhau. Từng miếng bông gạc được làm ẩm bằng các dung dịch chuyên dụng, không chứa các thành phần gây dị ứng hay kích ứng da.[3]

Dưới đây là hướng dẫn sử dụng:

● Rửa mặt với xà phòng dịu nhẹ hoặc nước sạch

● Dùng dụng cụ chườm ấm chuyên dụng (hoặc khăn ấm). Chườm trên 2 mắt khoảng 10 phút, nhiệt độ đạt khoảng 40 - 42oC

● Sử dụng ngón tay để mát xa dọc theo các tuyến mi trên và dưới

Làm sạch bờ mi với dung dịch vệ sinh Ocusoft (Pad hoặc Foam) theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Không cần rửa lại bằng nước để tăng hiệu quả sử dụng của sản phẩm

Dùng túi trà ấm

Thay vì khăn ẩm hoặc miếng vệ sinh chuyên dụng, bạn có thể thử dùng túi trà ấm. Bạn có thể đắp túi trà hai lần mỗi ngày với cách dùng như sau:[4]

● Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi chườm ấm

● Chú ý trong quá trình chườm phải nhắm mắt kín để tránh giọt nước ấm lan vào mắt

● Cho nước đã đun sôi vào cốc, sau đó thả một túi trà vào

● Ngâm trong khoảng 1 phút

● Chờ cho đến khi túi trà nguội đến 40-42 độ C rồi đắp lên mắt và giữ khoảng 5 đến 10 phút.

● Dùng một túi trà riêng cho mỗi mắt

Ngừng đeo kính áp tròng

Không sử dụng kính áp tròng khi đang có lẹo sẽ giúp mắt đỡ khó chịu hơn và hạn chế bội nhiễm thứ phát lên giác mạc đã đeo kính áp tròng. Do đó, bạn có thể sử dụng kính đeo thông thường để thay thế cho đến khi lẹo lành lại và đeo cặp kính mới để tránh tái nhiễm.

Ngừng trang điểm

Hạn chế dùng mỹ phẩm xung quanh lẹo để tránh kích ứng thêm và ngăn vi khuẩn lây lan từ cọ hay dụng cụ trang điểm. Ngoài ra để có một bờ mi khỏe mạnh hơn thì cũng cần phải chăm sóc mắt an toàn theo lời khuyên của hội Nhãn khoa Hoa Kỳ như sau:[5]

● Không dùng chung mascara, bút kẻ mắt hoặc cọ trang điểm

● Rửa tay sạch sẽ trước khi trang điểm

● Thường xuyên rửa hoặc thay cọ và các dụng cụ khác

● Vứt bỏ sản phẩm trang điểm bị lỗi hoặc hết hạn sử dụng

Massage mi mắt

Massage mi mắt kết hợp với chườm ấm có thể giúp loại bỏ những cặn dầu tích tụ hoặc chất thải, giúp tuyến dầu trở nên thông thoáng hơn. Bạn hãy xoa bóp nhẹ ngày vùng da mụn lẹo bằng tay sạch. Sau khi mụn lẹo chảy ra, hãy giữ cho khu vực này sạch sẽ và tránh chạm vào mắt. Lưu ý là dừng lại ngay nếu việc xoa bóp khiến mắt bị đau và nên nhớ mục đích của việc massage là giúp tuyến bờ mi lưu thông tốt hơn nên không nên đè mạnh vào mắt vì có thể vô tình làm tổn thương giác mạc.

3. Khi nào thì đến gặp bác sĩ?

Lẹo thường được điều trị bằng kháng sinh và kháng viêm dưới sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Nhưng trong bối cảnh dịch Covid -19, việc thăm khám thường xuyên sẽ gặp một số khó khăn nhất định, nên người bệnh có thể tự theo dõi lẹo tại nhà. Tuy nhiên, khi có những dấu hiệu sau, hãy đến gặp bác sĩ ngay:

● Lẹo mắt tồn tại hơn một tuần

● Phát sinh các vấn đề về thị lực

● Các vết sưng đau hơn, chảy máu hoặc lây lan đến các bộ phận khác trên khuôn mặt

● Mí mắt hoặc mắt bị đỏ và không mất

Ngoài ra, hãy đến gặp bác sĩ nếu bị tái phát lẹo mắt vì chúng có thể là kết quả của một tình trạng tiềm ẩn như viêm kết mạc, viêm bờ mi hoặc viêm mô tế bào.

Nhìn chung lẹo mắt không phải là tình trạng đáng lo ngại và đa số các cách trị lẹo mắt đã được liệt kê trong bài viết trên, hy vọng sẽ giúp bạn có được các thông tin hữu ích để chăm sóc mắt lẹo.

Nguồn tham khảo:

[1] Medical News Today: Everything you need to know about styes

[2] HealthLine: The 8 Best Stye Remedies

[3] HealthLine: The 8 Best Stye Remedies

[4] All About Vision: 10 home remedies for styes

[5] AAO: How To Use Cosmetics Safely Around Your Eyes

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X