Muốn chậm lão thính, ăn gì?
Khi tuổi trên 50, quá trình lão hoá làm sức nghe giảm dần. Sự suy giảm thính lực do quá trình lão hoá ở người cao tuổi còn gọi là lão thính.
Theo thống kê, có khoảng 10% dân Mỹ (gần 30 triệu người) bị giảm thính lực: nghe kém, lãng tai hay nghễnh ngãng... Trong số đó, phân nửa là người trên 65 tuổi, và cứ ba người trên 65 tuổi thì một bị lãng tai. Nếu tuổi trên 75, tỷ lệ này là một nửa. Một kết quả điều tra bước đầu tại ba tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh của Việt Nam, mức suy giảm thính lực ở người 60 – 74 tuổi là 36,61% đối với nam và 27,38% đối với nữ. Độ tuổi từ 75 trở lên, tỷ lệ này tăng gần gấp đôi: nam 65,08% và nữ 57,6%.
Tuổi càng cao nghe càng kém
Suy giảm thính lực ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người cao tuổi. Nhiều người cao tuổi muốn xem các chương trình ưa thích trên tivi nhưng vì phải bật tiếng thật to mới nghe được nên gây phiền hà đến người xung quanh. Cũng vì khó nghe nên người cao tuổi phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần làm cho người tiếp xúc thấy khó chịu. Từ đó, người cao tuổi trở nên ngại tiếp xúc và tự cô lập mình, ảnh hưởng tâm sinh lý rất nhiều và bệnh mất trí nhớ cũng đến mau hơn.
Đối với người cao tuổi đã bị suy giảm thính lực, máy nghe là biện pháp tốt nhất để cải thiện sức nghe. Để chọn được máy trợ thính phù hợp, trước tiên cần đến bác sĩ tai mũi họng để chẩn đoán xem có đúng bị lão thính không. Trên cơ sở thăm khám cụ thể, bác sĩ sẽ có lời khuyên có nên đeo máy nghe hay không.
Làm chậm quá trình lão thính bằng cách nào?
Nhiều chuyên gia bỏ nhiều năm nghiên cứu về người cao tuổi cho rằng: ngoài nguyên nhân sinh lý, hiện tượng điếc ở người cao tuổi còn liên quan đến việc ăn uống không hợp lý. Vì vậy, nếu biết sớm và chú ý điều chỉnh ăn uống thì có thể đề phòng được. Những loại thức ăn tốt cho thính lực bao gồm:
Chất kẽm vô cùng quan trọng đối với thính lực. Hàm lượng kẽm ở ốc tai cao hơn hẳn so với các bộ phận khác trong cơ thể. Ngoài 60 tuổi hàm lượng kẽm giảm rõ rệt, làm cho hoạt động chức năng của ốc tai bị suy yếu. Bởi vậy, khi sang tuổi trung niên nên ăn cá, đậu nành, rau cải, càrốt, các loại hải sản (hàu, tôm, cua, hến, nghêu, sò…) là những thực phẩm chứa nhiều kẽm.
Chất sắt có tác dụng làm giãn mạch máu, làm mềm các tế bào hồng cầu, giúp tai được cung cấp đủ máu, từ đó làm chậm tình trạng giảm thính lực. Ngay từ tuổi trung niên đã nên ăn thêm các thức ăn giàu chất sắt như: mộc nhĩ đen, gan động vật, thịt nạc, rau cần, rau chân vịt…
Vitamin D cũng ảnh hưởng tốt đến thính lực của người cao tuổi. Các loại nấm và mộc nhĩ trắng (ngân nhĩ) đều chứa vitamin D2. Gan cá biển có hàm lượng vitamin D3 cao nhất. Gan gia cầm, gia súc và trứng cũng chứa vitamin D3. Trong các mô da và mỡ người có chứa chất dehydrocholesterol, sau khi được chiếu bởi tia cực tím trong ánh nắng mặt trời nó có thể hình thành vitamin D3.
Bởi vậy, người cao tuổi cần thường xuyên ra nắng.
Để phát hiện sớm suy giảm thính lực
Hiện tượng giảm thính lực thường xảy ra rất chậm, không đi kèm triệu chứng như các bệnh khác. Nếu tai gặp phải những vấn đề sau đây, nên đi kiểm tra thính giác:
- Có thể nghe ở những nơi yên tĩnh hoặc chỉ có hai người, khó nghe ở nơi đông người. - Hoàn toàn không nghe được gì hoặc chỉ nghe loáng thoáng từng câu, từng tiếng đứt quãng ở những nơi như sân khấu, nhà hát, chỗ họp đông người. - Khó khăn khi nghe âm thanh phát ra từ tivi hoặc điện thoại trong khi đối với những người khác lại là quá to. - Khó khăn để hiểu những đối thoại của gia đình và bạn bè mỗi khi họp mặt. - Thường xuyên yêu cầu người khác lặp đi lặp lại câu họ vừa nói. - Luôn phải ghé đầu về phía người nói để lắng nghe. - Không thể nghe rõ ràng phát âm hoặc những lời nói cuối câu của người đối diện. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình