Hotline 24/7
08983-08983

Một số hiểu biết về viêm gan siêu vi B

Trên thế giới hiện có khoảng 2 tỷ người nhiễm VGSV B, trong đó có 400 triệu người viêm gan mạn và có khoảng 600 ngàn người chết mỗi năm do hậu quả của VGSV B.

Viêm gan siêu vi B (VGSV B) đang là mối quan tâm của cộng đồng khi có khoảng 25% trường hợp nhiễm siêu vi B mạn tính sẽ tiến triển thành xơ gan và có đến 2,5% số bệnh nhân xơ gan mỗi năm có nguy cơ bị ung thư gan. Khi đã mắc bệnh thì việc điều trị khá phức tạp, tốn kém… Tuy nhiên, bệnh có thể phòng tránh với một vaccine an toàn và hiệu quả.

* Khả năng lây nhiễm cao

VGSV B lây truyền từ người này sang người khác qua việc tiếp xúc với máu hoặc những dịch khác của cơ thể người nhiễm virus viêm gan B. Cách thức lây nhiễm của VGSV B giống như cách lây truyền của virus HIV, nhưng khả năng lây nhiễm của virus viêm gan B cao gấp 50 - 100 lần HIV. VGSV B lây truyền chủ yếu qua đường máu, qua quan hệ tình dục và lây truyền trực tiếp từ mẹ sang con.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lây truyền từ mẹ sang con là đường lây truyền quan trọng nhất. Bệnh viêm gan B có thể lây qua hoạt động tình dục cùng giới hoặc khác giới; truyền máu hoặc chế phẩm máu… Một số nguyên nhân khác như xăm người, châm cứu, xỏ lỗ tai với vật dụng không được tẩy trùng tốt có thể lây truyền siêu vi B.

* Các giai đoạn của bệnh

Thời gian ủ bệnh của virus viêm gan B khoảng 90 ngày, nhưng có thể thay đổi từ 30-180 ngày. Virus được phát hiện từ 30-60 ngày sau khi nhiễm và tồn tại trong cơ thể một thời gian dài sau đó. VGSV B không lây qua nước hoặc thực phẩm và các tiếp xúc thông thường.

Bệnh VGSV B thường trải qua hai giai đoạn: Viêm gan cấp tính và viêm gan mạn tính. Giai đoạn đầu là giai đoạn viêm gan cấp tính với các triệu chứng có thể kéo dài nhiều tuần. Biểu hiện thường gặp gồm có vàng da vàng mắt, mệt mỏi, chán ăn giống cảm cúm, sốt, tiêu phân bạc màu, nước tiểu vàng sậm, buồn nôn, ói mửa và đau bụng…Người bệnh có thể cần vài tháng đến một năm để hồi phục từ các triệu chứng trên. VGSVB cũng gây viêm gan B mạn mà sau đó có thể phát triển thành xơ gan hoặc ung thư gan.

Ở giai đoạn viêm gan mạn tính, đa số các trường hợp thường không có triệu chứng hoặc chỉ có mệt mỏi, suy nhược cơ thể… Nhiễm virus viêm gan B tiến triển đến viêm gan mạn tùy vào độ tuổi lúc nhiễm bệnh, với trẻ nhỏ nhiễm VGSV B thường mắc viêm gan mạn. Ước chừng 25% người trưởng thành mắc bệnh viêm gan mạn do nhiễm lúc còn trẻ tử vong do ung thư hoặc xơ gan bởi VGSV B.

* Chẩn đoán và điều trị

Bệnh viêm gan B có thể chẩn đoán bằng xét nghiệm máu. Xét nghiệm HBsAg dương tính có thể do: Nhiễm siêu vi B mạn tính tiến triển; nhiễm trùng đã qua; người lành mang mầm bệnh. Thầy thuốc có thể đề nghị sinh thiết gan nếu nghi ngờ có viêm gan B mạn để đánh giá tổn thương của gan.

Mọi người đều có thể nhiễm VGSV B, nhưng một số trường hợp có nguy cơ cao nhiễm bệnh như trẻ sinh ra từ mẹ có viêm gan siêu vi B, sinh sống với người nhiễm VGSV B, những người thường tiếp xúc với máu hoặc dịch thể, những bệnh nhân đang được thẩm phân phúc mạc hay chạy thận nhân tạo, các bệnh nhân có rối loạn đông máu, cần truyền các yếu tố đông máu, những người dùng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích ma túy, những người hoạt động tình dục không an toàn, những người có tiền sử mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Nhiễm VGSV B ở tuổi trưởng thành 80% sẽ tự khỏi, 20% sẽ chuyển sang nhiễm mạn tính. Nhưng nhiễm VGSV B lúc mới sinh hoặc tuổi còn nhỏ thì 90% sẽ chuyển sang thể mạn tính. Do đó tiêm ngừa vaccine VGSV B ưu tiên cho cho đối tượng trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên..

Vaccine phòng ngừa VGSV B có thể dùng 3 hoặc 4 liều riêng biệt. Việt Nam hiện có khoảng 15% dân số bị nhiễm VGSV B, nên nhiều trẻ em và người lớn có khả năng đã bị nhiễm. Do đó cần xét nghiệm trước khi tiêm ngừa xem mình đã bị nhiễm chưa. Xét nghiệm tối  thiểu là HBsAg (cho biết có đang nhiễm hay không) và antiHBs (cho biết cơ thể đã được bảo vệ hay chưa).

Khi cả hai xét nghiệm này âm tính thì mới chích ngừa. Còn HBsAg (-), antiHBs (+), nghĩa là bệnh nhân đã nhiễm nhưng đã khỏi bệnh, cơ thể đủ sức tạo được kháng thể bảo vệ thì không cần thiết phải chích ngừa. Nhìn chung, tất cả trẻ em và thanh thiếu niên trên 18 tuổi nên được chủng ngừa nếu trước đó chưa từng được tiêm phòng, đặc biệt là nhóm người nguy cơ cao.

AloBacsi.vn
Theo BS.CKI Đồng Minh Hùng - Đồng Nai online

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X