Mini-implant được chỉ định khi nào?
Mini-implant là một công nghệ mới, trong một số trường hợp có thể thay thế cho các implant truyền thống để hạn chế một số nhược điểm của implant truyền thống, giúp cho việc điều trị được đơn giản hơn.
Ở Việt Nam, một hàm giả tháo lắp hoặc một cầu răng cố định có thể đã là một khái niệm khá quen thuộc với mọi người, tuy nhiên, khái niệm cấy ghép implant còn chưa được phổ biến. Mini-implant là một công nghệ mới, trong một số trường hợp có thể thay thế cho các implant truyền thống để hạn chế một số nhược điểm của implant truyền thống, giúp cho việc điều trị được đơn giản hơn. Tuy nhiên, nha sĩ cần hiểu rõ các nhược điểm cũng như chỉ định của mini-implant để có những chỉ định phù hợp và tư vấn cho bệnh nhân nhằm tránh những trường hợp lạm dụng.
Mini-implant là gì?
Implant là một ốc vít được gắn vào xương hàm nơi chân răng bị mất, sau một thời gian chờ đợi, khi implant đã được tích hợp xương tốt, một chụp răng giả thích hợp sẽ được thực hiện trên ốc vít này. Điều này làm cho implant có một chiếc răng giống như răng thật và hạn chế ảnh hưởng lên các răng khác trên cung hàm, tránh phải mài các răng bên cạnh để làm cầu răng.
Trước đây, implant dùng để cấy vào xương hàm có đường kính trung bình khoảng 3,75 - 5mm, chiều dài khoảng 8-12mm, tùy điều kiện cụ thể của xương hàm, vị trí răng mà chúng ta lựa chọn implant có kích thước phù hợp. Khó khăn hay gặp khi cắm ghép implant là xương ổ răng còn lại không đủ để cắm ghép, do vậy, rất nhiều trường hợp để cắm ghép cần phải ghép thêm xương để đảm bảo đủ xương khi cắm ghép, do vậy, việc điều trị trở nên phức tạp hơn và tốn kém hơn rất nhiều. Để hạn chế việc phải ghép xương, một số implant có đường kính nhỏ hơn được ra đời, những implant này có tên gọi là mini-implant, đường kính của nó có thể từ 2,0 - 3,0mm, chiều dài thường dài hơn so với implant truyền thống.
Mini-implant giúp bệnh nhân giảm đau và hồi phục nhanh
Lợi thế đầu tiên dễ nhận thấy là chi phí cấy ghép mini-implant thấp hơn implant truyền thống do không phải làm các phẫu thuật ghép xương hỗ trợ.
Mini-implant được sử dụng để nâng đỡ hàm giả tháo lắp
|
Không chỉ thế, mini-implant có thể được tiến hành cấy ghép một thì. Thông thường, khi cấy ghép implant truyền thống, sau khi khoan xương và gắn implant vào xương, cần một khoảng thời gian chờ đợi cho implant tích hợp vào xương hàm (3-6 tháng). Trong thời gian này, bệnh nhân cần phải đeo một phục hình tạm thời và quay lại để tiến hành các bước điều trị tiếp theo, đồng nghĩa với việc bệnh nhân sẽ tốn kém khá nhiều thời gian cho việc thăm khám bệnh. Nhưng cấy ghép mini-implant có thể tiến hành ngay trong một thì, răng giả ngay lập tức được đặt trên các implant cấy ghép, bệnh nhân không những tiết kiệm được nhiều thời gian đi lại mà còn có thể tự tin vì không phải mang những phục hình mang tính chất "tạm thời".
Ngoài ra, cấy ghép mini-implant đỡ đau hơn nhiều so với implant truyền thống, bệnh nhân sẽ phục hồi nhanh chóng và sớm trở lại ăn nhai bình thường.
Mặc dù nhiều nghiên cứu đều công bố rằng cấy ghép mini-implant cho kết quả giống như implant truyền thống nhưng khi nói đến khả năng chịu lực, không thể phủ nhận rằng khả năng chịu lực nhai của mini-implant thấp hơn.
Bên trái: mini-implant, bên phải: implant truyền thống
|
Không phải trường hợp nào, vị trí nào cũng có thể dùng mini -implant
Cấy ghép mini-implant thường được lựa chọn trong những trường hợp vị trí cấy ghép không chịu lực nhai lớn, thông thường hay chỉ định mini-implant cho các răng trước và trong trường hợp làm các tựa nâng đỡ cho các hàm giả tháo lắp phủ trên implant. Quyết định lựa chọn hình thức cấy ghép nào, implant truyền thống hay mini-implant để thay thế cho răng đã mất cần phải được cân nhắc, lựa chọn hết sức cẩn thận. Do đó, bác sĩ nha khoa nên tư vấn cho bệnh nhân của mình những ưu thế cũng như nhược điểm của cả hai hình thức cấy ghép để giúp bệnh nhân có thể lựa chọn hình thức cấy ghép tốt nhất. Một điều quan trọng không kém là sau khi tiến hành cấy ghép, bệnh nhân cần phải được kiểm tra định kỳ để đảm bảo không có các vấn đề phát sinh như viêm lợi hay tổ chức xung quanh vùng cấy ghép, đồng thời cũng để kiểm tra sức khỏe răng miệng tổng thể của bệnh nhân.
AloBacsi.vn
Theo TS. Võ Trương Như Ngọc - Bs. Vũ Thị
Vân - SKĐS
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình