Hotline 24/7
08983-08983

Mệt mỏi tác động đến sức đề kháng, hệ tiêu hóa: Đâu là dấu hiệu cho thấy bạn kiệt sức?

Căng thẳng, mệt mỏi không chỉ ảnh hưởng đến sức đề kháng, hệ miễn dịch mà còn tác động đến hệ tiêu hóa. Trong bài viết dưới đây, BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp sẽ chia sẻ rõ hơn về vấn đề này.

1. Cuộc sống hiện đại, ai bị căng thẳng, mệt mỏi nhiều nhất?

Cuộc sống càng hiện đại thì áp lực càng nhiều, mọi người có thể bận rộn hơn, cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức hơn. Đây là lúc cơ thể lên tiếng nhiều nhất nhưng không phải ai cũng có thể lắng nghe cơ thể của mình để biết cơ thể đang báo động điều gì. Tuy nhiên những nhóm đối tượng nào theo BS là những người phải căng thẳng, mệt mỏi, chịu áp lực của cuộc sống nhiều nhất?

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp trả lời: Căng thẳng, mệt mỏi là 2 vấn đề sức khỏe khác nhau nhưng nằm chung trong một tổng thể. Người vừa căng thẳng, mệt mỏi, vừa chịu áp lực nhiều chắc chắn đó là những người bệnh, bao gồm các nhóm:

- Người mắc bệnh mãn tính không lây: Như đái tháo đường, bệnh thận, gan, tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch là những người phải chịu tình trạng sức khỏe không tốt.

- Người mắc bệnh đã được điều trị và phục hồi: Ngay trong giai đoạn người bệnh phục hồi sức khỏe là giai đoạn nhiều mệt mỏi, áp lực, stress, căng thẳng nhất.

- Người bị rối loạn về tinh thần (tâm thần kinh) phải sử dụng thuốc.

- Người đang lao động: Người lao động trí óc như nhân viên văn phòng, giảng dạy, bác sĩ, nhân viên y tế,… và người lao động cơ bắp. Không có khái niệm lao động cơ bắp sẽ ít căng thẳng, ít mệt mỏi hơn mà đã là lao động chắc chắn sẽ có căng thẳng, mệt mỏi và có những lúc cảm thấy kiệt sức.

- Học sinh, sinh viên: Lúc nào cũng phải học bài, làm bài tập đến kỳ thi sẽ rất vất vả.

- Người tập luyện thể dục thể thao quá sức.

- Người ít hoạt động thể lực sẽ rất dễ mệt mỏi, căng thẳng và chịu nhiều áp lực.

- Thay đổi cuộc sống (biến cố trong cuộc sống) như chuyển nhà từ nơi này sang nơi khác.

- Gặp phải vấn đề trong hôn nhân cũng dẫn đến mệt mỏi.

Có rất nhiều nghiên cứu, thống kê khác nhau tùy theo quốc gia và mức độ đã chỉ ra rằng tỷ lệ người mệt mỏi, uể oải, căng thẳng dao động từ 25 0 45%, con số này khá nhiều.

2. Mệt mỏi, căng thẳng biểu hiện qua những dấu hiệu nào?

Thưa BS, chúng ta thấy tình trạng mệt mỏi hay căng thẳng biểu hiện qua rất nhiều vấn đề khác nhau. Như vậy có thể nhận ra hay lắng nghe cơ thể bắt đầu lên tiếng bằng những dấu hiệu nào?

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp trả lời: Biểu hiện của căng thẳng, mệt mỏi rất rộng và mơ hồ. Biểu hiện mà dấu ấn nặng nề trên sức khỏe tinh thần là người cảm thấy kiệt sức, thiếu năng lượng, khó tập trung, không muốn làm việc hoặc làm việc nhưng cảm thấy như bị bế tắc.

Nặng hơn sẽ có những biểu hiện thực thể (dấu chứng lâm sàng báo động ngay trong cơ thể):

- Tình trạng nhược cơ, hoạt động khó khăn gần như không đưa tay đưa chân lên được và tình trạng đau nhức cơ.

- Triệu chứng ở đường tiêu hóa như đầy bụng, ợ hơi, ợ chua, ăn không tiêu,… chúng ta thường nghĩ là bệnh tiêu hóa nhưng đó là biểu hiện thực thể của căng thẳng, mệt mỏi.

- Tim đập nhanh, cảm giác hụt hơi, bước lên cầu thang rất khó khăn và không biết có đang bị bệnh tim hay không.

- Có những cơn ngưng thở lúc ngủ, ngủ khó, trằn trọc không đi vào giấc ngủ được.

- Nhức đầu hoặc đau gáy, đau cổ hoặc cơ đau co thắt vào ban đêm. Sau đó xuất hiện các tình trạng có dấu chứng rất rõ ràng của rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu, stress khá nặng nề.

- Đây là lý do các bạn học sinh, sinh viên học chuẩn bị rất kỹ nhưng vì rơi vào tình trạng căng thẳng, mệt mỏi nên ban đêm đang ngủ lại tỉnh dậy nhớ ra bài và đến sáng hôm sau thì không nhớ. Đó chính là biểu hiện mà căng thẳng, mệt mỏi ảnh hưởng trực tiếp.

- Mệt mỏi, căng thẳng ảnh hưởng đến chuyển hóa hấp thu dẫn đến tình trạng thực thể thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng.

- Hay bị bệnh vặt (ho, hắt hơi, sổ mũi) vừa hết xong lại bệnh lại.

3. Căng thẳng, mệt mỏi ảnh hưởng đến sức đề kháng, hệ miễn dịch ra sao?

Tình trạng căng thẳng, mệt mỏi có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức đề kháng, hệ miễn dịch như thế nào dưới góc nhìn của y học?

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp trả lời: Nếu chúng ta bị mệt mỏi, căng thẳng về mặt vật chất sẽ ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng. Dẫn đến thiếu hụt các chất dinh dưỡng quan trọng cho các tế bào trong cơ thể. Trong đó có rất nhiều hệ thống cơ quan có liên quan đến hệ miễn dịch. Rất nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, mệt mỏi, căng thẳng sẽ làm giảm sức đề kháng. Thông qua cơ chế là ảnh hưởng đến hoạt động của của bạch cầu và các tế bào thực bào (một 1 trong các thành tố quan trọng của đề kháng trong cơ thể).

Lúc mệt mỏi thường không muốn ăn, ăn không thấy ngon. Khi mệt mỏi, căng thẳng thành mãn tính kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chuyển hóa hấp thu, làm rối loạn nội tiết, tác động đến lớp hàng rào bảo vệ của cơ thể. Về mặt vật lý, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các tế bào biểu mô ở đường hô hấp nên sẽ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp; tế bào biểu mô ở đường tiêu hóa ảnh hưởng đến hấp thu; đồng thời làm rối loạn chuyển hóa và có thể tổn thương các niêm mạc của tế bào ở ruột non và các tuyến bài tiết, từ đó rơi vào vòng luẩn quẩn.

Trong ruột tiết ra các kháng thể tuy là các kháng thể không đặc hiệu nhưng có vai trò rất quan trọng như ảnh hưởng đến tiết IgA ở niêm mạc của đường tiêu hóa. Vì vậy, chúng ta sẽ bị giảm sức đề kháng do hệ miễn dịch hoạt động bị yếu đi dẫn đến dễ mắc các bệnh nhiễm trùng ở đường tiêu hóa như hay bị tiêu chảy hoặc hội chứng đại tràng kích thích (viêm đại tràng mãn tính) cũng có liên quan đến căng thẳng, mệt mỏi, stress.

Tác động trực tiếp đến việc tạo ra các kháng thể. Kháng thể của chúng ta nguyên liệu chính là các axit amin nếu chúng ta ăn ít, không hấp thu, các axit amin không được chuyển hóa, không được đưa đến chỗ cần đến thì sức đề kháng sẽ kém vì kháng thể ít đi. Các tế bào như bạch cầu, bạch cầu đa nhân hoạt động không được hiệu quả, thay vì khi nhìn thấy các tác nhân gây bệnh những “chiến binh” này phải nhanh chóng đi đến, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, từ đó tác động đến sức đề kháng của cơ thể nên dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như cảm, cúm, nhiễm siêu vi, nhiễm các loại vi trùng, ký sinh trùng,… Ngoài ra còn có thể ảnh hưởng đến các bệnh không nhiễm trùng như viêm loét dạ dày tá tràng (không do các loại vi khuẩn), viêm đại tràng, một số bệnh mãn tính không lây như đái tháo đường hoặc bệnh lý liên quan đến hệ thống mạch máu đều có liên quan đến hệ thống miễn dịch.

Đôi khi chúng ta chủ quan, nghĩ rằng bệnh đái tháo đường, huyết áp hay ung thư phải có nhiều các yếu tố nguy cơ, tuy nhiên hiện nay đã chứng minh mối liên quan với các rối loạn miễn dịch. Vì vậy, chúng ta phải chú ý đến sức khỏe một cách toàn diện và mệt mỏi có thể tiềm ẩn rất nhiều bệnh lý thực thể ở bên trong chứ không chỉ có tình trạng rối loạn cơ năng. Nên lắng nghe cơ thể, khi thấy mệt mỏi sẽ tìm phương án giải quyết thì bao giờ cũng tốt hơn.

4. Căng thẳng, áp lực, mệt mỏi tác động đến hệ tiêu hóa như thế nào?

Hệ tiêu hóa là bộ não thứ 2 thì cảm nhận rất rõ những điều đang diễn ra trong cơ thể của chúng ta. Những căng thẳng, áp lực, mệt mỏi đó tác động đến hệ tiêu hóa của chúng ta cụ thể ra sao nhờ BS chia sẻ ạ?

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp trả lời: Các hoạt động trong hệ tiêu hóa của chúng ta sẽ được điều khiển bởi hệ thống thần kinh bao gồm thần kinh chủ động và thần kinh tự động. Bộ tiêu hóa cũng như chân tay, muốn hoạt động phải có hệ thống thần kinh trung ương là não bộ. Từ não bộ sẽ có các thần kinh sọ điều khiển, trong đó có dây thần kinh số 10 (thần kinh phế vị) rất quan trọng. Dây thần kinh này sẽ điều hành hoạt động của hệ thống tiêu hóa bao gồm từ thực quản, dạ dày đến tá tràng, ruột non, đại tràng,…

Diện tích ruột của chúng ta rất lớn, chỉ riêng ruột non của một người trưởng thành đã tương đương với một sân bóng đá tiêu chuẩn và đều có các đầu của các dây thần kinh, có dây thần kinh cảm giác để cảm nhận. Khi chúng ta ăn quá no dây thần kinh cảm giác sẽ báo động để ngưng ăn hoặc khi bị trào ngược sẽ thấy chua, rát trong cổ họng.

Trong ruột của chúng ta hệ thống thần kinh rất nhiều. Bắt đầu từ não bộ (hệ thần kinh trung ương), xuống hạ đồi, tuyến yên đến dây thần kinh số 10 (thần kinh phế vị), đến ruột. Tất cả những hệ thống này vừa cảm nhận vừa điều hành. Không thể tự nhiên tiết ra các loại dịch tiêu hóa ở trong ruột mà phải có sự tham gia của hệ thống thần kinh. Hệ tiêu hóa cảm nhận được sức khỏe của cơ thể và rất quan trọng vì nuôi sống cơ thể.

Một yếu tố khác là probiotic (các vi khuẩn có lợi) nằm trong đường ruột. Probiotic tham gia vào việc tạo ra các chất dẫn truyền thần kinh và prebiotic (các chất xơ để nuôi dưỡng các vi khuẩn tốt trong đường ruột) liên quan đến việc hỗ trợ quá trình tạo ra các kháng thể như kháng thể IgA, vừa bị điều khiển bởi thần kinh trung ương vừa tác động ngược lại các hoạt động trong cơ thể bởi hệ thần kinh trung ương.

Hệ tiêu hóa giúp nuôi sống cơ thể, giúp các chức năng trong cơ thể hoạt động một cách hoàn hảo nhất và giúp điều hòa chuyển hóa để cơ thể khỏe mạnh nhất, giảm thiểu khả năng lão hóa diễn ra (vẫn diễn ra nhưng không quá nhanh). Cơ thể là một bộ máy rất kỳ diệu và phức tạp, có nhiều điều đến bây giờ khoa học vẫn chưa khám phá ra hết.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X