Hotline 24/7
08983-08983

Lưu ý gì trước khi xét nghiệm máu để không ảnh hưởng đến kết quả?

Trong bài viết này ThS.BS Từ Mẫn Nhi - Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Bình Dân đã cung cấp những thông tin hữu ích về các lưu ý trước khi thực hiện xét nghiệm máu để bệnh nhân tuân thủ và có kết quả xét nghiệm chính xác nhất.

1. Xét nghiệm máu sẽ tìm ra những bệnh gì?

Mọi người đi khám tổng quát, khám sức khỏe định kỳ thường được làm xét nghiệm máu nên việc này cũng khá quen thuộc. BS có thể cho biết xét nghiệm máu sẽ tìm ra những bệnh gì?

ThS.BS Từ Mẫn Nhi trả lời: Thông thường một bệnh nhân đến khám sức khỏe tổng quát sẽ thực hiện các xét nghiệm:

- Công thức máu: Gợi ý phát hiện các hiện tượng viêm, nhiễm trùng, nhiểm kí sinh trùng, rối loạn đông máu, thiếu máu, các bệnh về máu…

- Đường huyết: Đánh giá bệnh lý tiểu đường.

- Men gan, chức năng gan: Đánh giá các bệnh về gan, mật, tụy…

- Chức năng thận: Gợi ý các tổn thương ở thận và hệ niệu.

- Tổng phân tích nước tiểu: Gợi ý tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu, các bệnh lý về hệ tiết niệu.

- Ion đồ: phát hiện tình trạng rối loạn điện giải.

Chuyên sâu hơn, bệnh nhân có thể thực hiện thêm:

- Bilan lipid máu: Gợi ý các rối loạn lipid máu.

- Xét nghiệm tuyến giáp: Rối loạn chức năng tuyến giáp.

- Marker ung thư: tầm soát ung thư gan, vú, dạ dày, tụy, đại trực tràng, tuyến tiền liệt.

- Bộ virus viêm gan: Tầm soát tình trạng viêm gan B, C.

2. Cần chuẩn bị gì trước khi xét nghiệm máu?

Trước ngày xét nghiệm máu, mọi người cần chuẩn bị những gì để kết quả xét nghiệm chính xác nhất, thưa BS?

ThS.BS Từ Mẫn Nhi trả lời: Các lưu ý trước khi thực hiện xét nghiệm máu:

- Không vận động mạnh 24h trước khi xét nghiệm.

- Không hút thuốc lá, uống rượu bia hay sử dụng các chất kích thích 24h trước xét nghiệm.

- Nhịn ăn trước xét nghiệm, tùy loại xét nghiệm mà thời gian nhịn ăn sẽ khác nhau theo bảng sau đây:

LOẠI XÉT NGHIỆM LƯU Ý 
Glucose máu (Đường huyết) Nhịn ăn ít nhất 8 giờ trước khi lấy nghiệm phẩm

Cholesterol TP, Triglycerides, HDL-Cho, LDL-Cho (Mỡ máu)

Nhịn ăn 12 giờ, bệnh nhân không được uống rượu trong vòng 24 giờ trước khi lấy nghiệm phẩm 

Amylase (Men Tụy)

Nhịn ăn 4 - 8 giờ trước khi lấy nghiệm phẩm 

Acid uric, Urea máu, Ammoniac

(Xét nghiệm bệnh Gout, chức năng thận, xét nghiệm chẩn đoán hôn mê gan)

Nhịn ăn 4 - 8 giờ trước khi lấy nghiệm phẩm 

ALP (Alkaline Posphate)

(Xét nghiệm đánh giá tình trạng ứ mật)

Nhịn ăn 10 - 12 giờ trước khi lấynghiệm phẩm

Bilirubin toàn phần, trực tiếp, gián tiếp

(Xét nghiệm chức năng gan )

Nhịn ăn 4 - 8 giờ trước khi lấy nghiệm phẩm 

Nghiệm phẩm tránh ánh sáng

Cortisol (Hormone viêm) 

Nhịn ăn 4 - 8 giờ trước khi lấy nghiệm phẩm 

Hạn chế thể lực 10 - 12 giờ trước khi lấy nghiệm phẩm 

Nên lấy nghiệm phẩm lúc 8 giờ sáng

Testosterone (Hormone nam)

Không cần nhịn ăn

Nên lấy nghiệm phẩm lúc 7 giờ sáng

3. Đã ăn sáng có xét nghiệm máu được không?

Mọi người thường nhịn ăn sáng trước khi đi xét nghiệm máu. Tuy nhiên nếu bệnh nhân đã ăn sáng rồi thì trường hợp nào vẫn xét nghiệm máu được, trường hợp nào bắt buộc phải nhịn ăn rồi mới xét nghiệm?

ThS.BS Từ Mẫn Nhi trả lời: Trong trường hợp bệnh nhân đã ăn sáng thì bệnh nhân vẫn có thể xét nghiệm máu được. Tuy nhiên, đối với những xét nghiệm cần nhịn ăn thì bác sĩ có thể hẹn bệnh nhân xét  nghiệm lại vào ngày khác.

4. Nhịn ăn sáng để xét nghiệm máu có làm bệnh nhân tiểu đường bị hạ đường huyết?

Đối với người bệnh tiểu đường, nếu nhịn ăn sáng thì sợ bị hạ đường huyết. Theo BS có giải pháp nào cho trường hợp này?

ThS.BS Từ Mẫn Nhi trả lời: Thông thường bệnh nhân đái tháo đường đã có sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường. Bác sĩ cho chỉ định xét nghiệm nhịn ăn có thể nhằm mục đích điều chỉnh thuốc và theo dõi đáp ứng thuốc của bệnh nhân.

Vì thế, khi đi khám bệnh cần hỏi bác sĩ để được ưu tiên thực hiện xét nghiệm máu tránh chờ lâu gây hạ đường huyết và hỏi bác sĩ về thứ tự ưu tiên thực hiện các chỉ định cận lâm sàng (ví dụ thủ thuật nào cần nhịn ăn sẽ thực hiện trước…)

Bệnh nhân cần mang theo sữa hoặc thức ăn nhẹ để khi thấy choáng váng hạ đường huyết thì có thể uống ngay.

5. Nếu đi khám vào buổi chiều thì nhịn ăn như thế nào để làm xét nghiệm máu?

Hiện nay một số cơ sở y tế thông báo là có khám tổng quát vào buổi chiều. Vậy khi đi khám, bệnh nhân có cần nhịn ăn trưa để làm xét nghiệm máu không ạ?

ThS.BS Từ Mẫn Nhi trả lời: Có 2 yếu tố cần lưu ý:

Thứ nhất là thời điểm bệnh nhân ăn sáng gần nhất.

Thứ hai là loại xét nghiệm mà bác sĩ chỉ định có cần nhịn ăn hay không?

Tốt nhất là bệnh nhân cứ ăn uống bình thường và đến gặp bác sĩ, khi cần thực hiện những xét nghiệm cần nhịn ăn thì bác sĩ sẽ hẹn bệnh nhân lại vào một ngày khác.

6. Nhai kẹo cao su và tập thể dục trước khi xét nghiệm máu có làm ảnh hưởng kết quả?

Một số trang mạng đăng tin rằng trước khi xét nghiệm máu không được nhai kẹo cao su, bởi vì nhai kẹo cao su gây kích thích hoạt động của hệ tiêu hóa, cho ra kết quả không chính xác. Ngoài ra cũng không nên tập thể dục, bởi vì tập thể dục trước thời gian nhịn đói khiến cơ thể dễ đuối sức và còn ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm máu. Theo BS điều này có đúng?

ThS.BS Từ Mẫn Nhi trả lời: Khi Xét nghiệm máu: không vận động mạnh trước khi xét nghiệm 24h vì vận động làm tăng chuyển hóa cơ thể gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm: AST, ALT, Creatine Kinase và hs-CRP.

Đôi với kẹo cao su, hiện nay trên thị trường có 2 dòng kẹo cao su là kẹo cao su có chứa đường và kẹo cao su không chứa đường. Hoạt động nhai kẹo cao su trong khoang miệng sẽ kích thích hoạt động của hệ tiêu hóa, làm tăng tiết tuyến nước bọt và làm tăng tiết dịch axit của dạ dày.

Theo nghiên cứu, việc nhai kẹo cao su có thể làm dạ dày tăng tiết lượng axit nhiều tương tự như đang ăn một chiếc bánh hamburger phô mai. Tác già Stony và cộng sự đã thực hiện một nghiên cứu trên 22 bệnh nhân khỏe mạnh và xét nghiệm máu trước và sau khi nhai kẹo cao su, kết quả xét nghiệm của 25 thông số có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê: Bilirubin, Insuline, C-peptide, Hemoglobin, CMV… chỉ có xét nghiệm thời gian đông máu là không bị ảnh hưởng. Vì vậy, nên tránh nhai kẹo cao su trước khi xét nghiệm.

7. Thuốc say xe và thuốc huyết áp có ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm máu không?

Bạn đọc AloBacsi: BS cho em hỏi, mẹ em ở quê đi lên thành phố khám bệnh, trước khi tới bệnh viện đã uống thuốc say xe và thuốc huyết áp thì có ảnh hưởng gì đến kết quả xét nghiệm máu không ạ?

ThS.BS Từ Mẫn Nhi trả lời: Thuốc say tàu xe hay thuốc huyết áp nói riêng và các loại thuốc điều trị khác nói chung đều gây chuyển hóa một số chất trong cơ thể sau khi uống. Vì thế, bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ biết về tất cả những thuốc mà mình đang sử dụng để bác sĩ có thông tin trong vấn đề biện luận kết quả xét nghiệm có liên quan.

8. Uống rượu trước ngày xét nghiệm máu ảnh hưởng đến kết quả thế nào?

Bạn đọc AloBacsi: Thưa BS, ba em tối nào cũng uống rượu thì trước ngày xét nghiệm máu có cần nhịn uống rượu hay không? Bởi vì em nghĩ ba em vẫn uống thì kết quả xét nghiệm mới phản ánh đúng với hiện trạng ngày nào gan cũng phải xử lý rượu. Mong BS cho em ý kiến.

ThS.BS Từ Mẫn Nhi trả lời: Sử dụng rượu trước khi xét nghiệm không chỉ ảnh hưởng đến đường huyết và lipid máu. Vì vậy, nên tuân theo các quy định không uống rượu bia trong vòng 24h trước xét nghiệm để kết quả xét nghiệm chính xác nhất.

9. Sau khi lấy máu xét nghiệm bị chóng mặt, choáng cần làm gì?

Một số người trong hoặc sau khi lấy máu xét nghiệm cảm thấy chóng mặt, choáng thì họ cần làm gì trong tình huống này, thưa BS?

ThS.BS Từ Mẫn Nhi trả lời: Nếu Bệnh nhân đang đứng, tìm vị trí gần nhất mà bệnh nhân có thể ngồi xuống. Nếu bệnh nhân đang mặc quần áo quá chật cần nới lỏng quần áo, cà vạt. Bên cạnh đó, bệnh nhân nên thông báo ngay cho nhân viên y tế gần nhất để được xử lý.

Có nhiều nguyên nhân gây choáng: hạ đường huyết, thiếu oxy hay nghiêm trọng hơn. Nhân viên y tế hoặc kỹ thuật viên xét nghiệm sẽ liên hệ bác sĩ khoa lâm sàng gần nhất để bệnh nhân được đo dấu hiệu sinh tồn và được thăm khám kỹ hơn để chẩn đoán nguyên nhân gây choáng và xử lý kịp thời.

10. Băng cá nhân dán trên vết kim lấy máu cần để trong bao lâu?

Băng cá nhân dán trên vết kim lấy máu cần để trong bao lâu thì gỡ bỏ được ạ?

ThS.BS Từ Mẫn Nhi trả lời: Sau khi lấy máu, Bệnh nhân sử dụng ngón tay ấn một lực vừa đủ lên trên vị trí lấy máu trong 5 phút. Tháo băng ít nhất sau 1 giờ. Tránh xoa, day chỗ lấy máu và mang vật nặng trên cánh tay vừa được lấy máu.

Đối với những bệnh nhân có bệnh lý về đông cầm máu hoặc có sử dụng thuốc kháng đông, thời gian cầm máu có thể lâu hơn. Trong trường hợp này bệnh nhân cần ấn chặt và giữ băng cá nhân đến khi cầm máu hoàn toàn mới nên gỡ ra.

11. Uống nhiều nước trước khi xét nghiệm máu có ảnh hưởng đến kết quả không?

Câu hỏi của khán giả: Bác sĩ cho tôi hỏi, khi tôi đi khám bệnh cần xét nghiệm máu và nước tiểu sau đó siêu âm nữa, trước khi đi tôi hay uống rất nhiều nước như vậy có được không kết quả xét nghiệm máu có chính xác không cảm ơn bác sĩ?

ThS.BS Từ Mẫn Nhi trả lời: Bệnh nhân nên uống một lượng nước vừa phải trước ngày đi khám, tốt nhất uống lượng nước giống với lượng nước thông thường mà mỗi ngày thường uống, để kết quả xét nghiệm máu và nước tiểu phản ánh chính xác tình trạng của bệnh nhân.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X