Hotline 24/7
08983-08983

Lường trước những tai biến kinh hoàng khi truyền dịch

Nếu bệnh nhân đang truyền dịch thấy khó thở, rét run, vã mồ hôi, sắc mặt tái nhợt, mạch nhanh, huyết áp tụt, đó là dấu hiệu đã bị sốc.

Khi nào cần truyền dịch vào cơ thể?

Theo các bác sĩ, dịch truyền có nhiều loại tùy theo tác dụng, trong đó phổ biến là loại cung cấp đường, muối và chất điện giải như glucose 5%, 10%; cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng...

Trường hợp bắt buộc phải truyền dịch, bác sĩ cần tính toán kỹ lượng truyền chứ không thể truyền bừa bãi. Việc tự ý truyền dịch sẽ vô cùng nguy hại đến sức khỏe. Ngay cả khi người bệnh bị mất nước, bác sĩ vẫn khuyên uống nước bồi phụ tốt hơn là truyền dịch.

Truyền dịch cho bệnh nhân ở Bệnh viện 108
Truyền dịch cho bệnh nhân ở Bệnh viện 108

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, trước khi truyền cần phải khám tim, phổi, đo mạch… xem tim có khỏe. Khám tim không chỉ khám lâm sàng mà nhiều trường hợp phải xét nghiệm, làm điện tâm đồ mới phát hiện ra bệnh.


PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng

Khi truyền dịch cần phải khống chế được tổng lượng dịch truyền vào phù hợp với tình trạng bệnh của bệnh nhân. Nếu truyền nhiều hơn tình trạng bệnh sẽ gây phù phổi, suy tim.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, chỉ nên truyền dịch khi sốt quá cao, nôn quá nhiều gây mất nước, đi ngoài mất nước như những bệnh nhân bị tiêu chảy, tụt huyết áp…; người bệnh không thể ăn, uống được. Những bệnh nhẹ không nên truyền dịch.

Về mặt nguyên tắc, trong 15 phút đầu truyền dịch qua tĩnh mạch, nhân viên y tế phải đứng tại chỗ quan sát sắc mặt, mạch, huyết áp, nhịp thở của bệnh nhân và vùng tiêm. Nếu có những biến đổi khác thường phải báo cáo bác sĩ. Nếu không có diễn biến bất thường, điều dưỡng có thể đi làm việc khác nhưng cứ 10 - 15 phút phải trở lại kiểm tra 1 lần.

Nếu cơ thể mất nước mà vẫn ăn uống được thì truyền dịch không tốt hơn là mấy so với việc bù nước qua đường uống.

Bác sĩ khuyến cáo, nếu bắt buộc phải truyền dịch thì người bệnh nên thực hiện tại cơ sở y tế có đầy đủ điều kiện cấp cứu sốc phản vệ.

Trẻ sốt do viêm phổi hay mệt do bị bệnh tim... là hai trường hợp phải hạn chế truyền dịch. Nếu lạm dụng truyền sẽ khiến tim quá tải, không chịu được dịch truyền, gây ra các tai biến. Những người già, thận yếu, việc truyền dịch còn có thể khiến phù não, tai biến trên não.

Những trường hợp chống chỉ định truyền dịch qua đường tĩnh mạch có thể kể đến như: Bệnh nhân suy tim nặng truyền dịch có thể gây tai biến như phù phổi cấp. Bệnh nhân tăng huyết áp.

Những tai biến khi truyền dịch có thể gây tử vong ngay

Phù phổi cấp: Là tai biến nặng do truyền nhanh khối lượng lớn dịch truyền hoặc truyền với tốc độ nhanh ở bệnh nhân cao huyết áp, suy tim.

Triệu chứng: bệnh nhân đau ngực dữ dội, khạc bọt màu hồng, sắc mặt tím tái, nghe thấy phổi nhiều ran ẩm dâng lên từ hai đáy phổi.

Phản ứng phản vệ với dung dịch truyền: do các chế phẩm dịch truyền không đảm bảo về chất lượng, hoặc do các thành phần trong dịch truyền (các thành phần trong loại dung dịch như “đạm” là loại người dân thường hay có nhu cầu vì nghĩ bổ sung khi ốm cho nhanh khoẻ)

Triệu chứng: bệnh nhân đang truyền thấy khó thở, rét run, vã mồ hôi, sắc mặt tái nhợt, mạch nhanh, huyết áp tụt (huyết áp tâm thu ≤ 80mmHg).

Tắc mạch phổi: Do không khí trong dây truyền lọt vào lòng mạch. Điều này có thể do không tuân thủ tốt quy trình truyền dịch. Triệu chứng: bệnh nhân đau ngực đột ngột, dữ dội, khó thở, có thể gây tử vong nhanh.

Các chuyên gia khẳng định: Việc bổ sung không đúng các chất dễ gây nguy hiểm đến tính mạng như bệnh nhân mất điện giải mà truyền đường sẽ làm bệnh nặng hơn, thiếu natri mà truyền đường sẽ làm máu loãng gây phù não; thừa natri mà truyền muối quá nhiều làm teo não...

Hiện có khoảng trên 20 loại dịch truyền được chia thành 3 nhóm cơ bản, gồm:

(1) Nhóm cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể gồm glucose các loại 5%, 10%, 20%, 30% và các dung dịch chứa chất đạm, chất béo, vitamin.

(2) Nhóm cung cấp nước và các chất điện giải, dùng trong trường hợp mất nước, mất máu (dung dịch lactate ringer, natri clorua 0,9%, bicarbonate natri 1,4%...).

(3) Nhóm đặc biệt huyết tương tươi, dung dịch chứa albumin, dung dịch dextran, haes-steril, gelofusin hay dung dịch cao phân tử... dùng trong các trường hợp cần bù nhanh chất albumin hoặc lượng dịch tuần hoàn trong cơ thể.

Theo Quỳnh An - Gia đình và Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X