Hotline 24/7
08983-08983

Lo COVID-19 nhưng đừng quên sốt xuất huyết!

Ở TPHCM hiện có khoảng 6 ổ dịch nhỏ thuộc 4 quận, huyện và đã được điều tra dịch tễ, xử lý phun hóa chất, diệt lăng quăng. Tuy nhiên, chúng ta không được lơ là cảnh giác, vì căn bệnh này hiện chưa có vắc xin cũng như thuốc đặc trị. Do đó, cách tốt nhất là phòng ngừa bệnh.

Mặc dù số ca sốt xuất huyết đã giảm với tổng số 70% so với cùng kỳ, tuy nhiên theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 6 ổ dịch nhỏ thuộc 4 quận, huyện, tăng 2 ổ dịch so với tuần trước. Các ổ dịch nhỏ từ 1 - 2 ca, đã được điều tra dịch tễ, xử lý phun hóa chất, diệt lăng quăng.

Do đó, chúng ta không nên lo là mà cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Theo BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - chuyên gia tư vấn của AloBacsi, bệnh sốt xuất huyết diễn ra trong 7 ngày với các dấu hiệu như sốt cao trên 39 độ, đau đầu, đau mỏi người, đau cơ, đau nhức hốc mắt, mệt mỏi, phát ban và có xuất huyết trên da, chảy máu cam, chảy máu chân răng.

Triệu chứng ít ai chú ý và chủ quan đó là khi người bệnh hết sốt, đây là thời kỳ rất nguy hiểm nếu chúng ta không phát hiện những dấu hiệu cảnh báo nặng như người bệnh vật vã, lừ đừ, li bì, đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan, gan to trên 2cm, nôn nhiều, xuất huyết niêm mạc, tiểu ít.

Do đó, khi người bệnh có các dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết như trên, gia đình cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời nhằm tránh những biến chứng ảnh hưởng đến tính mạng. Tuyệt đối không cho người bệnh sử dụng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ, không kiêng ăn và nhịn uống.

Hầu như sốt xuất huyết rất giống với các dạng sốt siêu vi hay sốt phát ban lành tính khác. Do đó, mỗi chúng ta cần biết một số kiến thức cơ bản giúp nhận diện như:

Sốt phát ban: sốt cao nhưng là sốt từng cơn, kèm theo các triệu chứng viêm hô hấp trên như ho, chảy nước mũi, đau họng... Ban trong sốt phát ban sẽ biến mất nhanh sau khi căng da. Nếu ban còn hoặc mất rất chậm thì có thể là sốt xuất huyết.

Sốt siêu vi cũng có triệu chứng tương tự như vậy, với các biểu hiện sốt cao kèm viêm hô hấp trên, đau nhức toàn thân, có thể có hoặc không có phát ban.

Cách tốt nhất để phân biệt được là đến cơ sở y tế để được xét nghiệm máu. Công thức máu trong bệnh sốt xuất huyết sẽ thấy bạch cầu, tiểu cầu giảm, xét nghiệm kháng nguyên dương tính. Còn các sốt hồng ban còn lại hầu như công thức máu bình thường, kháng nguyên sốt xuất huyết âm tính. Do đó, nếu có biểu hiện sốt cao đột ngột trên 2 ngày, đừng chủ quan mà cần sớm đến các cơ sở y tế để bác sĩ khám và điều trị kịp thời.

Để phòng ngừa sốt xuất huyết, BS Bình khuyến cáo nên dọn dẹp các khu ẩm thấp, đọng nước, nhiều vật dụng; diệt bọ gậy, diệt muỗi, loăng quăng; Ngủ mùng, xịt thuốc diệt muỗi theo đúng liều lượng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X