Hotline 24/7
08983-08983

Làm thế nào để trẻ “chung sống hòa bình” với bệnh vảy nến

Theo BS.CK2 Phan Hoàng Yến - Trưởng đơn vị Da liễu nhi, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, vảy nến là bệnh mãn tính, liên quan đến yếu tố di truyền và thường tái phát. Do đó, phụ huynh cần chăm sóc da cho trẻ đúng cách, cũng như tạo môi trường sống trong lành để hạn chế khởi phát đợt cấp của vảy nến.

1. Vảy nến là bệnh gì, có nguy hiểm không?

Đầu tiên, xin hỏi BS vảy nến là căn bệnh như thế nào và có nguy hiểm ở trẻ hay không ạ?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Vảy nến là bệnh liên quan đến miễn dịch di truyền, xảy ra từ trẻ em đến người lớn. Đây là bệnh mãn tính và thường tái phát.

2. Nguyên nhân gây bệnh vảy nến ở trẻ

Nguyên nhân nào dẫn đến trẻ bị bệnh vảy nến thưa BS?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Di truyền là một trong những yếu tố của bệnh vảy nến:

- Nếu gia đình có cả cha và mẹ bị bệnh vảy nến thì nguy cơ em bé bị vảy nến lên đến 45%.

- Trường hợp có cha hoặc mẹ bị vảy nến thì nguy cơ trẻ mắc bệnh là 15%.

- Nếu trong gia đình có anh hoặc em bị vảy nến thì người còn lại có khoảng 6% khả năng mắc bệnh.

Bên cạnh đó, các yếu tố từ bên ngoài như nhiễm trùng tiếp xúc, stress, ánh nắng mặt trời, bỏng nắng hoặc một số loại thực phẩm cũng có khả năng làm bùng phát lên đợt cấp của bệnh vảy nến.

3. Dấu hiện nhận biết bệnh vảy nến

Khi trẻ bị bệnh bệnh vảy nến sẽ xuất hiện các dấu hiệu gì và làm sao để phân biệt với các bệnh lý ngoài da khác thưa BS?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Khi bị vảy nến trên bề mặt da của trẻ sẽ có các nổi sẩn hồng ban và trên bề mặt đó có các vảy giống như nến đèn cầy.

Đặc điểm bệnh vảy nến tập trung chủ yếu ở vùng tì đè hoặc chất thương. Ví dụ thường đội mũ bảo hiểm thì vảy nến sẽ xuất hiện các sang thương ở da đầu quanh vùng rìa mũ bảo hiểm hoặc khuỷu tay do hay vận động…

4. Các xét nghiệm nào giúp xác định bệnh vảy nến?

Khi đến bệnh viện sẽ thực hiện các cận lâm sàng nào để xác định đúng trẻ mắc bệnh vảy nến?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Qua thăm khám đã có thể xác định bệnh vảy nến. Thông thường, bác sĩ sẽ nhìn và thực hiện một số nghiệm pháp như nghiệm pháp BROCQ để xác định bệnh vảy nến.

Tuy nhiên trong một số trường hợp khó hoặc cần phân biệt với các bệnh lý khác sẽ có thể làm xét nghiệm máu hoặc sinh thiết da.

5. Vảy nến có mấy loại và trẻ thường mắc loại nào?

Trong y học vảy nến được chia làm mấy loại và trẻ nhỏ dễ mắc loại nào nhất thưa BS?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Vảy nến được chia thành nhiều loại:

- Theo hình thái của vảy nến: vảy nến mảng, vảy nến giọt, vảy nến muỗng

- Theo vị trí của vảy nến: vảy nến da đầu, vảy nến tay, vảy nến chân, vảy nến móng, vảy nến tã…

Ở trẻ em thường gặp nhất là vảy nến giọt và vảy nến tiết bã (ở vùng thường mặc tã), vảy nến vùng mặt.

6. Các phương pháp điều trị vảy nến

Hiện nay, có các phương pháp nào để điều trị vảy nến? So với điều trị cho người lớn thì điều trị vảy nến ở trẻ em có những khó khăn gì thưa BS?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Người lớn có thể sử dụng rất nhiều loại thuốc nhưng ở trẻ em có một số thuốc không thể sử dụng được, nên việc lựa chọn thuốc điều trị cho trẻ rất quan trọng.

Hiện tại, ở trẻ có 2 phương pháp điều trị:

- Thuốc bôi: dùng trong các trường hợp vảy nến nhẹ, trung bình, số lượng sang thương trên da ít.

- Thuốc uống: dùng trong các trường hợp vảy nến nặng và số lượng sang thương nhiều, toàn thân.

7. Có thể chữa khỏi hoàn toàn vảy nến không?

Khị trẻ bị bệnh vảy nến, điều phụ huynh quan tâm nhất là trẻ có thể chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh này không thưa BS?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Vảy nến là bệnh mãn tính nên sẽ ổn định nếu phụ huynh biết cách chăm sóc. Tuy nhiên, khi chăm sóc không đúng cách, để trẻ tiếp xúc với các yếu tố khởi phát sẽ làm bùng phát đợt cấp.

Khi đã mắc vảy nến phải sống chung với bệnh suốt đời. Vì vậy, cần “sống chung hòa bình” để trẻ đạt được sự thoải mái nhất, đảm bảo chất lượng cuộc sống và về mặt thẩm mỹ.

8. Trẻ bị vảy nến nên ăn gì, kiêng gì?

Về dinh dưỡng, nên tăng cường hoặc kiêng các nhóm thực phẩm nào đối với trẻ có cơ địa bị vảy nến thưa BS?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Khi bị vảy nến da sẽ bong vảy ra, mất da vì vậy nên bổ sung các thực phẩm như dầu cá, omega-3, vitamin D, canxi, selen,… là các thành phần giúp phục hồi da, kháng viêm để ổn định da.

Ngoài ra, nên hạn chế thịt đỏ, trứng, phô mai hoặc các sản phẩm có chất kích thích như cà phê, thuốc lá (ở người lớn).

Quan trọng là phải có chế độ sinh hoạt thoải mái, vui vẻ, hạn chế stress. Rất nhiều trẻ trong độ tuổi thi cử (lớp 9, lớp 12) vừa stress vừa thức khuya học bài nên uống cà phê và bị bùng phát vảy nến nặng.

9. Chăm sóc da cho trẻ bị vảy nến cần lưu ý gì?

Để chăm sóc da khi trẻ bị vảy nến cần lưu ý các vấn đề gì trong lựa chọn sản phẩm chăm sóc da và vệ sinh da cho trẻ như thế nào là đúng cách?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Thứ nhất, ánh nắng mặt trời có tia UV, trong đó có một số tia UV tốt cho làn da của trẻ bị vảy nến nên có thể phơi nắng nhưng trong thời gian ngắn và nhẹ nhàng, hạn chế để bỏng nắng vì sẽ khởi phát một đợt vảy nến.

Nếu đi ra ánh nắng mặt trời trong thời gian dài cần bôi kem chống nắng. Trẻ bị cơ địa vảy nến có thể đi bơi để thoải mái tinh thần, giảm stress. Tuy nhiên không nên bơi quá lâu và phải tắm lại với nước, sử dụng các sản phẩm xà phòng trung tính, không mùi, không hương liệu.

Thứ hai, sau khi tắm nên sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm da, làm mềm da. Ở những vùng da dày sừng có thể sử dụng thuốc bôi để tiêu sừng da.

10. Làm thế nào để hạn chế khởi phát đợt cấp của vảy nến

Trẻ cần có môi trường sống thế nào để hạn chế tối đa yếu tố làm khởi phát đợt cấp của vảy nến thưa BS?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Quan trọng nhất là không để trẻ bị stress. Thứ hai là môi trường phải trong lành, hạn chế bụi, khói thuốc lá, hoa, hương liệu. Thứ ba, hạn chế các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, socola, các thực phẩm có chất béo nhiều sẽ không tốt cho trẻ bị vảy nến.

11. Có cách nào ngăn bệnh vảy nến không khởi phát?

Một trong những yếu tố làm khởi phát bệnh vảy nến là di truyền. Vậy nếu trẻ chưa khởi phát bệnh thì có thể dự phòng tình trạng này như thế nào về sau?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Vì đã có yếu tố di truyền nên trẻ sẽ có nguy cơ khởi phát bệnh, thời gian khởi phát tùy thuộc vào cơ địa mỗi người.

Phụ huynh cần chăm sóc da cho trẻ, không để da bị kích ứng, hạn chế các chất kích ứng, chất tẩy rửa, ưu tiên dưỡng ẩm thường xuyên. Nhiều phụ huynh nghĩ rằng chỉ người lớn mới cần dưỡng ẩm, nhưng trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ cũng cần dưỡng ẩm để da mềm và tạo hàng rào bảo vệ da.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X