Hotline 24/7
08983-08983

Làm sao bảo vệ gan trước nguy cơ suy giảm chức năng gan do sử dụng thuốc lâu dài?

Việc sử dụng thuốc kéo dài để điều trị các bệnh lý mạn tính làm ảnh hưởng đến chức năng chuyển hóa và giải độc của gan. Việc sử dụng thuốc vô tội vạ cũng khiến nguy cơ mắc các bệnh về gan cao hơn. PGS.TS.BS Nguyễn Thị Vân Hồng sẽ hướng dẫn người bệnh bảo vệ và cải thiện chức năng gan của mình.

1. Thuốc điều trị bệnh mạn tính ảnh hưởng đến gan thế nào?

Thưa BS, những bệnh lý mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh thận hay xương khớp… và thuốc điều trị tác động đến gan ra sao?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Vân Hồng:

Cơ thể là một khối thống nhất, cho nên tổn thương một hệ cơ quan nào đó sẽ ảnh hưởng đến các bộ phận khác. Các bệnh lý thường liên quan với nhau.

Ví dụ, bệnh cơ xương khớp chỉ biểu hiện ở các khớp nhưng đôi khi lại có bệnh nền ở gan. Vì vậy, cần xác định có bệnh gan kèm theo các bệnh nền tiểu đường, tăng huyết áp, thận, cơ xương khớp hay không?

Nếu người bệnh chỉ mắc các bệnh nền này, bác sĩ phải xác định việc điều trị có thành công hay không. Nếu điều trị thành công, bệnh nhân phải sử dụng liều thuốc tối thiểu để duy trì sự thành công của điều trị.

Nếu điều trị không thành công, bác sĩ buộc phải gia tăng liều thuốc kèm thêm một số thuốc khác để đạt được hiệu quả. Khi đó, việc tăng liều điều trị sẽ ảnh hưởng đến các hệ cơ quan khác như gan.

Vì khi sử dụng thuốc, gan sẽ chuyển hóa thuốc thành các sản phẩm đào thải ra ngoài cơ thể. Cho nên khi sử dụng thuốc lâu dài, người bệnh cần thường xuyên thăm khám để đánh giá liệu gan có bị ảnh hưởng hay chưa.

Thuốc gây tổn thương gan bằng cách nào?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Vân Hồng:

Có 2 cơ chế gây tổn thương gan: hủy hoại tế bào gan, ứ mật.

Đôi khi cả 2 cơ chế này cùng gây tổn thương gan và làm tình trạng viêm gan nặng hơn.

2. Loại thuốc nào, dùng trong bao lâu sẽ gây tổn thương gan?

Trong đó, những thuốc nào thường gây tổn thương gan mà người bệnh cần đặc biệt lưu ý ạ?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Vân Hồng:

Hầu hết các loại thuốc đều gây tổn thương gan như nhóm thuốc hạ sốt, giảm đau, chống viêm không steroid, kháng sinh, hóa chất điều trị ung thư, thuốc hạ mỡ máu.

Thông thường, dùng thuốc trong thời gian bao lâu gan mới bắt đầu bị tổn thương?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Vân Hồng:

Không có thời gian cụ thể là bao lâu gan sẽ bị tổn thương. Có một số người, chỉ sử dụng thuốc trong thời gian ngắn đã bị tổn thương gan.

Tuy nhiên, có người dùng nhiều năm mới bị ảnh hưởng đến gan, có người dùng thuốc cả đời vẫn không bị.

Do vậy, từ 3-6 tháng, bệnh nhân nên tầm soát chức năng gan.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Vân Hồng - Nguyên phó trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai

3. Dấu hiệu nhận biết gan tổn thương do thuốc

Các dấu hiệu nhận biết gan bị tổn thương do thuốc là gì, thưa BS?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Vân Hồng:

Khi sử dụng một loại thuốc, người bệnh cần cân nhắc loại thuốc đó có gây ảnh hưởng cho gan hay không.

Những biểu hiện tổn thương gan như người bệnh cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon miệng, sụt cân, đau tức vùng hạ sườn phải.

Nặng hơn, bệnh nhân sẽ có dấu hiệu vàng da, mắt, nước tiểu sẫm màu, phù chân, thiếu máu.

Những dấu hiệu sớm nhất là thay đổi kết quả xét nghiệm máu. Vì vậy, bác sĩ thường khuyên bệnh nhân tầm soát chức năng gan khoảng 3-6 tháng/ lần.

Trên kết quả xét nghiệm máu, thông qua men gan sẽ thấy rõ tình trạng hủy hoại tế bào gan, chỉ số Bilirubin máu sẽ thấy được biểu hiện ứ mật. Một số chức năng khác của gan cũng bị ảnh hương như protid máu giảm, albumin máu giảm, các yếu tố đông máu đi xuống.

4. Người bệnh mạn tính bao lâu nên tầm soát chức năng gan?

Người bệnh mạn tính bao lâu nên kiểm tra chức năng gan một lần, trong đó xét nghiệm nào cần phải làm?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Vân Hồng:

Người mắc bệnh mạn tính phải sử dụng thuốc kéo dài và bệnh đã ổn định thì nhịp theo dõi chức năng gan là 6 tháng/ lần.

Với người buộc phải thay đổi lộ trình điều trị và sử dụng thêm nhiều loại thuốc, nhịp kiểm tra chức năng gan là từ 1-3 tháng/lần.

Đối với người có bệnh lý nền nặng hoặc có tiền sử bệnh gan, nhịp kiểm tra chức năng gan là khoảng vài tuần/lần.

5. Phòng tránh tổn thương gan do thuốc như thế nào?

Người bệnh cần làm gì và cần tránh những gì, thưa BS?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Vân Hồng:

Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng tránh tổn thương gan trên người mắc bệnh lý nền (tăng huyết áp, đái tháo đường, thận, cơ xương khớp).

Nên sử dụng thức ăn tốt cho gan như thịt trắng, hạn chế thịt đỏ (thịt bò, thịt dê, thịt trâu, thịt chó), ăn nhiều cá, trái cây. Tuyệt đối không sử dụng rượu bia, nước uống có ga, đồ ăn chiên rán. Đồng thời, người bệnh phải thường xuyên tập thể dục.

Như vậy, gan sẽ ít bị ảnh hưởng và bệnh lý nền sẽ đáp ứng điều trị tốt.

6. Các biện pháp bảo vệ, tăng cường chức năng gan

BS có thể hướng dẫn thêm các biện pháp bảo vệ, tăng cường chức năng gan cho người phải sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau trong điều trị bệnh lý?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Vân Hồng:

Đối với người đã mắc bệnh lý nền, phải sử dụng thuốc kéo dài, bệnh nhân phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ điều trị.

Nếu sử dụng thuốc trong thời gian dài và không gây tai biến thì lộ trình điều trị này có thể không gây ra biến chứng nặng.

Nhưng nếu buộc phải thay đổi lộ trình điều trị thì có thể sử dụng thêm các loại thuốc để hạn chế tai biến.

Nếu tai biến xảy ra ở gan thì phải sử dụng các nhóm thuốc lợi mật hoặc thuốc bảo vệ tế bào gan.

Những sản phẩm detox không giúp bảo vệ tế bào gan nhưng giúp cơ thể giảm bớt rối loạn chuyển hóa. Tuy nhiên, nếu sử dụng nước chanh khi chưa ăn sáng thì có thể gây ra bệnh lý dạ dày.

Vì vậy, khi sử dụng sản phẩm detox, không nên dùng vào sáng sớm, khi bụng đói.

Ngoài ra, có thể sử dụng một số thực phẩm chức năng khác nhưng cần lựa chọn nhà sản xuất uy tín, sản phẩm an toàn. Tuy nhiên, khi mới sử dụng thực phẩm chức năng vẫn có nguy cơ gây ra tổn thương gan.

Cho nên, khi sử dụng thêm thuốc, nhịp tầm soát gan phải nhiều hơn (khoảng 1 tháng đầu).

7. Hướng dẫn lựa chọn và sử dụng thuốc bổ gan

Lựa chọn và sử dụng thuốc bổ gan sao cho đúng để bảo vệ gan cho những người bệnh mạn tính?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Vân Hồng:

2 cơ chế gây tổn thương gan do thuốc là hủy hoại tế bào gan và ứ mật.

Vì vậy, khi lựa chọn thuốc bổ gan cần “đánh” vào 2 cơ chế này. Đó là các sản phẩm lợi mật, để mang mật và mỡ trong tế bào gan đi nơi khác.

Nhóm thuốc bảo vệ tế bào gan giúp tế bào gan hồi phục và đảm nhiệm những chức năng của nó.

Bên cạnh đó, cần lực chọn những sản phẩm tồn tại nhiều năm trên thị trường và do công ty uy tín sản xuất.

Minh Huy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X