Hotline 24/7
08983-08983

Làm gì sau khi biết kết quả dương tính HIV

Sau khi nhận được kết quả xét nghiệm HIV là dương tính thì phải làm gì tiếp theo? Có phải đi xét nghiệm lại lần hai không? Bệnh viện có phát thuốc miễn phí không? (Tôn).

buon-5848-1421112268.jpg

Ảnh minh họa: Tổ Ấm Việt.

Chào em,

Trước hết, nhằm chẩn đoán nhiễm HIV, theo quy định của Việt Nam là phải tiến hành bộ 3 xét nghiệm với 3 loại sinh phẩm khác nhau (hiểu đơn giản là ba xét nghiệm khác nhau) cho cùng một mẫu máu. Ba xét nghiệm phải cùng cho kết quả dương tính mới có thể khẳng định chẩn đoán chính xác.

Điều này khác với xét nghiệm sàng lọc HIV vốn chỉ sử dụng một xét nghiệm, mô hình này nhằm loại trừ những trường hợp kết quả âm tính, chứ chưa đủ để khẳng định kết quả chẩn đoán.

Tùy vào điều kiện cụ thể, chức năng của từng cơ sở y tế mà họ có thể cung cấp mô hình xét nghiệm sàng lọc (một xét nghiệm) hay xét nghiệm khẳng định (3 xét nghiệm). Chỉ có một số cơ sở y tế mới có chức năng cung cấp xét nghiệm khẳng định, như ở TPHCM có BV Nhiệt đới, Viện Pasteur, Trung tâm y tế dự phòng thành phố và vài bệnh viện tuyến Trung ương.

Các cơ sở y tế khác thường chỉ cung cấp xét nghiệm sàng lọc, nếu có nghi ngờ trên kết quả xét nghiệm này, họ sẽ chuyển mẫu máu sang cơ sở y tế trong hệ thống để làm xét nghiệm khẳng định.

Như vậy, nếu đọc thấy trên kết quả trả cho mình chỉ có một dòng (tương ứng với một loại xét nghiệm) thì vẫn chưa thể khẳng định chẩn đoán, em cần làm lại xét nghiệm khẳng định ở các cơ sở y tế chuyên biệt như Viện Pasteur (thông thường bác sĩ tại cơ sở sàng lọc sẽ hướng dẫn hay chuyển gửi).

Ngược lại, nếu đọc thấy ba dòng, tương ứng với 3 loại xét nghiệm và đều cho cùng kết quả dương tính thì đã có thể khẳng định chẩn đoán "nhiễm HIV". Lúc này, vì mẫu máu đã được thực hiện xét nghiệm tại cơ sở y tế chuyên biệt nên việc xác minh lại bằng xét nghiệm lần 2 là không cần thiết.

Về quy trình và thủ tục xin vào chương trình điều trị miễn phí:

Thông thường, các cơ sở y tế trong hệ thống công lập đều tuân theo quy trình xét nghiệm, chẩn đoán HIV và chuyển gửi sang điều trị ARV ban hành bởi Cục phòng chống HIV/AIDS quốc gia. Theo đó, khi có kết quả dương tính, khách hàng sẽ được tham vấn rõ ràng về nội dung và ý nghĩa của kết quả, các thông tin cần thiết liên quan đến bệnh và biện pháp phòng tránh lây nhiễm, đồng thời tiến hành thủ tục cấp thẻ xác nhận tình trạng nhiễm nếu khách hàng đồng ý.

Thẻ xác nhận tình trạng nhiễm là một thẻ cứng, có mã vạch, tương ứng với hồ sơ cố định của bệnh nhân sẽđược lưu trữ trong hệ thống bệnh án điện tử.

Sau khi hoàn tất thủ tục cấp thẻ, tùy theo hoàn cảnh cụ thể, bệnh nhân sẽ được chuyển gửi sang cơ sở điều trị ngoại trú (OPC), nhờ vào việc quản lý bệnh án và mã thẻ bằng điện tử, bệnh nhân có thể được theo dõi và điều trị đồng bộ tại bất kỳ OPC nào.

Tại các OPC, bệnh nhân sẽ tiến hành thủ tục xin vào chương trình miễn phí, theo đó, các chi phí như thăm khám hàng tháng, xét nghiệm định kỳ mỗi 6 tháng và thuốc ARV hàng tháng đều đựơc cung cấp miễn phí (một số xét nghiệm hay điều trị thêm vào nếu có chỉ định, bệnh nhân sẽ tự chi trả).

Hiện nay, thủ tục xin vào chương trình điều trị ARV miễn phí khá đơn giản, thường chỉ cần có các giấy tờ tùy thân như chứng minh thư, hộ khẩu hay giấy tạm trú.

Do không biết tình huống cụ thể nên tôi không thể hướng dẫn cho em các bước tiếp theo, chỉ có thể cho những gợi ý sau:

- Nếu đang trong quy trình khám chữa, em chỉ đơn giản là theo sự hướng dẫn của cơ sở y tế, họ sẽ chuyển em đến cơ sở điều trị. Nếu không trong quy trình, em có thể đến một phòng tham vấn xét nghiệm tự nguyện hay khoa tham vấn hỗ trợ cộng đồng xin giúp đỡ, nhân viên ở đây sẽ tùy tình hình mà làm tiếp quy trình hay thực hiện lại từ đầu. Dù trong tình huống nào, nhanh chóng tiếp cận với điều trị là điều kiện tiên quyết.

- Với một người nhiễm HIV, bên cạnh điều trị ARV, điều quan trọng là có lối sống và suy nghĩ tích cực. Em vẫn có thể duy trì các sinh hoạt cũng như tiếp tục làm việc, thay đổi và giảm bớt các thói quen xấu. Đồng thời, em cần thận trọng trong các đường lây truyền HIV để tránh lây cho người thân của mình thông qua việcquản lý tốt các vật dụng có máu, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục...

- Ngoài nhân viên y tế, em có thể tìm sự hỗ trợ từ các nhóm tự lực trong mạng lưới VNPplus (Mạng lưới quốc gia của những người sống chung với HIV/AIDS tại Việt Nam) như Khát vọng,Màu xanh, Niềm tin, Vươn lên. Các nhóm hoạt động phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ người có H và bạn tình âm tính của họ. Việc tham gia các nhóm "bạn giúp bạn" như vậy có thể sẽ giúp em có cái nhìn mới hơn về cộng đồng người có H, cũng như thay đổi tích cực cuộc sống của chính mình.

Thân ái.

Theo BS Nguyễn Tấn Thủ - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X