Hotline 24/7
08983-08983

Lạm dụng Corticoid, điều gì sẽ xảy ra?

Thuốc corticoid là một ví dụ điển hình về con dao 2 lưỡi, nếu dùng đúng thì sẽ là một vũ khí cực kỳ hiệu quả trong điều trị nhiều bệnh cấp tính hay mạn tính nhưng nếu dùng sai hoặc lạm dụng thì sẽ có nguy cơ bị nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên ngay cả khi dùng đúng theo chỉ dẫn của thầy thuốc thì người bệnh vẫn có thể bị các biến chứng, đặc biệt trong trường hợp dùng dài ngày.

Để tránh việc bị tác dụng phụ và các biến chứng do dùng Corticoid, mời quý đọc giả quan tâm theo dõi bài viết dưới đây của BS.CK2 Đặng Trúc Lan Trinh - Phó trưởng khoa Nội tiết thận Bệnh viện Nhân dân Gia Định để hiểu rõ hơn về Corticoid.

Corticoid là gì?

Tuyến thượng thận là tuyến nội tiết nhỏ nằm ngay phía trên hai thận, tiết ra các hormon. Những hormon này có vai trò rất quan trọng đối với sự sống trong đó Glucocorticoid là hormone quan trọng của tuyến thượng thận, có vai trò chính đối với chuyển hoá muối, đường, mỡ, và chất đạm của cơ thể, duy trì các chức năng sống của cơ thể.

Corticoid hay còn gọi là corticosteroid, glucocorticosteroid có nguồn gốc tự nhiên (hydrocortison và cortison) là hormon được tiết ra ở vỏ thượng thận hoặc hóa tổng hợp (prednisolon 5 mg, methylprednisolon 16 mg, dexamethason 4 mg/ml,... )

Tác dụng của Glucocorticoid: Glucocorticoid có tác dụng sinh lý và tác dụng điều trị.

Về tác dụng sinh lý:

- Trên chuyển hóa glucid (tăng tân sinh đường, giảm hấp thu glucose ở mô ngoại biên nên có khuynh hướng làm tăng đường huyết), protid (tăng dị hóa đạm), lipid (phân hủy và tái phân bố mỡ)

- Chuyển hóa nước và điện giải, tăng giữ muối nước, tăng thải kali

- Trên cơ quan, mô như: thần kinh trung ương làm thay đổi tính tình, gây thèm ăn

- Trên tiêu hóa làm tăng tiết acid dịch vị và pepsin, giảm tiết chất nhầy

- Kháng vitamin D: giảm hấp thu calci ở ruột, tăng thải calci ở thận, giảm hoạt động tạo xương của cốt bào

Tổn thương da do lạm dụng corticoid

Tác dụng điều trị:

Glucocorticoid có ba tác dụng chính:

- Kháng viêm (nhưng chỉ tác động lên giai đoạn cuối của quá trình tổng hợp prostaglandin - khác với NSAID).

- Chống dị ứng bằng cách ngăn chặn phản ứng dị ứng

- Ức chế miễn dịch đẫn đến giảm khả năng đề kháng nên dễ gây nhiễmkhuẩn,virus, nấm

Với những tác dụng như vậy Glucocorticoid được chỉ định điều trị trong nhiều bệnh lý như:

- Điều trị thay thế hormone tuyến thượng thận khi cơ thể không tự sản xuất đủ các hormone này (suy thượng thận)

- Các bệnh tự miễn (viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn, lupus ban đỏ, hội chứng thận hư....)

- Hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

- Gout

- Dự phòng thải ghép: Corticoid có thể được sử dụng cùng các thuốc khác để dự phòng hệ miễn dịch tấn công các cơ quan vừa được ghép (gan, thận,...).

- Các phản ứng dị ứng nặng như: sốc phản vệ, hen suyễn, mề đay, viêm mũi dị ứng, viêm da dị ứng dùng trong thời gian ngắn để làm giảm các phản ứng dị ứng nặng.

- Một số bệnh lý ngoài da: Eczema, vảy nến, phát ban, kích ứng nhẹ do côn trùng đốt,...

Một số loại thuốc có trên thị trường:

Các loại Corticoid thường dùng trên thị trường có thành phần là: Hydrocortisone, prednisolone, prednisone, methylprednisolone, triamcinolone, fluticasone, beclomethasone, betamethasone, dexamethasone, clobetasone, budesonide,... và được sản xuất dưới nhiều dạng dùng khác nhau

Đường dùng:

- Đường toàn thân: viên uống, tiêm/truyền tĩnh mạch, tiêm bắp

- Dạng hít qua miệng

- Dạng xịt mũi

- Dạng dung dịch dùng với máy khí dung

- Dạng kem, gel, thuốc mỡ, dung dịch .... dùng tại chỗ (bôi ngoài da, nhỏ mắt, mũi, tai....).

Hậu quả của viêc lạm dụng corticoid

Corticoid là nhóm thuốc được chỉ định trong nhiều bệnh lý khác nhau do có tác dụng chống viêm, chống dị ứng, ức chế miễn dịch. Vì thuốc thường làm giảm nhanh các triệu chứng nên tình trạng lạm dụng Corticoid có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây gây ra rất nhiều tác dụng phụ rất đáng báo động. Đặc biệt corticoid còn được pha trộn trong các thuốc dưới danh nghĩa là thuốc y học cổ truyền hay “thuốc gia truyền” không rõ nguồn gốc được truyền miệng hay giới thiệu dưới dạng thuốc tễ, thuốc bột, kem trộn,… đánh lừa người tiêu dùng làm “tiền mất tật mang”.

Bên cạnh những lợi ích rõ ràng trong điều trị, Glucocorticoid còn có nhiều tác dụng phụ khá nghiêm trọng như chậm phát triển ở trẻ em, gây loãng xương, rối loạn điện giải, nhiễm kiềm, hạ kali huyết, tăng giữ natri gây phù, tăng huyết áp, suy vỏ thượng thận, hội chứng Cushing do thuốc, loét dạ dày tá tràng, dễ bùng phát nhiễm trùng, nhiễm lao, loạn thần, các tai biến khi sử dụng tại chỗ (bôi trên da có thể gây teo da, mỏng da, rạn da, da ửng đỏ, mất sắc tố da từng phần, chậm liền sẹo.

Glucocorticoid có thể xem là ví dụ điển hình về con dao hai lưỡi. Các tác dụng phụ của Glucocorticoid thường do dùng liều cao hoặc dùng kéo dài (> 2 tuần); do ngừng điều trị đột ngột mà không giảm liều. Các Glucocorticoid dùng tại chỗ vẫn có thể cho tác dụng toàn thân do thấm qua da vào máu. Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả và tác dụng phụ của Glucocorticoid bao gồm: hiệu lực của thuốc, đặc tính dược động, liều dùng, thời điểm dùng thuốc, thời gian dùng thuốc và chuyển hóa steroid trên từng cá thể. Khi sử dụng Glucocorticoid cũng cần phải chú ý đến nhịp sinh học.

Tóm lại, người bệnh không tự ý dùng thuốc khi chưa có sự thăm khám, hướng dẫn, chỉ định cũng như cần có sự theo dõi của bác sĩ để tránh những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân.

Hiện tại hệ thống các phòng khám của Bệnh viện Nhân dân Gia Định như: phòng khám 105, phòng khám số 15 và 16 khu khám dịch vụ khu E, phòng khám tại khoa Nội tiết - Thận có các bác sĩ chuyên khoa & nhiều kinh nghiệm có thể tư vấn, thăm khám, theo dõi và điều trị các bệnh lý cần chỉ định của các thuốc cortiocid như: Lupus thận, hội chứng thận hư, viêm giáp, suy thượng thận,… Sẳn sàng tiếp đón các quý bệnh nhân cần được sự tư vấn & điều trị.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X