Hotline 24/7
08983-08983

Lá ngón có độc tính thế nào, giải độc ra sao?

Lá ngón có một số dược tính nhưng không còn được dùng làm thuốc trong thời đại ngày nay. Triệu chứng ngộ độc lá ngón là khát nước, sốt, đau, rát họng, đau bụng, nôn mửa… cần phải giải độc kịp thời.

I. Tổng quan về cây lá ngón

Tên thường gọi: Lá ngón

Tên gọi khác: Co ngón (Thái), khau nguộn (Tày), đoạn trường thảo, thuốc rút ruột.

Tên khoa học: Gelsemium elegans Benth.

Phân họ: Họ Mã tiền (Loganiaceae).

1. Nhận biết cây lá ngón

Cây bụi leo. Thân nhỏ có nhiều cành mảnh, gỗ màu vàng. Lá mọc đối. Phiến lá mềm, hình trứng dài 7 - 12cm, rộng 2,5 - 5,5cm. Đầu lá nhọn, gốc lá tròn. Thân và lá đều nhẵn. Cụm hoa là một xim ở nách lá hay đầu cành. Cánh hoa màu vàng dài 1 - 1,5cm và phần dưới hợp thành ống. Quả nang, dài 1cm, rộng 0,5cm. Hạt có cánh mỏng.

Mùa hoa: tháng 10 - 12, mùa quả: tháng 1 - 3.

[HOI] Tránh nhầm lá ngón với cây chè vằng

Cây lá ngón chỉ được dùng với mục đích đầu độc, không dùng làm thuốc. Tránh nhầm lẫn với cây vằng, còn gọi là cây chè vằng (Jasminum subtriplinerve Bl., họ Nhài), có hoa trắng, lá nhỏ hơn, và dày hơn, quả mọng, hạt không có cánh. Theo kinh nghiệm, một số nơi dùng lá chè vằng để nấu nước uống chữa kiết lỵ và dùng cho phụ nữ sau sanh.

alobacsi Tránh nhầm lá ngón với cây chè vằng[/HOI]

2. Thành phần dược chất của lá ngón

Theo tài liệu nước ngoài, toàn cây lá ngón chứa các alcaloid: gelsemin, sempervirin, koumicin, koumidin, gelsemicin, koumin, kouminicin, kouminidin, koumidiin, gelsedin, gelsevirin, gelsemidin, L - methoxygelsemin, 21 - oxogelsemin, 14 - hydroxygelsemicin.

Lá chứa 16 - epivocarpin, 19 - oxo gelsenicin, 19(Z) - akuamidin, gelsemin, gelsemin - N - oxyd, koumin - N - oxyd, koumin.

Hạt chứa 14 - hydroxygelsedin.

Các thành phần khác là coumarrin (scopoletin), tinh dầu 0,5%, các acid béo (acid palmitic, acid stearic, acid oleic, acid linoleic).

Cây lá ngón ở Việt Nam chứa:

  • Koumin ở lá, vỏ thân, rễ, quả, hạt.
  • Gelsemin ở lá.
  • Sempervirin ở tất cả các bộ phận của cây.

II. Công dụng của lá ngón

Theo lý luận trung y Trung Quốc, cây lá ngón có vị đắng, tính ôn, có tác dụng khu phong, công độc, tiêu thũng, chỉ thống. Tuy nhiên, các tác dụng này không còn được ứng dụng trong thời đại ngày nay, vì hoàn toàn dễ dàng tìm được các loại thuốc có tác dụng tương tự nhưng không độc hại.

III. Bộ phận gây độc - tính chất dược lý và triệu chứng ngộ độc lá ngón

1. Độc tính của lá ngón

Cây lá ngón rất độc. Trong dân gian, người ta cho rằng chỉ cần ăn 3 lá kèm theo một chén rượu là đủ làm chết một người sau vài giờ. Các chất độc chủ yếu gồm gelsemin, koumin, kouminidin, kouminicin. Độc nhất là rễ rồi đến lá và hoa, thân và quả; thân già độc hơn thân non.

Triệu chứng ngộ độc lá ngón là khát nước, sốt, đau, rát họng, đau bụng, nôn mửa, tiếp theo là hoa mắt, răng cắn chặt, sùi bọt mép, thân nhiệt hạ, huyết áp hạ, cuối cùng chết do ngừng hô hấp.

Thí nghiệm trên súc vật đã xác định cơ chế tác dụng của alcaloid lá ngón là tác động vào hệ thống men hô hấp gây nên rối loạn trong thế bào, dẫn tới tình trạng thiếu oxy nghiêm trọng, gây co giật và liệt cơ. Các thuốc ngăn cản sự ức chế men và bảo vệ men như chất ATP có thể dùng để ngăn ngừa và điều trị ngộ độc lá ngón.

  • Đối với hệ tim mạch: Alcaloid toàn phần của cây lá ngón đối với tim ếch cô lập và tại chỗ có tác dụng ức chế sức co bóp cơ tim, đồng thời làm giảm nhịp tim và tốc độ dẫn truyền các xung. Chất gelsemin có tác dụng ức chế bộ phận cảm nhận M.cholin, nên có khả năng ức chế phản xạ hạ huyết áp do kích thích dây thần kinh phế vị hoặc do tiêm acetylcholin gây nên.
  • Đối với hệ thống máu: Alcaloid toàn phần làm tăng số lượng hồng cầu, protein và globulin trong huyết thanh.
  • Các tác dụng khác: chất gelsemin trên chuột nhắt trắng có tác dụng giảm đau, nhưng liều điều trị và liều gây độc rất gần nhau, nên rất khó sử dụng trong điều trị, mặc dầu đã có tài liệu đề cập đến việc sử dụng gelsemin chữa đau dây thần kinh. Cây lá ngón và gelsemin còn có tác dụng làm giãn đồng tử.

2. Triệu chứng ngộ độc lá ngón

Nạn nhân thấy khát nước, sốt, đau rát họng, đau bụng, nôn mửa, tiếp theo là hoa mắt, răng cắn chặt, sủi bọt mép, hạ thân nhiệt, hạ huyết áp, hô hấp chậm rồi chết.

3. Giải độc lá ngón và điều trị ngộ độc

Nếu phát hiện sớm, phải cấp tốc giải độc ra ngoài cơ thể bằng cách làm cho nạn nhân nôn mửa, tiến hành rửa dạ dày, tiêm truyền huyết thanh mặn ngọt, giữ ấm cơ thể và điều trị triệu chứng như huyết áp hạ (tiêm ephedrin), khó thở (tiêm niketamid), đồng thời cho thở oxy hoặc làm hô hấp nhân tạo.

Theo kinh nghiệm xa xưa, cho uống thật nhiều nước sắc cam thảo. Đau bụng thì dùng thuốc giảm đau.

IV. Cách dùng - liều dùng lá ngón

Ở Việt Nam, cây lá ngón không được dùng làm thuốc mà chỉ dùng như một chất độc đầu độc hoặc dùng nhầm bị ngộ độc.

Đối với phụ nữ mang thai và cho con bú:

Không dùng lá ngón cho phụ nữ mang thai/ cho con bú dưới mọi hình thức.

Đối với trẻ nhũ nhi:

Không dùng lá ngón cho trẻ em dưới mọi hình thức.

V. Phân bố và đặc tính sinh trưởng của cây lá ngón

Cây mọc hoang khá phổ biến ở vùng rừng núi nước ta, thường ở ven rừng hoặc bãi hoang từ Bắc đến Nam. Ngoài ra, còn thấy ở Lào (Xiêng Khoảng, Savannakhet, Saravan) và Campuchia (Xiêm Riệp, Công Pông Chàm). Ở Việt Nam, lá ngón phân bố rải rác ở nhiều tỉnh miền núi như Cao Bằng, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Lâm Đồng (Bảo Lộc), Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Kon Tum và Hà Giang…

Lá ngón là cây thường xanh, ưa ẩm, ưa sáng hoặc có thể hơi chịu bóng, thường mọc trùm lên các loại cây bụi hay các loại tế guột ở rừng thứ sinh, ven bờ suối hay đồi cây bụi ở độ cao từ 300m (Sơn Lĩnh - Hương Sơn, Hà Tĩnh) đến khoảng 1500m (huyện Đồng Văn, Hà Giang). Cây ra hoa quả nhiều vào cuối thu - đầu đông. Khi chín quả tự mở để hạt thoát ra ngoài. Xung quanh gốc cây mọc thường thấy nhiều cây con mọc từ hạt. Sau khi bị chặt phá, phần còn lại có khả năng tái sinh cây chồi khỏe.

BS Đoàn Quang Nguyên

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X