Lá khat, lá “thiên đường” hay lá “địa ngục”?
Các loại ma túy mới liên tục thâm nhập lén lút vào Việt Nam, trong đó có lá khat (tiếng Ả Rập có nghĩa là “thiên đường”). Vậy lá khat là gì và tác hại của nó như thế nào?
“Xưa rồi… Diễm!”
Cuối năm 2018, dư luận cả nước rúng động với vụ ngộ độc ma túy làm 7 thanh niên tử vong trong lễ hội âm nhạc tại công viên nước Hồ Tây, Hà Nội. Hàng loạt các chất ma túy độc hại được phát hiện trong cơ thể các nạn nhân này.
Thời kỳ sử dụng các chất kích thích bằng cách tiêm, hút dường như đã đi vào dĩ vãng. Hiện tại, các “tay chơi” ưa chuộng hình thức uống thuốc viên, hoặc thậm chí nhai tươi các loại thực vật có chứa chất kích thích cho hợp trào lưu “về với thiên nhiên”…
Gần đây, các loại ma túy mới liên tục thâm nhập lén lút vào Việt Nam, từ các loại nấm “ma thuật” gây ảo giác đến các loại lá cây, điển hình là lá khat, lá “thiên đường”, được giới trẻ ưa thích và săn lùng sử dụng.
Lá khat gây kích thích ra sao?
Cây khat (Catha edulis) được trồng phổ biến ở cộng hòa Yemen và hầu hết các quốc gia Đông Phi. Khat là một loại cây bụi nhỏ, giống cây trà, lá có mùi thơm, vị hơi ngọt. Cây phát triển tốt ngay cả trong môi trường khô hạn, thu hoạch suốt cả năm.
Vườn cây khat
Khat chứa hơn 40 hoạt chất alkaloid, terpenoid, flavonoid, sterol, glycoside, tannin, axit amin, vitamin và khoáng chất. Các alkaloid chính trong lá khat bao gồm cathinone, cathine và norephedrine. Các hợp chất này đều có cấu trúc liên quan đến amphetamine và noradrenaline. Cathinone gây kích thích hệ thần kinh trung ương, giống như ma túy tổng hợp amphetamine, nhưng thời gian có tác dụng nhanh hơn, khoảng 15 phút sau khi nhai so với 30 phút nếu dùng amphetamine.
Lá khat, lá “thiên đường”?
“Khat”, tiếng Ả Rập có nghĩa là “thiên đường”. Các giáo phái đế chế Ai Cập cổ đại coi lá khat là một chất linh thiêng, có khả năng kết nối người dùng với các thánh thần. Tại một số nước Ả Rập, châu Phi, lá khat được bày bán tự do. Ước tính mỗi ngày, chợ Adaway ở Ethiopia tiêu thụ hơn 25.000 kg lá khat tươi. Cây khat mang lại giá trị kinh tế lớn, giá lá dao động từ 0,5 - 20 USD một bó tùy vào độ tươi mới.
Chợ buôn bán lá khat
Chồi và lá non được sử dụng bằng cách nhai tươi. Lá khat là một chất kích thích giúp cải thiện hiệu suất, tăng sự tỉnh táo và khả năng làm việc. Công nhân làm ca đêm sử dụng nó để giảm mệt mỏi, buồn ngủ. Học sinh nhai khat nhằm tăng khả năng nhớ trước các kỳ thi.
Hay là lá “địa ngục”?
Hoạt chất trong lá khat tác động chủ yếu đến hệ tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, hô hấp, nội tiết, sinh dục. Hoạt chất này làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim, gây mất ngủ, chán ăn, táo bón, đau nửa đầu và suy giảm khả năng tình dục ở nam giới. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương, gây rối loạn tâm thần tương tự như amphetamine. Biến chứng loạn nhịp tim, tăng thân nhiệt, xuất huyết não có thể làm nạn nhân tử vong.
Từ cathinone có trong lá khat, có thể tổng hợp ra nhiều loại ma túy khác nhau, nổi tiếng nhất là kết hợp giữa cathinone và methamphetamine tạo thành “Flakka” - “muối tắm”.
Tinh thể Flakka - “muối tắm”
“Muối tắm” (meo meo, M-Cat, sóng trăng…) dạng tinh thể như muối ăn, màu trắng hay hồng nhạt, nặng mùi. Flakka khiến người dùng bay bổng, cực kỳ kích thích, nhiều ảo giác, có cảm giác sức mạnh phi thường và rất hung hăng nhưng cũng khiến họ lên cơn co giật, thân nhiệt cao (> 40 độ C), tim đập nhanh, hoang tưởng và tử vong. Độ độc hại của Flakka cao gấp 500 lần so với cocaine. Flakka gây tiêu cơ vân và xương nhanh chóng, dẫn đến tắc nghẽn các ống thận gây tổn thương thận cấp.
“Không thử, dù chỉ một lần!”
Cho đến nay, vẫn chưa có một biện pháp cụ thể, đặc hiệu nào để điều trị ngộ độc chất cathinone có trong lá khat. Việc chữa trị phần lớn là điều trị triệu chứng, hỗ trợ chức năng hô hấp, tuần hoàn và thần kinh.
Mỹ và châu Âu liệt lá khat vào danh mục ma túy cực kỳ nguy hiểm, cấm sử dụng. Tại châu Á, lá khat được sử dụng hợp pháp ở Thái Lan, tuy nhiên, bị cấm sử dụng ở hầu hết quốc gia còn lại như Malaysia, Trung Quốc, Philippines, Indonesia.
Theo nghị định 82/2013/NĐ - CP ngày 19/7/2013, cathinone nằm ở mục I gồm các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội tại Việt Nam.
ThS.BS Khâu Minh Tuấn
Phụ trách khoa Cấp Cứu Tổng Hợp, Bệnh viện Nhân dân 115
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình