Hotline 24/7
08983-08983

Kiêng khem cực đoan để giảm cân ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ

Từ suy nghĩ con bị thừa cân, béo phì do dư thừa chất, nhiều phụ huynh chọn cách giảm khẩu phần sữa hàng ngày của trẻ. ThS.BS.CK2 Dương Công Minh - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố cho biết, điều này có thể khiến trẻ nhỏ đối mặt nguy cơ thiếu chất tiềm ẩn, ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện của trẻ.

1. Tỷ lệ béo phì tăng gần gấp 2 lần trong vòng 10 năm

Xin hỏi BS, nguyên nhân nào khiến tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em nước ta ngày càng gia tăng? Lối sống hiện đại tác động ra sao đến nguy cơ béo phì ở trẻ?

ThS.BS.CK2 Dương Công Minh trả lời: 30 năm trước, tại Việt Nam, béo phì được xem là bệnh lý của con nhà giàu. Hiện nay, theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, béo phì “không chừa một ai”, từ thành phố đến cả nông thôn và miền núi đều có béo phì.

Nguyên nhân dẫn đến béo phì là cán cân dinh dưỡng không hợp lý. Các con ăn nhiều hơn quy định chuẩn bình thường trong khi vận động quá ít, chỉ ngồi một chỗ. Phần năng lượng nạp vào ngày càng tăng, phần tiêu hao lại ít khiến các con bị thừa năng lượng kéo dài, tích lũy thành mỡ và dẫn tới vấn đề béo phì.

Từ năm 2010 đến năm 2020, tỷ lệ béo phì tăng gần gấp 2 lần, từ 8,8% lên 19%. Tình trạng béo phì đang ngày càng gia tăng vì các nguyên nhân sau:

- Thực phẩm thừa năng lượng như nước ngọt có ga, thức ăn nhanh, trà sữa

- Vận động kém, không gian dành vui chơi, hoạt động dành cho trẻ nhỏ rất ít.

Tóm lại, mất cân bằng cán cân dinh dưỡng (năng lượng đầu vào nhiều - năng lương tiêu hao ít) dẫn đến tình trạng béo phì gia tăng.

2. Phân biệt thừa cân và béo phì

Nhờ BS giải thích, hai khái niệm “thừa cân” và “béo phì” có gì khác nhau? Trẻ như thế nào là thừa cân và như thế nào là béo phì?

ThS.BS.CK2 Dương Công Minh trả lời: “Thừa cân” và “béo phì” là hai khái niệm khác nhau. Lấy ví dụ, theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ở độ tuổi này con sẽ nặng khoảng 12kg. Vì trẻ ăn nhiều hơn và vận động ít hơn bình thường, thay vì 12kg, trẻ đạt đến 14kg. Với độ tuổi và chiều cao của trẻ, mức 14kg được gọi là thừa cân.

Thừa cân trong tiếng anh gọi là overweight, có nghĩa là tình trạng cân nặng so với độ tuổi, giới tính, chiều cao của trẻ đã vượt quá mức cho phép nhưng chưa tạo thành bệnh lý.

Từ mức 14kg gọi là thừa cân, trẻ tăng vọt lên 18kg, có nguy cơ hoặc có bằng chứng gây tổn hại đến sức khỏe, lúc này trẻ xem là bị béo phì.

Thừa cân là bước đầu, nếu không được kiểm soát sẽ tăng lên thành béo phì. Theo định nghĩa của WHO, béo phì là sự tích lũy mỡ mang tính cục bộ hoặc toàn thể và ảnh hưởng đến sức khỏe của đối tượng.

ThS.BS.CK2 Dương Công Minh - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố

3. Kiêng khem cực đoan ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ

Theo BS, xây dựng chế độ ăn cho các bạn nhỏ bị thừa cân, béo phì như thế nào là phù hợp và khoa học?

ThS.BS.CK2 Dương Công Minh trả lời: Thừa cân, béo phì cần được chẩn đoán chính xác từ chuyên gia, bác sĩ chuyên khoa nhi, dinh dưỡng. Tự ý đánh giá trẻ béo phì và kiêng khem nhiều thứ, cắt giảm chế độ ăn một cách cực đoan khiến trẻ bị hạ đường huyết, thiếu dưỡng chất và bị giảm sức đề kháng gây bệnh.

Nếu nghi ngờ con em trong gia đình bị thừa cân, béo phì, nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa nhi, dinh dưỡng để có được chẩn đoán chính xác. Tại bệnh viên chúng tôi, dựa vào những tiêu chuẩn về độ tuổi, chiều cao để xác định cân nặng chuẩn của trẻ, tính toán lượng calo phù hợp mà trẻ cần nạp trong một ngày.

Sau khi đã xác định được những yếu tố nêu trên, chúng tôi sẽ đưa ra thực đơn cho trẻ, có cụ thể nguyên liệu, định lượng để đảm bảo đủ năng lượng quy định.

Trong trường hợp tự ý kiêng khem, cắt giảm chế độ ăn, ví dụ bình thường trẻ ăn 4 chén mà đột ngột giảm xuống còn 1, 2 chén thì trẻ sẽ không chịu nổi. Ở độ tuổi của trẻ, cấm đoán tối đa các thức ăn nhanh đều không thành công, trẻ sẽ thèm thuồng và lén ăn nhiều hơn.

Việc ăn kiêng của trẻ không nên mang tính cực đoan mà nên nhờ đến chuyên gia để được kiểm soát về mặt năng lượng, định lương hẳn hoi để các con không bị thiếu vi chất. Nguyên tắc điều trị béo phì đối với bệnh nhi là không giảm cân nhanh, chỉ trường hợp trẻ nằm trong nhóm béo phì nặng mới bắt buộc phải giảm cân. Trẻ thừa cân sẽ không giảm cân mà kiểm soát năng lượng để không tăng cân thêm.

Cắt giảm, kiêng khem cực đoan sẽ làm trẻ không phát triển được bình thường, thiếu chiều cao, thiếu cân nặng, thiếu vi chất và dễ bị bệnh.

4. Không cắt bỏ mà chỉ điều chỉnh liều lượng sữa phù hợp với trẻ

Cắt bỏ hoàn toàn sữa ra khỏi thực đơn sẽ khiến trẻ đối diện với những vấn đề sức khỏe gì, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Dương Công Minh trả lời: Đối với nhóm trẻ thừa cân, béo phì từ 5 tuổi trở lên nhưng từ trước đến nay không uống sữa thì không cần đưa thêm sữa vào chế độ ăn của trẻ. Với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, vai trò của sữa rất quan trọng.

Nhóm trẻ thừa cân, béo phì vẫn uống sữa lâu nay thì chúng tôi không khuyến cáo bỏ sữa. Công thức dinh dưỡng trong sữa rất cân đối và đầy đủ, dễ hấp thu. Chúng ta vẫn duy trì việc cho trẻ uống sữa theo liều lượng được chuyên gia nhi - dinh dưỡng hưỡng dẫn.

Nên cho trẻ dùng sữa không đường, sữa giảm béo, sữa tách béo. Các chuyên gia sẽ không bỏ hẳn sữa khỏi thực đơn mà tính toán lại liều lượng sao cho phù hợp với tình trạng của trẻ.

Để có thể giảm cân, không nên chỉ tập trung vào vấn đề có uống sữa hay không. Cần phải cho trẻ vận động như bơi lội, chạy bộ, bóng rổ, bóng chuyền,... Tất cả hoạt động nên hướng ra ngoài trời để trẻ không bị nhàm chán.

Nên cắt giảm những loại thực phẩm năng lượng rộng như nước ngọt có ga, trà sữa, khẩu phần ăn nhiều tinh bột.

Tóm lại, không cắt bỏ sữa hoàn toàn mà chỉ điều chỉnh lại liều lượng theo hướng dẫn của chuyên gia, không dùng sữa có đường mà thay bằng sữa không đường, tách béo. Trẻ nhỏ dưới 36 tháng, việc tự ý cắt bỏ sữa sẽ dẫn đến trẻ bị thiếu vi chất, phát triển lệch lạc.

5. Trẻ làm việc nhà cũng là vận động tiêu hao năng lượng

Thời gian học quá nhiều khiến trẻ không còn nhiều thời gian vui chơi, vận động có phải là một yếu tố khiến trẻ bị thừa cân, béo phì không, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Dương Công Minh trả lời: Đó là điều chắc chắn. Năng lượng tiêu hao nhờ vào vận động. Vận động ít khiến cán cân dinh dưỡng ngày càng mất cân bằng dẫn đến thừa cân, béo phì.

Với kinh nghiệm của một người làm trong ngành dinh dưỡng lâu năm và đã điều trị nhiều trường hợp thừa cân, béo phì, tôi thấy được vận động là rất quan trọng nhưng cũng cực kỳ khó thực hiện.

Phụ huynh nên sắp xếp thời gian để trẻ có thể vận động khoảng 30 phút mỗi ngày

Thời gian học chiếm quá nhiều nhưng cũng không thể bỏ qua việc vận động. Phụ huynh có thể thu xếp thời gian cùng con đi bộ, chạy bộ 30 phút mỗi ngày. Trong tuần nên có ít nhất 2 buổi đưa trẻ đi bơi hoặc đá bóng, cầu lông,...

Bộ môn đơn giản có thể tập ngay tại nhà là nhảy dây. Các con không cần nhảy với cường dộ mạnh như vận động viên nhưng sự vận động liên tục sẽ giúp ích cho hệ tuần hoàn và hệ tim mạch của trẻ phát triển tốt.

Trẻ có thể tăng cường đi bộ mọi lúc mọi nơi có thể. Các hoạt động làm việc nhà như lau nhà, lau cửa, làm vườn,... cũng được tính là vận động, là lối sống tích cực có thể tăng tiêu hao năng lượng cho trẻ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X