Hotline 24/7
08983-08983

Khoảng cách giữa vắc xin COVID-19 và các vắc xin khác là bao lâu?

Dị ứng mức nào thì cần trì hoãn tiêm ngừa COVID-19? Khoảng cách giữa vắc xin COVID-19 và các vắc xin khác là bao lâu? Những thắc mắc này đã được TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú - Trung tâm Y Sinh học Phân tử, Trường Đại học Y Dược TPHCM giải đáp trong bài viết sau đây.

1. Uống kháng sinh phải hoãn tiêm ngừa COVID-19?

Thưa BS, em nghe nói đang uống thuốc kháng sinh thì phải hoãn chích ngừa COVID-19, đợi điều trị bệnh xong mới chích, nhưng cũng có BS nói là uống kháng sinh vẫn chích ngừa được luôn, không cần đợi, đi chích ngừa về vẫn uống tiếp tục cho xong liệu trình. Mong chương trình cho em biết ý kiến nào là chính xác? (Minh Mẫn)

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Người ta thấy rằng, vắc xin ngừa COVID-19 và thuốc kháng sinh không có sự tương tác và phản ứng nào cả. Trong tiêu chuẩn Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của Bộ Y tế, đối với người đang bệnh lý cấp tính sẽ trì hoãn tiêm chủng. Việc cấp tính như thế nào còn tùy từng trường hợp cụ thể BS mới tư vấn được. Tuy nhiên, trường hợp chúng ta tiếp tục uống kháng sinh sau khi tiêm ngừa vắc xin không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú - Trung tâm Y Sinh học Phân tử, Trường Đại học Y Dược TPHCM

2. Nổi nhọt mủ, có cần trì hoãn tiêm ngừa COVID-19?

BS ơi, em đang có cái nhọt lên mủ. Em nghe nói cơ thể đang có bệnh nhiễm trùng thì phải hoãn chích ngừa, điều này có đúng không ạ? (Quốc Bảo)

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Theo quy định của Bộ Y tế, nếu đang mắc bệnh cấp tính sẽ trì hoãn tiêm chủng. Nhưng việc đánh giá bệnh có phải cấp tính hay không còn tùy thuộc vào tình trạng của bạn. Sau khi tiêm ngừa sẽ có những phản ứng phụ và nếu bạn có những bệnh cấp tính thì việc này sẽ không tốt cho người bệnh.

3. Dị ứng tôm cua nặng, cuống họng sưng không thở được, có được tiêm ngừa COVID-19?

Thưa BS tôi năm nay 54 tuổi, tôi bị dị ứng tôm cua rất nặng, ăn vào cuống họng sưng lên không thở được, nổi mề đay ngứa ngáy khắp cả người. Xin hỏi BS tôi có tiêm ngừa COVID-19 được không? Rất cảm ơn BS, chúc BS có thật nhiều sức khỏe để cung cấp những kiến thức hữu ích cho chúng tôi vượt qua đại nạn COVID-19! (Trang Trinh)

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Cảm ơn chị Trang Trinh và cũng chúc chị vượt qua đại dịch COVID-19 an toàn. Với những triệu chứng chị mô tả thì tình trạng phản vệ có thể từ độ 2, độ 3 trở lên. Trong trường hợp này, chị nên đi khám và được tiêm ngừa tại cơ sở y tế có đủ khả năng điều trị cấp cứu cho người bệnh dị ứng.

Nguy cơ bị phản ứng dị ứng sau khi tiêm vắc xin chủ yếu do người bệnh bị dị ứng với một trong những thành phần của vắc xin ngừa COVID-19, có thể là các chất bảo quản, cũng có thể là các chất phụ gia kèm theo.

Tuy nhiên, những chất phụ gia kèm theo đó thông thường rất ít phản ứng với thức ăn và tỷ lệ dị ứng với thành phần vắc xin cũng rất hiếm. Do đó, ở người có triệu chứng phản vệ độ 2 với một loại thuốc nào đó vẫn có thể tiêm vắc xin COVID-19, tuy nhiên cần đến các cơ sở y tế có đủ khả năng điều trị cấp cứu cho người bệnh dị ứng, phản vệ như đã nói ở trên.

Ngoài ra, việc dị ứng với vắc xin cũng không liên quan đến tiền căn dị ứng trước đây với thức ăn. Vì vậy, nếu chị dị ứng với thức ăn thì cũng không làm tăng nguy cơ dị ứng với thành phần của vắc xin.

>>> Những điều cần biết về dị ứng trước - trong - sau khi tiêm vắc xin COVID-19

4. Phản vệ độ 2 với kháng sinh Penicillin, lưu ý gì khi tiêm ngừa COVID-19?

Tôi có tiền sử sốc phản vệ độ 2 với kháng sinh Penicillin, bác sĩ khám sàng lọc ở xã từ chối tiêm và nói tôi thuộc diện chống chỉ định tiêm ngừa COVID-19 nên cũng sẽ không tiêm ở bệnh viện được luôn. Nhưng tôi vẫn hi vọng được tiêm ngừa COVID-19 thì BS ở xã giới thiệu là tìm đến BS chuyên về miễn dịch để tư vấn tiếp. Nhưng tôi không thấy ở tỉnh tôi bệnh viện nào có khoa Miễn dịch. Vậy xin hỏi chương trình, các BS chuyên miễn dịch công tác ở đâu vậy ạ? (Thạch Thảo)

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Trong văn bản mới nhất của Bộ Y tế về khám sàng lọc, chống chỉ định tiêm ngừa vắc xin COVID-19 là những trường hợp:

- Dị ứng với thành phần của vắc xin ngừa COVID-19

- Trong lần tiêm mũi 1 có dị ứng phản ứng nặng.

Đối với những trường hợp khác (kể cả phản vệ độ 3 trở lên, có nghĩa là sốc phản vệ) không phải là chống chỉ định của tiêm vắc xin COVID-19. Chỉ cần lưu ý, những người bị sốc phản vệ, phản vệ độ 3 trở lên thì nên tiêm ngừa ở cơ sở y tế có điều kiện cấp cứu cho người bệnh. Vì vậy, trường hợp của bạn chưa phải là chống chỉ định với vắc xin ngừa COVID-19.

Hiện nay tại TPHCM có một số cơ sở y tế có đơn vị khám Dị ứng miễn dịch như Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Nếu có điều kiện thì bạn có thể đến bệnh viện để được khám và hướng dẫn.

5. Tiền sử phản ứng với vắc xin dại, có làm gia tăng nguy cơ dị ứng vắc xin COVID-19?

Dạ em xin chào BS, 2 năm trước em bị chó cắn và đi tiêm vắc xin dại, sau 10 giờ thì bị sốt phải nhập viện mê man, gần 10 giờ mới tỉnh. Vậy em có tiêm vắc xin ngừa COVID-19 được không ạ? Và tiêm loại vắc xin gì? Xin cám ơn BS ạ! (Anh Tuan Chu)

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Như mô tả, bạn có phản ứng sau khi tiêm vắc xin ngừa dại. Đây là vấn đề khó nói, bởi chúng ta chưa biết phản ứng này gây ra bởi thành phần nào của vắc xin hay phản ứng phụ nói chung sau khi tiêm vắc xin.

Hiện nay chúng ta đang cân nhắc giữa phản ứng sau khi tiêm ngừa và nguy cơ mắc COVID-19. Rõ ràng khi đặt lên bàn cân thì chúng ta chưa biết có dị ứng thực sự với vắc xin COVID-19 hay không nhưng nguy cơ bệnh COVID-19 thì có thật.

Do đó, trong trường hợp của bạn, theo BS thì vẫn nên đăng ký tiêm vắc xin COVID-19, vì tỷ lệ dị ứng với vắc xin rất hiếm. Khi đi tiêm ngừa nên trao đổi rõ với bác sĩ khám sàng lọc để chủ động được tiêm ở những đơn vị có khả năng cấp cứu cho các bệnh nhân tiền căn dị ứng nặng hoặc phản ứng từ độ 3 trở lên. Như vậy sẽ an toàn hơn cho bạn.

6. Vắc xin cúm cần tiêm cách vắc xin COVID-19 bao lâu?

Chào bác sĩ, hàng năm tôi có tiêm vắc xin cảm cúm, đến nay tôi đã chích đủ 2 liều vắc xin COVID-19, giờ có cần phải tiêm vắc xin cảm cúm như mọi năm trước không? Và năm nay nếu chích cúm thì cách mũi COVID-19 bao lâu? Xin cảm ơn BS! (Cường Tk)

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Bạn vẫn có thể tiêm ngừa cúm hằng năm như bình thường, điều này không ảnh hưởng gì đến vắc xin COVID-19. Về thời gian giữa 2 loại vắc xin, hiện nay vẫn chưa có khuyến cáo thống nhất.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (Hoa Kỳ) cho rằng, chúng ta không cần giữ khoảng cách giữa vắc xin COVID-19 và các vắc xin khác. Ngược lại, một số quốc gia ở châu Âu khuyến cáo, các loại vắc xin khác cần tiêm cách 2 tuần với vắc xin ngừa COVID-19, nhưng nếu người tiêm sớm hơn thời điểm này thì cũng không sao.

Trường hợp của bạn có thể đăng ký tiêm ngừa cúm như bình thường. Nhưng cần lưu ý, trong khoảng 1-2 tuần sau khi tiêm ngừa vắc xin COVID-19 có khả năng gặp những phản ứng phụ khiến mình cảm thấy mệt mỏi. Vì vậy, tốt nhất bạn có thể chờ đến khi cơ thể khỏe hơn rồi thì mới chích ngừa, như vậy cũng đảm bảo an toàn cũng như giảm thiểu các tác dụng phụ sau tiêm, cũng khiến mình khỏe khoắn hơn.

7. Người bệnh gout bị đau đầu gối sau tiêm ngừa COVID-19, uống thuốc gì?

Tôi bị bệnh gout nhưng thỉnh thoảng mới đau, không ngờ là đi chích ngừa COVID-19 lại bị đau đầu gối dữ quá. Đang dịch tôi không dám đi BV thì có thể mua thuốc theo toa cũ được không BS ơi? (Bạn đọc hỏi hotline 08983 08983)

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Sau khi tiêm ngừa sẽ có tình trạng đau khớp phản ứng. Vì vậy, với tình trạng đau đầu gối của bạn chúng ta cũng chưa phân định rõ ràng được đó là do vắc xin hay do bệnh gout. Bác sĩ cần phải trò chuyện, khai thác bệnh trực tiếp với bạn thì mới có thể phân biệt được.

Hiện tại, bạn có thể dùng thuốc giảm đau thông thường để cắt cơn đau này trước. Về gout, đây là bệnh lý thuộc chuyên khoa cơ xương khớp, cần điều trị lâu dài với thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, bạn không nên tự ý mua thuốc sử dụng ngay mà tốt nhất liên hệ đến bác sĩ hoặc bệnh viện đang theo khám.

Hầu hết các cơ sở y tế đều có bộ phận Chăm sóc khách hàng, thông qua đó bạn có thể được hướng đẫn làm cách nào để được bác sĩ tư vấn từ xa hoặc cách đăng ký khám trực tiếp an toàn nhất. Như thế, bạn sẽ gặp được bác sĩ chuyên khoa, điều chỉnh toa thuốc cho hợp lý hơn với tình trạng bệnh của mình.

Việc tự ý mua thêm toa thuốc thì BS không khuyến cáo, vì mỗi người bệnh sẽ có triệu chứng riêng biệt và khi tư vấn trực tuyến sẽ rất khó để đưa ra khuyến cáo cụ thể hơn được.

8. F0 khỏi bệnh, đăng ký tiêm vắc xin COVID-19 bằng cách nào?

Tôi vừa xem bản tin về “Phát hiện những người có "siêu kháng thể" với COVID-19”, đó là người từng khỏi bệnh COVID-19, rồi được tiêm vắc xin mRNA. Tôi hiện giờ là F0 khỏi bệnh, vậy có cách nào để đăng ký chích vắc xin mRNA sau 6 tháng nữa để có siêu kháng thể không ạ? (Bạn đọc hỏi hotline 08983 08983)

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Hiện nay, vấn đề tiêm vắc xin sau khi trở thành F0 còn nhiều tranh cãi. Chúng ta sẽ chia thành các trường hợp:

- Chưa tiêm vắc xin và trở thành F0

- Đã tiêm 1 mũi và trở thành F0

- Đã tiêm 2 mũi và trở thành F0

Việc tiêm vắc xin giống như cơ thể được tập dợt trước và sinh ra kháng thể. Còn khi đã trở thành F0 tương tự như được tham gia “thực chiến”, cơ thể sẽ tạo ra lượng kháng thể cao và mạnh hơn.

Tuy nhiên, lượng kháng thể tạo ra này không giống nhau giữa mỗi người. Chẳng hạn như ở người khỏe mạnh thì lượng kháng thể tạo ra có thể cao, nhưng ở người khác (người bệnh lý nền, người lớn tuổi…) thì khả năng tạo ra kháng thể sẽ giảm đi. Do đó, chúng ta cũng không biết được, sau khi nhiễm virus thì lượng kháng thể có đủ sức để tiếp tục bảo vệ hay không.

Một nghiên cứu so sánh giữa những người tiêm vắc xin và những người F0 khỏi bệnh thì người ta nhận thấy rằng, lượng kháng thể tạo ra tương đương nhau giữa 2 nhóm này. Ở những người trở thành F0 và sau đó được bồi thêm vắc xin thì người ta thấy rằng lượng kháng thể tạo ra rất cao so với người chỉ tiêm vắc xin hoặc chỉ là F0 khỏi bệnh thôi.

Hiện nay, các nghiên cứu cũng khuyến cáo, nếu người bệnh chưa tiêm đủ 2 mũi mà bị F0 thì sau khi khỏi bệnh thì vẫn cần tiêm thêm vắc xin, nhưng thời điểm tiêm thì hiện nay vẫn đang bàn cãi. Theo mỗi nước thì còn tùy thuộc vào số lượng vắc xin hiện có.

Ở Việt Nam hiện nay lượng vắc xin chưa đầy đủ, do đó chúng ta đặt ra mốc 6 tháng, vì sau thời gian này các nghiên cứu cho thấy lượng kháng thể suy giảm dần. Do đó, sau 6 tháng khỏi bệnh COVID-19, chúng ta có thể tiêm vắc xin, khả năng bảo vệ sẽ cao hơn.

Đối với những trường hợp đã tiêm ngừa 1 mũi và trở thành F0 cũng đã có kháng thể nhất định. Để biết lượng kháng thể đó có thể bảo vệ mình hay không thì cần phải đo nồng độ kháng thể, từ đó chúng ta sẽ biết kháng thể trung hòa như thế nào. Nếu tiêm 2 mũi và sau đó mắc COVID-19 thì chúng ta chưa cần tiêm vắc xin ngay.

Nếu bạn đã khỏi COVID-19 sau 6 tháng thì có thể đăng ký tiêm ngừa qua Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19: https://tiemchungcovid19.gov.vn/portal/search.

Phần 1: Các loại thuốc ảnh hưởng thế nào đến hiệu quả của vắc xin COVID-19?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X