Hotline 24/7
08983-08983

Những điều cần biết về dị ứng trước - trong - sau khi tiêm vắc xin COVID-19

Thời gian qua, AloBacsi thường nhận được nhiều thắc mắc xung quanh vấn đề dị ứng trước, trong và sau tiêm vắc xin COVID-19 như: Dị ứng thời tiết, đang sử dụng thuốc chống dị ứng có được tiêm ngừa? Người bệnh hen suyễn cần lưu ý gì khi tiêm? Dị ứng muộn sau tiêm vắc xin, khi nào dùng thuốc, khi nào cần đến bệnh viện… Vì vậy, AloBacsi đã mời TS.BS Phạm Lê Duy - Bộ môn Sinh lý, sinh lý bệnh miễn dịch ĐH Y Dược TPHCM giải đáp trong bài viết sau.

Đây là chương trình "Truyền thông tư vấn bảo vệ sức khỏe phòng chống COVID-19" do Hội Y học TPHCM phối hợp với Kênh truyền thông AloBacsi thực hiện. Kính mời bạn đọc theo dõi nội dung tư vấn:

1. Sốc phản vệ độ nào không được tiêm vắc xin COVID-19?

Nhiều người có tiền sử dị ứng rất lo ngại khi chích ngừa vắc xin COVID-19. Quy định là nếu dị ứng đến sốc phản vệ mức độ 2 thì không tiêm. Nhưng nhiều người vẫn chưa rõ sốc phản vệ độ 2 cụ thể là như thế nào, xin nhờ BS nhắc lại?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời:

Theo hướng dẫn khám sàng lọc của Bộ Y tế, trước đây có quy định nếu có tiền sử dị ứng bất kỳ thành phần nào nên tiêm ở bệnh viện để theo dõi kỹ. Tuy nhiên, theo quyết định 3802 của Bộ Y tế ký ngày 10/8/2021, ban hành Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm COVID-19 đã thay đổi, người có tiền căn dị ứng sẽ khám sàng lọc kỹ và có thể tiêm ở địa phương, chỉ trừ trường hợp sốc phản vệ độ 3 trở lên với bất kỳ thành phần nào thì nên tiêm tại những cơ sở y tế có khả năng cấp cứu tình trạng này.

Bộ Y tế chia phản vệ làm 3 cấp độ: 1, 2 và 3:

Độ 1 là phản vệ nhẹ, chưa có sốc, xuất hiện những triệu chứng dị ứng thường xảy ra ở da niêm như nổi mề đay, sẩn ngứa, sưng môi, sưng mắt.

Độ 2 là xảy ra các triệu chứng dị ứng từ 2-4 cơ quan trở lên, thường là da niêm, hô hấp, tiêu hóa. Ví dụ như vừa nổi mề đay, vừa khó thở; hoặc vừa nổi mề đay, vừa buồn nôn, tiêu chảy.

Độ 3 là xuất hiện những triệu chứng ở các cơ quan như độ 2, ngoài ra còn có 1 cơ quan quan trọng là tuần hoàn, nghĩa là có tụt huyết áp trong khi xảy ra phản ứng dị ứng, đã được cấp cứu tại bệnh viện thì sẽ được gọi là sốc phản vệ độ 3.

Thông thường, những trường hợp này cần tiêm ở cơ sở y tế có điều kiện cấp cứu sốc phản vệ.

2. Dị ứng với thực phẩm nhưng không rõ loại nào, có nên tiêm vắc xin COVID-19?

Nhiều người bị dị ứng với một số món ăn, thực phẩm nên mỗi lần ăn uống đều cẩn thận dè chừng, vì vậy chưa phải nhập viện. Do đó họ cũng chưa biết liệu mình có thể bị sốc phản vệ độ 2 nếu ăn nhiều hay không. Trường hợp này có nên chích ngừa COVID-19 không ạ?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời:

Đây là câu hỏi rất thường gặp. Thực tế, tình trạng dị ứng nhẹ với thức ăn không phải hiếm, cũng gặp rất thường xuyên. Xin nhắc lại, theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế thì khi có tiền căn sốc phản vệ độ 3 với bất kỳ thành phần nào mới nghĩ đến việc tiêm ở cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sốc phản vệ.

Trong trường hợp bệnh nhân biết mình bị dị ứng, nhưng tình trạng đó không nặng, chưa có tiền căn sốc phản vệ độ 3 thì thường sẽ được thăm khám kỹ tại nơi tiêm chủng và có thể tiêm tại địa phương. Tuy nhiên, khi đến tiêm, bác sĩ khám sàng lọc sẽ hỏi kỹ hơn về các triệu chứng dị ứng người bệnh gặp phải để quyết định trường hợp này có an toàn khi tiêm tại địa phương không hay phải đến các cơ sở y tế.

3. Sốc phản vệ với một loại thuốc không nhớ rõ tên, chích ngừa COVID-19 có an toàn?

Một người bị sốc phản vệ với 1 loại thuốc từ lúc nhỏ, đến khi trưởng thành không rõ mình có thể sốc với thuốc đó nữa hay không (vì nhiều năm tránh dùng thuốc đó). Trường hợp này chích ngừa COVID-19 có an toàn không ạ?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời:

Về mặt an toàn cũng như theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nếu bạn đã có tình trạng sốc phản vệ, tức là có tụt huyết áp, sốc phản vệ độ 3 với một tiền căn trước đó thì sẽ được bác sĩ khám sàng lọc chuyển đến bệnh viện để tiêm ngừa ở đó.

Tuy nhiên, theo quan điểm chuyên môn, bạn từng dị ứng với một loại thuốc và từ đó đến nay không dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào hay một loại thức ăn nào thì nguy cơ dị ứng với vắc xin COVID-19 cũng không cao. Song vì mình từng có tiền căn sốc phản vệ độ 3 với một loại thuốc nào đó không rõ, vì tính an toàn nên sẽ được tiêm tại bệnh viện để theo dõi sát sau khi tiêm và cấp cứu kịp thời khi tình huống này xảy ra.

Bạn đừng quá lo lắng, như đã phân tích, nếu loại thuốc đó không liên quan đến vắc xin thì nguy cơ xảy ra sốc phản vệ với loại vắc xin COVID-19 có thể không cao.

4. Dị ứng thời tiết, đang dùng thuốc chống dị ứng, lưu ý gì khi tiêm vắc xin COVID-19?

Thưa BS, nếu hay bị dị ứng thời tiết, hay là bị bệnh viêm mũi dị ứng thường xuyên dùng thuốc chống dị ứng thì có nên chích ngừa COVID-19 không? Nếu vẫn chích được thì có cần ngưng thuốc chống dị ứng trong vài tuần không?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời:

Thực tế, thời tiết như gió, mây, mưa… không làm cho chúng ta bị dị ứng. Tuy nhiên, khi thời tiết thay đổi, chuyển mùa thì những yếu tố dị nguyên mạt nhà, nấm mốc, phấn hoa… tăng lên. Và chúng ta có thể dị ứng với những dị nguyên đó. Vấn đề này thường được xếp vào dị ứng với bất kỳ thành phần nào, không phải là sốc phản vệ nên có thể tiêm ở địa phương.

Về vấn đề thuốc chống dị ứng có rất nhiều loại, nếu bạn chỉ sử dụng loại xịt mũi hoặc thuốc uống kháng histamine bình thường (không corticoid) để điều trị triệu chứng nghẹt mũi, ngứa mắt, ngứa mũi thì có thể tiêm ngừa COVID-19 mà hoàn toàn không ảnh hưởng đến tác dụng của vắc xin.

Chỉ trừ khi bạn đang sử dụng thuốc corticoid uống kéo dài để điều trị viêm mũi dị ứng thì có thể ảnh hưởng đến tác dụng của vắc xin, vì corticoid là thuốc ức chế miễn dịch. Vì vậy, nếu bạn đang điều trị bằng thuốc nào thì có thể mang theo loại thuốc đó đến điểm tiêm chủng để bác sĩ khám sàng lọc nhận định rõ đây là loại thuốc gì có thể tiêm được vắc xin COVID-19 không.

5. Người bệnh hen suyễn khi tiêm vắc xin COVID-19, cần chuẩn bị những gì?

Người bệnh hen suyễn cần lưu ý gì khi chích ngừa COVID-19, thưa BS?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời:

Nếu người bệnh hen suyễn đang kiểm soát tốt, nghĩa là không lên cơn hen trong 1 tháng gần đây hoặc chỉ lên 1-2 cơn hen vào buổi sáng, không lên cơn hen vào buổi tối thì vẫn có thể tiêm vắc xin COVID-19.

Tuy nhiên, cơn hen có thể lên bất kỳ lúc nào, do hít phải dị nguyên mà người bệnh dị ứng, ví dụ như lông chó, lông mèo, mạt nhà, phấn hoa hoặc do lo lắng trước khi đi tiêm vắc xin. Vì vậy, người bệnh hen khi đi tiêm vắc xin COVID-19 cần:

- Nếu bạn đang được bác sĩ kê toa điều trị thuốc phòng ngừa hen thì phải sử dụng thường xuyên theo chỉ định.

- Bạn cần mang theo thuốc cấp cứu. Thường, những bệnh nhân hen sẽ được kê một loại thuốc xịt cắt cơn hay còn gọi là thuốc cấp cứu. Bạn nên mang theo loại thuốc này đến điểm tiêm chủng, để phòng trường hợp nếu xảy ra triệu chứng hen sẽ có thuốc cấp cứu tại thời điểm đó.

Song, chúng ta cũng đừng quá lo lắng, vì hen khi được kiểm soát tốt hoàn toàn có thể tiêm vắc xin COVID-19.

6. Nổi mề đay do giun sán, có chống chỉ định với vắc xin COVID-19?

Trường hợp nổi mề đay do giun sán thì có được xem là dị ứng với giun sán hay không, nếu chích ngừa COVID-19 có an toàn không, mong BS giải đáp?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời:

Nếu bạn chắc chắn tình trạng mề đay của mình là do giun sán gây ra thì không phải là chống chỉ định với việc tiêm ngừa vắc xin COVID-19. Điều này cũng không làm tăng nguy cơ dị ứng khi bạn tiêm vắc xin COVID-19.

Tuy nhiên, bạn cần xem lại tình trạng nổi mề đay của mình có phải do giun sán hay không. Một số người bị nổi mề đay mạn tính (hầu như ngày nào cũng nổi hoặc 1 tuần nổi 3-4 ngày), tình cờ xét nghiệm phát hiện giun đũa chó hoặc nhiễm ký sinh trùng, sau khi điều trị vẫn nổi mề đay. Tình trạng này có thể do nổi mề đay mạn tính tự phát và đồng thời tình cờ với tình trạng nhiễm ký sinh trùng. Không phải nhiễm ký sinh trùng nào cũng gây ra mề đay và không phải mề đay nào cũng do nhiễm ký sinh trùng gây ra.

Dân gian hay cho rằng nổi mề đay là do nhiễm ký sinh trùng. Vì vậy, khi điều trị ký sinh trùng xong, đa số vẫn rất lo sợ khi thấy vẫn còn nổi mề đay. Do đó, nếu bạn có tình trạng mề đay kéo dài thì nên đến khám để kiểm tra nguyên nhân thực sự là do đâu.

7. Ngứa châm chích, nổi mề đay, nên hay không nên chích ngừa COVID-19?

Với một người dị ứng với nhiều thứ từ thức ăn cho tới mỹ phẩm, nhưng mức độ dị ứng không nặng, chỉ ngứa châm chích hay nổi mề đay vài giờ rồi hết thì có nên chích ngừa COVID-19 không, thưa BS?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời:

Thông thường, những trường hợp dị ứng với nhiều loại, vừa thức ăn, thuốc, vừa mỹ phẩm như câu hỏi có đề cập thì người bệnh có khả năng gặp phải tình trạng mề đay mạn tính tự phát. Đây là sự tình cờ, bạn không ăn, không uống, không dùng mỹ phẩm vẫn có thể nổi mề đay. Trường hợp này hoàn toàn có thể tiêm vắc xin COVID-19.

Tuy nhiên, nhưng người bị mề đay mạn tính tự phát, khi chủng ngừa COVID-19 thì vắc xin sẽ kích thích hệ miễn dịch, nên sau khi tiêm về có thể nổi mề đay trở lại hoặc nổi nhiều hơn so với ngày bình thường. Đối với trường hợp này, nếu đã được bác sĩ dị ứng, bác sĩ nội khoa kê đơn thuốc dị ứng trước đó thì nên chuẩn bị sẵn các loại thuốc này ở nhà để sử dụng khi tình huống này xảy ra.

8. Dị ứng nặng với một tác nhân và dị ứng nhẹ với nhiều tác nhân, loại nào nguy hiểm hơn?

Xin BS cho biết: dị ứng nặng với một tác nhân, và dị ứng nhẹ với nhiều tác nhân thì trường hợp nào nguy hiểm hơn khi đi chích ngừa ạ?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời:

Đây là một câu hỏi hay và cũng rất khó trả lời. Nếu dị ứng nặng với một tác nhân, ví dụ có sốc phản vệ độ 3 thì phản ứng dị ứng trên người đó có thể nặng nề, đó là lý do Bộ Y tế khuyến cáo người bệnh nên tiêm tại cơ sở y tế để được theo dõi.

Trường hợp dị ứng với nhiều loại thì trước tiên cần phải xem lại có thực sự bị dị ứng không hay là tình trạng mề đay mạn tính. Bên cạnh đó, cũng cần phải xem lại có phải dị ứng với nhiều loại không hay là chỉ dị ứng với một loại, mà loại đó có thể tồn tại trong nhiều thực phẩm, thuốc khác nhau. Hơn nữa, chúng ta phải kiểm tra liệu loại đó có liên quan đến vắc xin không.

Như vậy, tùy theo loại dị ứng mới xác định được người đó có nguy cơ bị dị ứng với vắc xin COVID-19 không. Không phải dị ứng với nhiều loại thì nguy cơ dị ứng sẽ tăng lên khi tiêm vắc xin.

9. Tiền sử dị ứng, có nên xét nghiệm trước khi tiêm ngừa COVID-19?

Người có tiền sử dị ứng có nên khám, làm xét nghiệm đánh giá nguy cơ trước khi chích ngừa COVID-19 không? Bệnh viện nào có khám và làm những xét nghiệm này?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời:

Như đã phân tích từ đầu chương trình, trường hợp có tiền căn sốc phản vệ độ 3 với một tác nhân nào đó thì mới đến tiêm ngừa ở cơ sở y tế. Trong trường hợp chúng ta biết nguyên nhân gây dị ứng và mức độ nhẹ, chưa có tiền căn sốc phản vệ thì sẽ đến điểm tiêm chủng và theo dõi ở đó. Đa số trường hợp này không làm tăng nguy cơ dị ứng với vắc xin COVID-19.

Thời điểm này, nếu bạn biết rõ mình bị dị ứng với điều gì thì không cần thiết phải đi khám để tìm nguyên nhân, vì như vậy sẽ làm chậm trễ vấn đề tiêm chủng. Tốt nhất, bạn đến điểm tiêm chủng và mô tả cho bác sĩ khám sàng lọc những tình huống có thể xảy ra. Nếu bác sĩ khám sàng lọc thấy rằng rất khó để xác định được bạn gì ứng với dị nguyên nào, mức độ ra sao thì khi đó bác sĩ có thể chỉ định cho bạn đến một cơ sở y tế có chuyên khoa Dị ứng miễn dịch lâm sàng để thăm khám kỹ hơn.

Tại TPHCM, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cơ sở 1 (215 Hồng Bàng, Quận 5) có phòng khám Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại đây có những bác sĩ chuyên về dị ứng sẽ thăm khám và tư vấn.

10. Người có tiền sử dị ứng, sau tiêm vắc xin COVID-19 cần theo dõi bao lâu?

Người có tiền sử dị ứng, sau khi khám sàng lọc và vẫn được chích ngừa thì cần ở lại theo dõi bao lâu? Khi về nhà phải lưu ý những triệu chứng gì trong 3 ngày đầu, thưa BS?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời:

Hiện tại, theo quy định, sau khi tiêm vắc xin nên ở lại điểm tiêm chủng từ 15-30 phút để đảm bảo không có những phản ứng cấp tính. Những phản ứng dị ứng nguy hiểm thường xảy ra cấp tính trong vài phút đến vài giờ sau khi tiêm.

Đối với người có tiền căn dị ứng nên ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để theo dõi tình trạng dị ứng cấp tính có thể xảy ra sau khi tiêm.

11. Dị ứng muộn với vắc xin COVID-19, nên dùng thuốc gì?

Theo BS, khả năng dị ứng muộn với vắc xin COVID-19 có thể xảy ra hay không? Cần phải theo dõi mấy tuần thì mới loại trừ được nguy cơ này ạ?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời:

Thực tế trên y văn có ghi nhận tình trạng dị ứng muộn xảy ra sau tiêm vắc xin COVID-19. Phản ứng này có thể xảy ra sau 1 ngày, 2 ngày, thậm chí là 3 ngày mới bắt đầu phát ban.

Những phát ban dị ứng đó người ta cũng chưa chắc chắn là thực sự có liên quan đến vắc xin hay không. Tuy nhiên, vì chỉ mới vừa tiêm vắc xin vài ngày và sau xảy ra tình trạng nổi mề đay, ngứa mắt, ngứa mũi, sưng mắt, sưng môi… thì người ta cho rằng có thể liên quan đến vắc xin COVID-19.

Không phải chỉ riêng vắc xin COVID-19, mà bất kỳ loại vắc xin nào cũng vậy, đặc biệt là trên những người có tiền căn mề đay mạn tính. Sau khi tiêm, vắc xin sẽ kích thích hệ miễn dịch làm tình trạng dị ứng nền có thể nặng lên hoặc xuất hiện trở lại.

Sau khi tiêm vắc xin nếu xảy ra các triệu chứng dị ứng thì có thể sử dụng một số loại thuốc kháng histamin để điều trị tại nhà, ví dụ như cetirizin, loratadine, desloratadine… Đây là những loại thuốc OTC không cần kê toa, có thể sử dụng khi xuất hiện triệu chứng mề đay, sưng mắt, sưng môi. Nhưng nếu có thêm các triệu chứng khác như khó thở, đau bụng, buồn nôn, hoặc triệu chứng nặng hơn thì nên đến bệnh viện để thăm khám kịp thời.

Tuy nhiên, xin đừng quá lo lắng, tỷ lệ xuất hiện dị ứng muộn này rất thấp, khoảng dưới 1% và có thể thấp hơn nữa.

12. Những nguyên tắc cần nhớ để chích ngừa COVID-19 an toàn

Sốc phản vệ là nỗi lo của nhiều người khi chích ngừa COVID-19, đặc biệt với những người có tiền sử dị ứng thì càng lo hơn. Nhờ BS đưa ra các hướng dẫn, những nguyên tắc chung để họ được chích ngừa COVID-19 một cách an toàn?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời:

Những người không có tiền căn dị ứng thì không cần phải quá lo lắng. Thực tế, nguy cơ xảy ra phản ứng dị ứng với bất kỳ thành phần nào vắc xin, thuốc, hay thức ăn sẽ xảy ra đều trên tất cả mọi người. Vì vậy, ai tiêm vắc xin đều cũng có khả năng xảy ra dị ứng, cho dù người đó chưa từng có tiền căn dị ứng.

Với những người có tiền căn dị ứng chắc hẳn sẽ lo lắng nhiều hơn. Tuy nhiên, theo nguyên tắc như từ đầu chương trình đã trình bày, nếu bạn có tiền căn sốc phản vệ độ 3 với bất kỳ thành phần nào (khi sử dụng loại đó bị nổi mề đay, khó thở, tiêu chảy và có tụt huyết áp, từng được cấp cứu tại bệnh viện) thì nên khai báo với bác sĩ khám sàng lọc để được chuyển đến cơ sở y tế tiêm ngừa để đảm bảo an toàn.

Với những người có tiền căn dị ứng nhẹ với các thành phần thức ăn, thuốc… thì cũng nên báo với bác sĩ khám sàng lọc về tình trạng đó để được đánh giá và quyết định nên tiêm tại địa phương hay đến cơ sở y tế. Thông thường, với những trường hợp này có thể tiêm tại địa phương.

Những trường hợp viêm mũi hay hen suyễn không phải là chống chỉ định của vắc xin COVID-19 nên không cần quá lo lắng. Nếu hen và viêm mũi được kiểm soát tốt thì vẫn có thể tiêm như bình thường, nó cũng giống như các dị nguyên thông thường mà thôi.

Sẵn đây, BS Duy cũng có lời khuyên cho những người đã từng dị ứng thuốc. Rất nhiều trường hợp dị ứng thuốc khi đến khám sàng lọc để tiêm chủng thì bác sĩ không thể cho tiêm tại địa phương, vì có tiền căn sốc phản vệ. Bởi vì trước đó có dị ứng nhưng không nhớ rõ tên, loại thuốc. Không những dị ứng 1 lần mà còn đến 2-3 lần mà nhiều khi vẫn không nhớ tên thuốc.

Đây là vấn đề khá nguy hiểm cho chúng ta. Khi bản thân có dị ứng với một loại thuốc hay thực phẩm nào đó thì bạn nên đi khám dị ứng ngay, qua đó bác sĩ xác định rằng dị ứng với điều gì, dị nguyên nào, để mình biết và loại cái đó ra, đồng thời biết được có thể sử dụng loại thuốc nào an toàn để thay thế, tiếp tục sử dụng.

Trong cuộc đời chúng ta chắc hẳn sẽ có lúc nào đó cần đến thuốc. Vì vậy, đừng để đến lúc cần dùng thuốc mới khai ra tiền căn dị ứng nhưng không rõ loại nào thì sẽ không kịp tìm tác nhân để loại trừ hoặc tìm giải pháp thay thế thì sẽ rất nguy hiểm.

Do đó, chúng ta nên chuẩn bị trước cho những tình huống này. Sau này, khi mua thuốc thì bạn cần phải xin lại toa thuốc hoặc hỏi bác sĩ về tên loại thuốc. Nếu chẳng may sử dụng có phản ứng dị ứng thì cầm ngay toa thuốc đó đến khám Dị ứng miễn dịch lâm sàng để bác sĩ nhận định đó là loại thuốc nào để tránh dùng về sau. Đó là việc rất có lợi cho chúng ta.

Trân trọng cảm ơn Hội Y học TPHCM và TS.BS Phạm Lê Duy - Bộ môn Sinh lý, sinh lý bệnh miễn dịch ĐH Y Dược TPHCM đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X