Hotline 24/7
08983-08983

Các loại thuốc ảnh hưởng thế nào đến hiệu quả của vắc xin COVID-19?

Thuốc chống dị ứng, thuốc điều trị bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao, thuốc ức chế miễn dịch hay thậm chí các loại vắc xin khác liệu có ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc xin COVID-19? Câu hỏi này đã được TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú - Trung tâm Y Sinh học Phân tử, Trường Đại học Y Dược TPHCM giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Vắc xin COVID-19 hoạt động như thế nào sau khi vào cơ thể?

Đầu tiên nhờ BS chia sẻ khái quát cho bạn đọc AloBacsi được biết: vắc xin sau khi vào cơ thể thì “làm việc” như thế nào?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Hiện ở nước ta có các nhóm vắc xin như sau: Nhóm thông thường nhất là adeno virus của AstraZeneca, thứ hai là nhóm vắc xin mRNA của Pfizer/BioNTech hay Moderna, và vắc xin virus bất hoạt của Vero Cell. Sắp tới thị trường Việt Nam sẽ có Sputnik V của Nga, cũng là vắc xin thuộc loại adeno virus. Tất cả các vắc xin này đều hoạt động theo cách kích hoạt hệ miễn dịch của cơ thể.

Xung quanh chúng ta có rất nhiều loại vi sinh vật, có thể là vi khuẩn, virus và các mầm bệnh khác. Khi cơ thể tiếp xúc với mầm bệnh thì “chiến binh” đầu tiên xuất hiện sẽ là các tế bào thuộc hệ miễn dịch. Các tế bào này sẽ sản xuất ra kháng thể đặc hiệu kháng lại virus đó. Khi kháng thể được sinh ra sẽ có vai trò tiêu diệt mầm bệnh, đồng thời cơ thể cũng tạo ra các tế bào có tính nhớ.

Kháng thể của chúng ta có đặc điểm, khi cơ thể gặp mầm bệnh thì kháng thể không phải tạo ra ngay lần đầu tiên mà sẽ mất một thời gian, khoảng vài ngày để hình thành và tạo ra đủ lượng kháng thể để chống lại các mầm bệnh. Trong những lần sau khi cơ thể tiếp xúc với mầm bệnh thì đã có những tế bào nhớ, vì vậy quá trình tạo ra kháng thể sẽ xảy ra nhanh hơn và hữu hiệu hơn để tiêu diệt mầm bệnh hiệu quả nhất.

Do đó, vắc xin được hoạt động để thay thế lần tiếp xúc đầu tiên với mầm bệnh. Khi chúng ta tiêm vắc xin là đưa mRNA của virus hay thành phần DNA của virus vào cơ thể. Hệ miễn dịch của chúng ta sẽ hiểu cơ thể đang bị nhiễm virus, từ đó sẽ tạo ra kháng thể đặc hiệu cho virus, đồng thời tạo ra các tế bào nhớ. Khi chúng ta tiêm mũi thứ 2, hệ miễn dịch sẽ được kích hoạt thêm một lần nữa và quá trình tạo ra tế bào nhớ nhanh hơn, mạnh hơn, cũng như lượng kháng thể được tạo ra nhiều hơn.

Nhờ vậy, sau 2 mũi vắc xin, cơ thể sẽ có lượng kháng thể đủ cao để khi vô tình gặp virus đó thì kháng thể có sẵn trong người sẽ hoạt động nhanh nhất, hiệu quả nhất, giúp chúng ta giảm khả năng mắc bệnh, cũng như giảm số lượng virus một cách tối đa nhất.

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú - Trung tâm Y Sinh học Phân tử, Trường Đại học Y Dược TPHCM

2. Test nhanh COVID-19 dương tính sau tiêm ngừa, có phải do vắc xin?

Có người thắc mắc là sau khi chích ngừa COVID-19, họ test nhanh dương tính thì có phải là do vắc xin không?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Đây là câu hỏi rất thường gặp và cũng là nỗi lo của khá nhiều người khi tiêm vắc xin. Bởi vì rõ ràng khi ở nhà không vấn đề gì, nhưng sau khi tiêm vắc xin thì test nhanh dương tính. Hiện nay, các loại vắc xin đang dùng không có khả năng gây bệnh, vì chúng ta chỉ đưa DNA hoặc đưa sợi mRNA của virus vào cơ thể, hoặc đối với Vero Cell thì virus cũng bất hoạt nên không còn khả năng gây bệnh nữa.

Do đó, chúng ta không có khả năng nhiễm bệnh do vắc xin. Nếu test nhanh dương tính thì e rằng nguồn lây đó là từ cộng đồng. Do đó, ngay cả khi đã tiêm đủ liều vắc xin thì vẫn phải tuân thủ 5K.

3. Ngoài “tập trận” với hệ miễn dịch, vắc xin có ảnh hưởng các cơ quan khác?

Như BS vừa cho biết thì vắc xin vào cơ thể thì “làm việc” với hệ miễn dịch. Ngoài ra, nó có ảnh hưởng hay tác động tới các hệ/cơ quan khác không ạ?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Hệ miễn dịch sẽ đáp ứng toàn thân, không chỉ đơn thuần là một hệ cơ quan. Khi vắc xin kích hoạt hệ miễn dịch sản sinh ra các tế bào miễn dịch nằm ở các cơ quan với nhiều vị trí trong cơ thể như tuyến ức, lách…

Đối với câu hỏi này, có vẻ như bạn đọc quan tâm tới tác dụng phụ của vắc xin. Ví dụ đối với vắc xin AstraZeneca, nhiều người băn khoăn về tác dụng phụ gây các biến chứng rối loạn đông máu hoặc đối với vắc xin mRNA (Pfizer/BioNTech hay Moderna) lại lo lắng tác dụng phụ gây viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim. Trong quá trình vắc xin vào cơ thể kích hoạt hệ miễn dịch tạo ra kháng thể sẽ có những những ảnh hưởng nhất định đến cơ thể, và do đó mới tạo ra các phản ứng hoặc tác dụng phụ.

Tuy nhiên, về cơ chế ảnh hưởng chưa rõ. Hiện nay, người ta cho rằng biến chứng về rối loạn đông máu đối sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca có thể là vì vắc xin tạo nên một đáp ứng miễn dịch không phù hợp do thành phần yếu tố gây đông máu của tiểu cầu. Nhưng đây vẫn là giả thiết và chưa có cách nào để chứng minh.

Bên cạnh đó, vẫn còn những vắc xin khác, nhưng thực sự hiện nay mối nguy cơ giữa vắc xin và các tác dụng phụ như viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, hội chứng Guillian-Barre chưa rõ ràng. Vì vậy, cho đến nay khả năng vắc xin ảnh hưởng các cơ quan khác chưa có bằng chứng, nhưng sau khi tiêm vắc xin rõ ràng chúng ta có thể gặp các tác dụng phụ, đó là các phản ứng thường gặp khi kích hoạt hệ miễn dịch.

4. Bệnh nền không nằm trong danh sách Bộ Y tế liệt kê, có được tiêm ngừa?

Rất nhiều người đang điều trị các bệnh không có trong danh sách 20 bệnh nền được Bộ Y tế liệt kê thì băn khoăn không biết có nên chích ngừa COVID-19 hay không, thưa BS?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Danh sách này của Bộ Y tế là những bệnh nền có khả năng tăng nguy cơ gây triệu chứng nặng khi nhiễm SARS-CoV-2. Do đó, những người mắc bệnh nền nên ưu tiên tiêm vắc xin, vì đây là nhóm người rất dễ diễn tiến nặng nếu không may mắc COVID-19.

Ngoài ra, chúng ta cần nhớ rằng, vắc xin COVID-19 cần được thực hiện cho tất cả mọi người, trừ khi người đó có chống chỉ định, ví dụ như dị ứng với thành phần của vắc xin COVID-19. Chỉ khi nào cộng đồng có trên 70% người được tiêm chủng đầy đủ thì mới có khả năng tạo miễn dịch cộng đồng để chống lại virus.

4. Không kịp ngừng thuốc ức chế miễn dịch trước 14 ngày, có làm mất hiệu quả của vắc xin?

Nhiều bệnh nhân được BS dặn là: “đang uống thuốc ức chế miễn dịch, phải ngưng 14 ngày trước khi chích ngừa COVID-19”. Tuy nhiên có những người đang dùng thuốc corticoid được thông báo đi tiêm ngừa quá gấp, như là trưa thông báo thì chiều đã tiêm rồi, không kịp dừng thuốc 14 ngày thì có ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc xin không ạ?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Trước đây, ​Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trong đó có trì hoãn với những người trong vòng 14 ngày sử dụng Corticosteroid (Corticoid) liều cao (từ 20 mg trở lên). Tuy nhiên, hiện nay trong hướng dẫn mới nhất đã không còn tiêu chuẩn này. Vì vậy, chúng ta không cần phải quá lo lắng về việc có nên ngừng sử dụng thuốc ức chế miễn dịch này hay không.

Về Corticosteroid nếu phải sử dụng liều cao thường sẽ có chỉ định của bác sĩ điều trị, vì vậy trước hoặc sau khi tiêm vắc xin người bệnh cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa mình đang điều trị về việc có cần ngưng sử dụng hay không. Hiện nay, các bằng chứng cho thấy việc duy trì Corticosteroid không ảnh hưởng đến hiệu quả kháng thể của vắc xin. Do đó, người sử dụng Corticosteroid vẫn có thể duy trì sử dụng trước, trong và sau khi tiêm vắc xin COVID-19.

Như vậy, trường hợp đang sử dụng Corticosteroid và có thông báo đi tiêm ngừa gấp thì theo khuyến cáo hiện nay không cần ngưng khi đi tiêm ngừa, song sau đó chúng ta có thể liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn thêm.

Hiện nay cũng có một số nghiên cứu tại Hoa Kỳ, khi khảo sát cho thấy cần tiêm mũi thứ 3 cho bệnh nhân đã tiêm đủ 2 mũi và dùng Corticosteroid liều cao hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác. Tuy nhiên, đây vẫn còn là nghiên cứu và cần nhiều chứng cứ khác.

Về trường hợp thứ 2, người đang điều trị hóa trị hoặc xạ trị thì cần thận trong khi tiêm chủng. Trong trường hợp bệnh nhân ung thư đang hóa trị, xạ thị thì cần có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, vì cần phải cân nhắc giữa hiệu quả của việc điều trị và giai đoạn của bệnh nhân.

Về trường hợp thứ 3, một số thuốc ức chế miễn dịch và các thuốc điều hòa miễn dịch khác như Methotrexate… Đa phần mỗi thuốc sẽ có một số lưu ý nhỏ như là ngưng 1 tuần sau tiêm hoặc 1 tuần trước tiêm… Hiện nay có khá nhiều thuốc điều hòa miễn dịch, vì vậy theo khuyến cáo thì chúng ta nên trao đổi với bác sĩ chuyên khoa về việc mình có chủ động ngưng thuốc hay không.

5. Thuốc điều trị bệnh nền có làm gia tăng tác dụng phụ của vắc xin COVID-19?

Cũng có rất nhiều người đi chích ngừa về thì không dám uống thuốc điều trị bệnh đang có, sợ ảnh hưởng vắc xin, mà đây đều là các bệnh thường gặp: huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, rối loạn tiền đình, viêm xoang… Xin BS cho ý kiến?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Hiện nay các khuyến cáo đều cho thấy rằng tất cả vắc xin COVID-19 không tương tác hoặc làm ảnh hưởng đến các thuốc điều trị bệnh nền thông thường như thuốc huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu, rối loạn tiền đình…

Vì vậy, sau khi tiêm ngừa COVID-19, người bệnh nền vẫn sử dụng các thuốc điều trị bệnh, trừ khi bệnh nhân bị các bệnh tự miễn cần sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, điều hòa miễn dịch thì cần trao đổi với bác sĩ chuyên khoa. Bởi vì mỗi loại thuốc ức chế miễn dịch sẽ có yêu cầu khoảng thời gian tối thiểu giữa vắc xin và thuốc. Bên cạnh đó, người bệnh ung thư đang điều trị hóa trị sau khi tiêm về cũng cần trao đổi với bác sĩ chuyên khoa Ung thư.

6. Thuốc chống dị ứng có làm mất hiệu quả của vắc xin COVID-19?

Trường hợp chích ngừa về, bị nổi mề đay, phải dùng thuốc chống dị ứng thì có ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc xin không, thưa BS?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Hiện nay các thuốc điều trị chống dị ứng sẽ không tương tác với vắc xin COVID-19, vì vậy chúng ta vẫn có thể tiêm ngừa và dùng thuốc để điều trị các triệu chứng của mình, nhưng không được quá lạm dụng.

Tuy nhiên, chúng ta cần ghi chú lại những phản ứng đó và thông báo với đơn vị tiêm chủng để được hướng dẫn cách xử lý những phản ứng dị ứng này cho phù hợp. Tiếp theo, nếu chúng ta tiêm mũi 1 và có phản ứng dị ứng thì khi tiêm mũi 2 cũng cần khai báo những triệu chứng này với bác sĩ khám sàng lọc.

>>> Những điều cần biết về dị ứng trước - trong - sau khi tiêm vắc xin COVID-19

7. Khoảng cách tối thiểu giữa các loại vắc xin khác với vắc xin ngừa COVID-19?

Người chích ngừa bệnh khác mới được vài ba ngày, lại được gọi đi chích ngừa COVID-19 thì có nên chích luôn hay không, thưa BS? Bởi nếu chờ thì họ cũng e ngại bị qua đợt chích cùng địa phương, mà đăng ký chích tự túc thì không biết khi nào mới đến lượt.

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Về vấn đề này còn tùy thuộc vào mỗi quốc gia. Mỗi nơi sẽ có những khuyến cáo riêng biệt và đến nay vẫn chưa có khuyến cáo thống nhất.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (Hoa Kỳ), việc ngừa vắc xin COVID-19 cùng lúc với vắc xin khác không gây ảnh hưởng. Trước đây, chúng ta tiêm ngừa các vắc xin bất hoạt với nhau cũng không ghi nhận vấn đề bất thường nào. Ví dụ như khi chúng ta đưa con trẻ đi tiêm ngừa thì một lần vẫn có thể tiêm nhiều loại vắc xin khác nhau.

Tuy nhiên, ở một số quốc gia khác ở châu Âu, người ta khuyến cáo, nếu có thể thì chúng ta nên cách nhau 14 ngày giữa vắc xin ngừa COVID-19 và các vắc xin khác.

Trước đây, theo Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, chúng ta sẽ trì hoãn tiêm ngừa vắc xin COVID-19 nếu trong vòng 2 tuần trước đó có tiêm ngừa bất kỳ vắc xin nào khác. Tuy nhiên, theo hướng dẫn mới nhất, tiêu chuẩn này không còn nữa. Do đó, nếu chúng ta đã tiêm ngừa vắc xin khác trước đó thì khi đến điểm tiêm nên trao đổi với bác sĩ khám sàng lọc để giải thích và tư vấn kỹ lưỡng hơn.

Thực tế, điều chúng ta sợ nhất là sau khi tiêm vắc xin COVID-19 sẽ xảy ra các phản ứng phụ, có người phản ứng nhẹ và có người phản ứng nặng, vì vậy nếu tiêm nhiều vắc xin cùng lúc thì có thể xảy ra nhiều phản ứng hơn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X