Hotline 24/7
08983-08983

Khoảng 50% bệnh nhân phổi kẽ không thể sống quá 5 năm

Mắc bệnh phổi kẽ sống được bao lâu là thắc mắc chung của nhiều người bệnh. TS.BS Lê Thị Thu Hương - Trưởng khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) giải thích, tiên lượng điều trị viêm phổi kẽ tùy từng trường hợp, nguyên nhân gây bệnh, giai đoạn bệnh , khả năng đáp ứng điều trị, chế độ chăm sóc và dinh dưỡng,…

1. Ba yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ tiến triển của bệnh phổi kẽ

Thưa BS, tốc độ tiến triển của bệnh và các triệu chứng ra sao?

TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Trong thực hành lâm sàng, đa số bệnh nhân đến khám đã ở giai đoạn trễ. Tốc độ tiến triển của bệnh còn tùy vào nhóm nguyên nhân nền.

Với các trường hợp bệnh phổi kẽ do phơi nhiễm, nếu phát hiện được phơi nhiễm sớm và can thiệp kịp thời nhằm cắt đứt, bệnh chưa trở thành bệnh phổi mãn tính (viêm phổi tăng mẫn cảm), sẽ có thể dừng được tốc độ tiến triển.

Tuy nhiên, với các bệnh lý như xơ cứng bì, bản thân xơ cứng bì toàn thể là căn bệnh ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, trong đó phổi là cơ quan dễ bị ảnh hưởng nhất. Nếu không được điều trị, tình trạng của bệnh nhân sẽ tiến triển nặng dần.

Xơ phổi vô căn (bệnh phổi mô kẽ vô căn) có tốc độ tiến triển khá nhanh. Khi bệnh đã tiến triển, chỉ khoảng 50% bệnh nhân có thể sống được qua 5 năm.  

Tóm lại, sự tiến triển của bệnh phổi kẽ phụ thuộc vào nhóm bệnh, giai đoạn phát hiện và cách can thiệp cho bệnh nhân.

2. Chẩn đoán bệnh phổi kẽ cần làm xét nghiệm gì?

Xin hỏi BS, khi thăm khám, thầy thuốc sẽ hỏi những thông tin gì để có thể khai thác đúng bệnh? Về phía bệnh nhân, họ nên cung cấp những thông tin nào cho bác sĩ?

TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Khi bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ bệnh phổi mô kẽ, bác sĩ sẽ mất rất nhiều thời gian để hỏi tỉ mỉ, từ bệnh sử lâm sàng, nghề nghiệp, môi trường làm việc, môi trường sống, thuốc men...

Bên cạnh đó, bác sĩ phải chỉ định một số xét nghiệm, cơ bản nhất là X-quang ngực thẳng, để phát hiện các tổn thương phổi. Tuy nhiên, có một số trường hợp không thể phát hiện qua X-quang. Lúc này, CT scan vẫn là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh phổi mô kẽ.

Ngoài ra còn có xét nghiệm về chức năng hô hấp và nhiều xét nghiệm khác tùy theo nguyên nhân: xét nghiệm máu đánh giá tự miễn dịch, nội soi phế quản, sinh thiết phổi...

Đa số trường hợp nghi ngờ bệnh phổi kẽ phải hội chẩn đa chuyên khoa để đưa ra chẩn đoán cho bệnh nhân.

Khi đi khám bệnh, bệnh nhân cần cung cấp toàn bộ hồ sơ khám bệnh, gồm hình ảnh chụp, kết quả xét nghiệm, toa thuốc... Ngoài ra, người bệnh cũng cần mô tả kỹ các triệu chứng, tiền sử gia đình, bệnh nền.  

CT scan à tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh phổi mô kẽ

3. Phương pháp điều trị phổi mô kẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và giai đoạn của bệnh

Sau khi chẩn đoán, hướng điều trị cho bệnh nhân phổi kẽ như thế nào, thưa BS?

TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Bệnh phổi kẽ gồm hơn 200 rối loạn nhu mô phổi, do đó việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân.

Bệnh nhân thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ viêm phổi tăng mẫn cảm cần lập tức tránh xa yếu tố nguy cơ để bệnh không tiếp tục tiến triển.

Nếu nguyên nhân của bệnh đến từ các bệnh lý mô liên kết, chúng ta phải điều trị bệnh nền và điều trị bệnh phổi kẽ kèm theo. Bệnh nhân phải ngưng dùng thuốc nếu đó là nguyên nhân gây bệnh.

Khi bệnh nhân đến giai đoạn xơ hóa phổi, ngoài thuốc điều trị bệnh nền, bệnh nhân được kê thêm các loại thuốc kháng xơ. Nếu bệnh nhân có triệu chứng ho quá nhiều kho thở, cần có những biện pháp để giảm các triệu chứng này.

Ở giai đoạn nặng, khi những điều trị cơ bản không còn đáp ứng, bệnh nhân cần có những hỗ trợ về hô hấp, thậm chí cần ghép phổi.

4. Bệnh phổi kẽ cần được theo dõi và điều trị lâu dài

Bệnh phổi kẽ có thể điều trị dứt điểm được không, thưa BS? Nguy cơ tái phát sau điều trị như thế nào?

TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Bệnh phổi kẽ không đơn thuần là 1 căn bệnh mà là hơn 200 rối loạn của nhu mô phổi. Ví dụ, với nguyên nhân phơi nhiễm chưa dẫn đến xơ hóa, việc điều trị có thể chấm dứt được nguyên nhân.

Tuy nhiên, bệnh nhân bị xơ phổi vô căn phải điều trị kéo dài, gần như suốt đời. Nguyên nhân do bệnh lý tự miễn cũng cần điều trị lâu dài, nhưng sẽ thay đổi theo bệnh lý và giai đoạn.

Nhìn chung, bệnh phổi kẽ cần được theo dõi và điều trị lâu dài.

TS.BS Lê Thị Thu Hương - Trưởng khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM)

5. Bệnh nhân phổi kẽ chú ý tiêm phòng đầy đủ

Trong quá trình theo dõi và điều trị bệnh phổi kẽ, bệnh nhân cần lưu ý những điều gì, thưa BS?

TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Khi đã có chẩn đoán, bệnh nhân hãy cố gắng tuân thủ điều trị. Sử dụng đúng thuốc, đúng giờ và không được tự ý ngưng thuốc.

Thứ hai, bệnh nhân cần xây dựng lối sống lành mạnh, dinh dưỡng đầy đủ, chế độ ăn hợp lý, vận động thường xuyên. Tôi thường hướng dẫn cho người mắc các bệnh về phổi tập thở, đặc biệt là các bài tập cơ hoành trong yoga, khí công...

Ở giai đoạn nặng, có thể áp dụng chương trình phục hồi chức năng phổi tại các bệnh viện lớn.

Một điều tất nhiên là bệnh nhân phải bỏ hút thuốc lá, tránh tiếp xúc với ô nhiễm môi trường. Không được bỏ qua việc tiêm phòng các bệnh lý hô hấp cơ bản như cúm, phế cầu, ho gà và các bệnh lý khác theo chỉ định của bác sĩ. Khi mắc bệnh hô hấp, phổi của bệnh nhân không còn tốt như những người bình thường, nguy cơ dễ nhiễm các tác nhân từ bên ngoài như vi khuẩn, virus và ảnh hưởng khi bị nhiễm sẽ nặng nề hơn.

Gần đây, khi tôi thăm khám và tư vấn tiêm phòng cho bệnh nhân, người này đã rất ngạc nhiên khi người lớn cũng cần phải tiêm phòng. Bác sĩ hô hấp, tim mạch và nhiều bệnh lý khác luôn khuyến cáo bệnh nhân tiêm phòng đầy đủ. Với những người có sẵn bệnh nền, việc tiêm phòng đem lại nhiều lợi ích.

6. Sự ảnh hưởng của bệnh phổi kẽ thường liên quan đến nguyên nhân gốc

Thưa BS, nguy cơ mắc các bệnh đi kèm khi bệnh nhân mắc bệnh phổi kẽ như thế nào?

TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Bệnh phổi kẽ liên quan đến phổi - cơ quan cung cấp oxy và thải CO2. Phổi hoạt động không tốt dẫn đến nhiều cơ quan khác bị ảnh hưởng, gần nhất là tim.

Bệnh nhân mắc bệnh phổi kẽ đến giai đoạn suy hô hấp, đặc biệt là suy hô hấp mạn tính, tim sẽ bị ảnh hưởng theo hướng suy tim, thường gặp là suy tim phải, tăng áp động mạch phổi, thiếu máu các cơ quan...

Ngoài ra, sự ảnh hưởng còn liên quan đến nguyên nhân gốc của bệnh phổi kẽ hoặc các bệnh đồng mắc kèm theo.

7. Mô tả cụ thể triệu chứng để bác sĩ chẩn đoán chính xác nguyên nhân

Làm thế nào để kiểm soát tốt bệnh phổi kẽ và nhận biết được sự tiến triển của bệnh, thưa BS? Người bệnh nên theo dõi bệnh ra sao?

TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Nếu thuộc nhóm nguy cơ đã đề cập, người dân cần chủ động đến khám với bác sĩ. Nên mô tả cụ thể các triệu chứng gặp phải để bác sĩ có hướng chẩn đoán nguyên nhân.

Sau đó là phần tuân thủ điều trị.

8. Chương trình phục hồi chức năng cho bệnh nhân phổi kẽ gồm những gì?

Nhờ BS chia sẻ cụ thể hơn về phương pháp phục hồi chức năng cho bệnh nhân mắc bệnh phổi kẽ.

TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Phục hồi chức năng là một câu chuyện dài và rộng, ở đây có thể hiểu là phục hồi chức năng tổng thể. Ở những giai đoạn bệnh đã tiến triển, sẽ có chương trình phục hồi chức năng hô hấp.

Trong chương trình có những phần giáo dục nhạn thức của người bệnh, hướng dẫn cụ thể về bệnh, các biện pháp tập thở, dinh dưỡng phù hợp với cơ thể bệnh nhân.

Ngoài ra còn có chương trình phục hồi chức năng được thiết kế cho bệnh nhân, tùy thuộc vào tình trạng, bệnh lý, khả năng của bệnh nhân, nhằm tăng sức bền và sức mạnh của cơ, nhất là cơ hô hấp.

Ở giai đoạn bệnh nhân cần phục hồi chức năng, bác sĩ sẽ tiến hành hội chẩn đa chuyên khoa và trực tiếp hướng dẫn cho người bệnh.

9. Sử dụng oxy bổ sung cần phải có chỉ định của bác sĩ

Làm thế nào để biết bệnh nhân mắc bệnh phổi kẽ cần sử dụng oxy bổ sung? Bệnh nhân có thể tự kiểm tra nồng độ oxy tại nhà?

TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Oxy cũng là thuốc và cần có chỉ định của bác sĩ. Để đưa ra chỉ định, bác sĩ cần đánh giá về giai đoạn bệnh, đồng thời dựa trên những xét nghiệm như siêu âm tim, khí máu động mạch.

Xem xét tất cả các yếu tố, bác sĩ sẽ điều chỉnh mức lưu lượng oxy mà bệnh nhân cần thở. Bệnh nhân giảm oxy  về đêm khi ngủ, bệnh nhân giảm oxy liên tục cần thở oxy dài hạn. Bệnh nhân giảm oxy khi gắng sức được chỉ định oxy khi vận động.

Bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân cách đọc các thông số để nhận biết tình trạng bình thường hay nguy hiểm. Người bệnh nên tự trang bị máy đo oxy đầu ngón tay (máy SpO2).

>>> Bệnh phổi mô kẽ tiến triển âm thầm, chẩn đoán khó khăn nhưng chưa được quan tâm đúng mức

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X