Khô mắt do dị ứng: đâu là dấu hiệu nhận biết?
Viêm kết mạc dị ứng là một trong những tác nhân phổ biến gây bệnh khô mắt, xảy ra khi mắt tiếp xúc với chất kích ứng.
Trong bài viết bên dưới hãy cùng Alobacsi tìm hiểu tất tần tật các thông tin liên quan đến khô mắt do dị ứng như nguyên nhân, triệu chứng, cũng như cách điều trị bệnh lý này.
1. Dấu hiệu nhận biết khô mắt do dị ứng
Khi mắt bị khô do dị ứng hay các nguyên nhân khác, người bệnh đều gặp một số triệu chứng phổ biến sau:[1]
● Có ghèn, thường màu trắng trong hoặc vàng nhạt, tạo nên cảm giác dính vào mắt
● Đỏ mắt do các mạch máu kết mạc dãn ra
● Chảy nước mắt, phản ứng của cơ thể đối với sự kích ứng của chứng khô mắt
● Mắt bị nóng rát
● Nhạy cảm với ánh sáng
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể có các triệu chứng kèm theo khác, phụ thuộc vào loại dị ứng mắt, ví dụ như:
● Các trường hợp dị ứng theo mùa thì thường có đi kèm triệu chứng ở đường hô hấp trên như ngứa mũi, hắt xì, chảy dịch mũi. Về mắt, các cảm giác tương tự như các triệu chứng ở trên kèm theo ngứa mắt hoặc ngứa vùng da quanh mắt.
● Đối với viêm kết mạc dị ứng cấp tính với một vài dị nguyên thì triệu chứng thường kèm thêm phù kết mạc và phù da mi mắt, và các triệu chứng thường xuất hiện đột ngột trong vài phút đến vài giờ sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng
2. Tác nhân tiềm ẩn gây khô mắt do dị ứng
Hiện nay, có năm loại dị ứng có thể ảnh hưởng đến mắt là viêm kết mạc dị ứng cấp, viêm kết mạc dị ứng theo mùa, viêm kết mạc nhú gai khổng lồ, viêm kết giác mạc mùa xuân và viêm kết giác mạc cơ địa. Mặc dù các bệnh lý nêu trên đều là dị ứng và có một vài triệu chứng chung, tuy nhiên cơ chế gây bệnh và tiên lượng của các bệnh nói trên là khác nhau, cụ thể như sau:
- Viêm kết giác mạc mùa xuân và viêm kết giác mạc dị ứng là hai thể gây triệu chứng nặng và có nguy cơ mất thị lực, do vậy bắt buộc phải có sự theo dõi của bác sĩ nhãn khoa lâu dài.
- Viêm kết mạc nhú gai khổng lồ tương đối ít gặp ở những người bình thường vì bệnh thường gặp ở những người đeo kính tiếp xúc hay có đặt dị vật trên bề mặt nhãn cầu.
- Viêm kết mạc dị ứng cấp và viêm kết mạc dị ứng theo mùa không đi kèm triệu chứng toàn thân như khó thở, nổi mề đay,.. thì thường ít nghiêm trọng và tiên lượng tốt hơn.
Các tác nhân từ môi trường là nguyên nhân gây dị ứng thường gặp nhất, ví dụ như:[2]
● Môi trường gió lớn hoặc khí hậu hanh khô
● Lông thú nuôi
● Phấn hoa từ cây cối, cỏ hoặc cỏ dại
● Khí thải động cơ diesel
● Mạt bụi, những sinh vật giống côn trùng cực nhỏ, sống chủ yếu trong giường, đồ nội thất bọc nệm và thảm.
● Khói thuốc lá
● Nước hoa
● Đeo kính áp tròng
● Sử dụng mỹ phẩm có thành phần gây dị ứng.
Bên cạnh đó, một số bệnh lý cũng có thể khiến mắt nhạy cảm hơn và dễ mắc phải các triệu chứng khô mắt hơn, bao gồm:[3]
● Các vấn đề về hệ thống miễn dịch như lupus và viêm khớp dạng thấp
● Rối loạn tuyến giáp
● Thiếu vitamin A
● Viêm bờ mi
● Các vấn đề về mi mắt như lật mi (mi quay ra ngoài) và quặm mi (mi quay vào trong)
3. Điều trị khô mắt do dị ứng
Đối với nguyên nhân gây dị ứng là do sử dụng thuốc thì việc cần làm là ngừng dùng thuốc vì có thể khiến cho tình trạng khô mắt thêm nghiêm trọng hơn. Sau đó, hãy đến bác sĩ để được khám và chỉ định loại thuốc thay thế phù hợp.
Theo khuyến cáo của ACAAI[4], một số biện pháp sau có thể được áp dụng tại nhà để giúp kiểm soát và thuyên giảm các khó chịu do dị ứng gây ra:[5]
● Đeo kính thay vì sử dụng kính áp tròng. Nếu cần phải sử dụng, hãy tuân thủ các biện pháp vệ sinh an toàn khi sử dụng và tránh dùng liên tục trong thời gian dài. Ngoài ra, cần trao đổi với bác sĩ về các dung dịch bảo quản kính phù hợp đối với từng trường hợp dị ứng cụ thể. Và để an toàn nhất, hãy ngưng đeo kính áp tròng khi có dấu hiệu đỏ mắt.
● Rửa tay trước khi chạm vào mắt, mũi, miệng, nhất là sau khi tiếp xúc với vật nuôi
● Sử dụng máy hút ẩm để kiểm soát nấm mốc trong nhà
● Đeo kính râm khi đi ra ngoài để hạn chế bụi bay vào mắt
● Vệ sinh sạch sẽ phòng ốc và giường nệm để hạn chế mạt bụi
● Hạn chế dụi mắt, hành động này có thể làm giảm cảm giác ngứa tức thời nhưng gây ra cọ xát khiến tổn thương giác mạc và làm tình trạng viêm trở nên nghiêm trọng hơn.
● Chườm lạnh có thể giúp co mạch máu, làm giảm tiết các chất gây viêm, từ đó giúp giảm ngứa. Hãy sử dụng bông gòn thấm nước lạnh và chườm lên mắt từ 3 - 5 phút sẽ thấy hiệu quả tức thì đấy.
Bên cạnh việc hạn chế tiếp xúc với các chất gây dị ứng, hãy hỏi bác sĩ về việc sử dụng một số loại thuốc để giúp đẩy nhanh quá trình điều trị. Các loại thuốc có thể giúp ích cho tình trạng này như:
● Các loại thuốc kê toa như nước muối sinh lý để rửa trôi dị vật hoặc nước mắt nhân tạo, lưu ý nên sử dụng loại không chất bảo quản sẽ hỗ trợ tốt hơn, đặc biệt là những trình trạng khô mắt ở bệnh nhân bị dị ứng, mắt đang nhạy cảm.
● Một số loại thuốc nên có ý kiến của bác sĩ như thuốc kháng histamine hoặc thuốc ổn định dưỡng bào dạng uống và dạng nhỏ mắt.
● Một số trường hợp bác sĩ còn có thể kê thuốc kháng viêm NSAIDS hoặc corticoids, tuy nhiên cần lưu ý phải có sự theo dõi sát của bác sĩ khi dùng những thuốc này.
● Chích ngừa dị ứng (Allergy shots)
Hy vọng thông qua bài viết trên, Alobacsi đã giúp bạn nhận biết được các dấu hiệu của bệnh khô mắt do dị ứng và biết cách để đối phó với tình trạng này.
[1] Medical News Today: What to know about dry eyes due to allergies
[2] Medical News Today: What to know about dry eyes due to allergies
[4] ACAAI: American College of Allergy, Asthma and Immunology
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình