Hotline 24/7
08983-08983

Khi nào người bệnh cần khám chuyên khoa nội tiết - tiểu đường

Tuyến nội tiết có vai trò vô cùng quan trọng trong cơ thể con người. Sự rối loạn của các tuyến nội tiết đều có thể gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Thăm khám và điều trị tại các chuyên khoa nội tiết - tiểu đường giúp kiểm soát hệ nội tiết, chẩn đoán và điều trị những bệnh lý phổ biến như tiểu đường, bệnh tuyến giáp, thừa cân béo phì, suy dinh dưỡng, rối loạn mỡ máu… 

1. Khoa nội tiết - tiểu đường chẩn đoán và điều trị gì?

Hệ thống nội tiết sản xuất và tiết ra các chất sinh hóa hormone giúp điều hòa nội tiết tố, sự trao đổi chất, sự phát triển, sinh sản và tâm trạng của con người. Các tuyến nội tiết chính trong cơ thể là tuyến giáp, tuyến cận giáp, tuyến yên, vùng dưới đồi, tuyến thượng thận, tuyến sinh dục.

Khoa nội tiết chẩn đoán và điều trị các bệnh lý liên quan đến sự rối loạn của hệ thống nội tiết như:

- Bệnh đái tháo đường (tiểu đường): loại 1, loại 2, tiểu đường thai kỳ, các biến chứng do tiểu đường.

- Hạ đường huyết.

- Bệnh tuyến giáp: rối loạn tuyến giáp, bướu giáp lan tỏa, bướu giáp đơn nhân, bướu giáp đa nhân, suy giáp, cường giáp, viêm giáp cấp, viêm giáp mạn, viêm giáp tự miễn, tăng tiết calcitonin, ung thư tuyến giáp…

- Rối loạn tuyến cận giáp: suy cận giáp, giả suy cận giáp, cường cận giáp.

- Rối loạn tuyến yên: cường tuyến yên, suy tuyến yên, đái tháo nhạt, rối loạn chức năng vùng dưới đồi, u tuyến yên…

- Rối loạn tuyến thượng thận: hội chứng Cushing, hội chứng Nelson, cơn Addison, hội chứng Conn, u tuyến thượng thận…

- Rối loạn chuyển hóa lipid máu, tăng cholesterol, tăng triglycerin…

Bất kỳ rối loạn nào của cơ quan nội tiết đều có thể ảnh hưởng đến lượng hormone được sản xuất ra. Hơn nữa, do các cơ quan nội tiết ảnh hưởng lẫn nhau, sự rối loạn chức năng của một tuyến nào đó có thể có gây ra mất cân bằng nội tiết tố.

Xem thêm: Vì sao tiểu đường gây hoại tử bàn chân và làm thế nào để phòng tránh?

2. Khi nào cần đi khám chuyên khoa nội tiết - tiểu đường?

Nếu bạn đang mắc bệnh nội tiết, bạn nên đi khám định kỳ để theo dõi các chỉ số và đánh giá hiệu quả điều trị.

Ngoài ra, bạn nên đi khám nếu có một số triệu chứng có thể liên quan đến bệnh lý nội tiết. Tùy vào từng tuyến khác nhau mà có rất nhiều triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu như:

- Khát nước, uống nhiều nước

- Đi tiểu nhiều, đặc biệt là vào ban đêm

- Thay đổi cân nặng như tăng cân, sụt cân bất thường

- Vết thương lâu lành

- Dễ bị táo bón

- Run tay, mất ngủ

- Hồi hộp đánh trống ngực

- Rối loạn kinh nguyệt.

Bệnh lý đái tháo đường không được kiểm soát có thể gây ra một số triệu chứng như đột nhiên mờ mắt hoặc suy giảm thị lực, ngứa ran bàn tay và bàn chân, đi tiểu nhiều…

Suy giáp có thể dẫn đến một số biểu hiện như: rụng tóc, rụng lông mày, rụng lông nách; sợ lạnh, da khô, tái lạnh; mệt mỏi, giảm gắng sức; nặng mí mắt, lưỡi to dày, nói khàn, khó thở, giả phì đại cơ; dễ bị táo bón; nhịp tim chậm… Suy giáp nặng có thể suy tim, suy nghĩ và vận động chậm chạp, trí nhớ giảm.

Cường giáp có một số biểu hiện như: căng thẳng; đánh trống ngực, tim đập nhanh; run giật; sụt cân hoặc tăng cân; tăng số lần đi cầu, tiêu chảy; khó thở khi gắng sức; rối loạn giấc ngủ; thay đổi thị giác, nhạy cảm với ánh sáng, tăng tiết nước mắt, nhìn đôi, lồi mắt; mệt mỏi, yếu cơ; phù nề chân…

Bệnh tuyến thượng thận ở giai đoạn sớm thường có ít triệu chứng hoặc triệu chứng không điển hình, dễ bị bỏ qua.

Suy tuyến yên có một số biểu hiện như: mệt mỏi, sụt cân; suy giảm ham muốn tình dục; nhạy cảm với lạnh, khó giữ ấm; chán ăn; phù mặt; thiếu máu; rụng tóc, rụng lông; trẻ em chậm phát triển; ở phụ nữ sinh con thì không tiết sữa. 

Các bệnh nội tiết nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm về tim mạch như suy tim, tai biến mạch máu não; rối loạn mỡ máu; loãng xương; rối loạn tâm thần; ảnh hưởng đến các chức năng của cơ thể như khả năng sinh sản.

Dù chưa phát hiện bệnh lý hay chưa có các dấu hiệu nghi ngờ, bạn cũng nên đi khám định kỳ để kiểm tra sức khỏe, loại trừ các bệnh lý, trong đó có các rối loạn hệ nội tiết. Thời gian khám định kỳ với những trường hợp này thường là 3 - 6 tháng.

Xem thêm: Các địa chỉ xét nghiệm nội tiết - tiểu đường uy tín tại TPHCM

3. Các xét nghiệm khi khám chuyên khoa nội tiết

Cũng giống như thăm khám các chuyên khoa khác, khám nội tiết cùng gồm các bước sau:

a. Khám lâm sàng

Quá trình khám lâm sàng sẽ giúp các bác sĩ nắm được các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải, các yếu tố nguy cơ của bệnh (tiền sử bệnh, chế độ sinh hoạt, dùng thuốc,…). Từ đó bác sĩ có những nhận định ban đầu về khả năng mắc bệnh và đưa ra những chỉ định tiếp theo cho bệnh nhân.

b. Khám cận lâm sàng

Các bước khám cận lâm sàng bao gồm xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh. Kỹ thuật này sẽ cung cấp cho các bác sĩ thêm căn cứ để đưa ra những kết luận cuối cùng.

- Xét nghiệm máu: là một trong những cơ sở quan trọng để kiểm tra bệnh nội tiết. Tùy theo các bệnh lý nghi ngờ mà các bác sĩ có thể chỉ định một hoặc một số xét nghiệm sau:

+ Bệnh tiểu đường: xét nghiệm glucose máu lúc đói, glucose máu sau ăn, glucose máu ngẫu nhiên, định lượng HbA1C…

+ Bệnh tuyến giáp: xét nghiệm TSH, T4 toàn phần, FT3, TSI…

+ Bệnh suy tuyến thượng thận: xét nghiệm định lượng cortisol, aldosterol, ACTH… 

+ Bệnh tuyến yên: xét nghiệm định lượng hormon GH và Prolactin, ACTH, TSH, FSH, LH, Lipoprotein…

+ Rối loạn nội tiết tố: xét nghiệm nồng độ Testosterone, FSH, LH, Estradiol, Prolactin, AMH, Progesteron,…

- Các chẩn đoán hình ảnh: Đối với một số bệnh lý, các phương pháp chẩn đoán hình ảnh có thể được sử dụng như:

+ Siêu âm tuyến giáp khi nghi ngờ bướu giáp, cường giáp, suy giáp,…

+ Chụp MRI khi nghi ngờ u tuyến giáp, u tuyến thượng thận,…

Ngoài ra, bệnh nhân có thể được chỉ định kiểm tra mắt, chụp X-quang tim phổi, MRI sọ não, MRI hốc mắt,… để kiểm tra các biến chứng do bệnh gây ra. 

Dựa vào quá trình thăm khám, bác sĩ có thể đưa ra kết luận chính xác bạn có mắc bệnh nội tiết không, đó là bệnh gì, bệnh đang ở giai đoạn nào. Từ đó, xác định phương pháp và tư vấn điều trị. Đa phần các bệnh nội tiết vẫn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, hiệu quả. 

Để việc khám nội tiết đem lại hiệu quả, an toàn, nhanh chóng và chính xác, bạn cần tìm hiểu và lựa chọn cho mình cơ sở uy tín, có đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên giỏi, giàu kinh nghiệm cũng hệ thống trang thiết bị đồng.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X