Hotline 24/7
08983-08983

Khi nào nên cho bé ăn dặm?

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, mẹ nên cho bé ăn dặm sau 6 tháng nhưng nếu mẹ để ý các dấu hiệu “muốn” ăn dặm của con thì có thể linh động thực hiện chế độ ăn dặm cho bé con. Với một số trường hợp nếu cho bé ăn dặm quá sớm sẽ gây ra những tác hại không mong đợi.

Những dấu hiệu cho biết bé muốn ăn dặm:

- Sau khi bú no sữa, em bé của bạn vẫn còn khóc và đòi bú thêm.

- Em bé có vẻ không muốn đợi đến lần bú kế tiếp và trở nên cáu kỉnh hoặc mút tay.

- Trước đây em bé của bạn ngủ suốt đêm, bây giờ thì bé lại thức dậy đòi bú.

- Những giấc ngủ ban ngày cũng trở nên thất thường, ngủ không yên hoặc thức dậy sớm sau khi ngủ chợp mắt.

- Em bé của bạn trông rất hứng khởi khi bạn ăn, và dường như muốn đưa tay với lấy thức ăn mà bạn đang cầm.

Mẹ cho bé ăn dặm. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Mẹ cho bé ăn dặm. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Những sai lầm mẹ có thể mắc phải khi đồng hành cùng con trong hành trình ăn dặm:

- Không cho bé ăn dầu ăn


Dầu ăn với các nhóm acid béo đóng vai trò dẫn và hòa tan vitamin, giúp đẩy nhanh quá trình hấp thu vitamin quan trọng trong cơ thể. Nếu mẹ không cho bé ăn dầu ăn, khả năng hấp thu vitamin ở bé kém, có thể dẫn đến tình trạng thiếu vitamin D khiến bé còi xương, chậm lớn, chậm tăng cân. Do đó, mẹ nên bổ sung dầu ăn như oliu, dầu gấc hay dầu dừa trong khẩu phần của bé.

- Cho bé uống nước cam đặc

Nước cam đặc có nhiều acid gây hại đến hệ tiêu hóa còn non nớt của bé, đồng thời cũng không tốt cho men răng mới bắt đầu hình thành. Nếu muốn cho bé thưởng thức món nước cam ngon lành, mẹ có thể pha loãng với nước lọc.

- Hầm xương để chế biến thức ăn cho bé

Trên thực tế, những chất dinh dưỡng quan trọng như chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất vẫn nằm trong xương, thịt và rau. Nên sẽ tốt hơn nếu mẹ cho bé ăn cả nước lẫn cái thịt để đảm bảo dinh dưỡng cho bé.
 
- Cố đi theo một phương pháp ăn dặm cụ thể


Đây là quan niệm khá phổ biến của nhiều bà mẹ hiện đại, khi việc tiếp cận các nguồn thông tin rất dễ dàng thì cũng đem đến sự “rối loạn” trong việc sàng lọc và lựa chọn thông tin cần thiết. Có rất nhiều phương pháp ăn dặm đang được thảo luận mỗi ngày trên mạng Internet, như ăn dặm kiểu Nhật, ăn dặm theo phương pháp bé chỉ huy, ăn dặm truyền thống,…

Tuy nhiên, kiến thức là nền tảng, nhưng để áp dụng cho bé thì mẹ cần tin vào bản năng làm mẹ của mình. Mẹ nên linh động lựa chọn phương pháp hoặc phương thức phù hợp với thể trạng của bé và điều kiện của mẹ.

- Cho bé ăn quá mặn


Dưới 1 tuổi, bé không nên thu nạp nhiều muối vì giai đoạn này, thận của bé chưa phát triển đủ để tiêu hóa lượng muối lớn, nhu cầu của bé chỉ cần dưới 1gram muối mỗi ngày. Lượng muối này hoàn toàn có thể đến từ nguồn thức ăn tự nhiên của bé. Vì vậy, mẹ không cần nêm nếm gì vào đồ ăn của bé cho tới khi bé 1 tuổi.

- Ưu tiên đạm

Việc bé thu nạp nhiều đạm dẫn đến hiện tượng rối loạn tiêu hóa và dẫn đến tình trạng bé biếng ăn.

Mẹ hãy chọn một chế độ ăn hợp lý, cân bằng giữa các nhóm chất đạm, rau xanh, tinh bột,… để cho bé nguồn dinh dưỡng cân bằng tối ưu.
 
- Hâm lại cháo nhiều lần

Việc bé ăn mỗi lần một lượng nhỏ khiến mẹ rất khó chế biến, thành ra mẹ nấu sẵn một nồi cháo đầy đủ thịt cá rau củ rồi cho bé ăn dần. Khi hâm đi hâm lại nồi cháo dẫn đến việc mất chất và vitamin trong cháo. Thay vào đó, mẹ có thể nấu một nồi cháo trắng và chia làm nhiều bữa. Đến giờ ăn của bé, mẹ chỉ cần cho thêm thịt/cá và rau vào rồi nấu sôi, cách này vừa nhanh nhưng vẫn đủ dinh dưỡng cho bé.

Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X