Hotline 24/7
08983-08983

Khám thế nào, xét nghiệm gì để chẩn đoán hội chứng ruột kích thích?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành - Phó trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân 115 TPHCM cho biết để chẩn đoán hội chứng ruột kích thích cần dựa theo tiêu chuẩn Rome, xét nghiệm máu, một số trường hợp cần nội soi đại tràng, CTscan bụng có cản quang.

1. Rome IV là một trong những tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng ruột kích thích

Một người có biểu hiện hội chứng ruột kích thích sẽ được thăm khám như thế nào, thưa BS? Các cận lâm sàng cần thực hiện để chẩn đoán hội chứng này là gì?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Một bệnh nhân khi đến thăm khám, nếu bác sĩ nghi ngờ người này mắc hội chứng ruột kích thích, về mặt khoa học sẽ có một tiêu chuẩn để xác định, chẩn đoán về bệnh lý này, đó là tiêu chuẩn Rome.

Hiện nay, tiêu chuẩn Rome IV là một trong những tiêu chuẩn được áp dụng trên lâm sàng. Bác sĩ sẽ đánh giá, thăm hỏi bệnh sử người bệnh về triệu chứng khởi phát từ khi nào, đã khởi phát trong bao lâu và có liên quan đến một trong những đặc điểm như thế nào. Ví dụ như có thay đổi về thói quen đi cầu hay không? hay có thay đổi gì về tần suất đi cầu…

Khi xác định, tiêu chuẩn Rome sẽ gợi ý cho bác sĩ về tình trạng của bệnh nhân là mắc phải hội chứng ruột kích thích. Bệnh nhân cần làm các xét nghiệm cận lâm sàng tìm các triệu chứng báo động để loại trừ những tổn thương thực thể, đặc biệt là những nhóm bệnh lý có liên quan đến ung thư đường tiêu hóa như ung thư hoặc viêm loét đại trực tràng...

Các xét nghiệm thường quy bác sĩ thường thực hiện là cho bệnh nhân thử máu để tìm xem có thiếu máu hay không hoặc có những bất thường về máu. Bác sĩ sẽ kiểm tra và tìm xem có những rối loạn khác đi kèm, ví dụ như chức năng gan, thận của người bệnh có gặp vấn đề gì hay không.

Có một số bệnh lý cần phân biệt như hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy. Ví dụ bệnh nhân là nữ hoặc là nam giới, cần phân biệt triệu chứng tiêu chảy có phải thực sự do hội chứng ruột kích thích hay là do một trong các nhóm bệnh lý nội khoa khác như cường giáp. Lúc này bác sĩ sẽ cho bệnh nhân thử máu để đánh giá chức năng tuyến giáp của người bệnh xem có những bất thường gì khác không. Nếu có bất thường về tuyến giáp, các bác sĩ sẽ tìm và loại bỏ.

Bên cạnh các loại xét nghiệm để tầm soát, một số trường hợp, đặc biệt là những bệnh nhân trên 45 tuổi, trước khi chẩn đoán hội chứng ruột kích thích cần tầm soát tất cả về những nguyên nhân ác tính và tổn thương thực thể khác. Người bệnh có thể được nội soi ống tiêu hóa, đặc biệt là nội soi đại tràng để loại trừ xem cơ thể còn có những tổn thương gì của đại tràng, ví dụ ung thư, polyp, viêm loét… sau đó mới nghĩ đến trường hợp mắc hội chứng ruột kích thích.

Trong một số trường hợp khó, những bệnh nhân có triệu chứng báo động, bên cạnh việc nội soi, sẽ có những phương pháp tân tiến hơn trong việc tầm soát bệnh. Ví dụ như CTscan bụng có cản quang là một trong những phương pháp được áp dụng để chẩn đoán loại trừ.

2. Hội chứng ruột kích thích khi nào có thể kiểm soát được qua thay đổi lối sống, khi nào cần dùng thuốc?

Hội chứng ruột kích thích - trường hợp nào có thể kiểm soát nhờ thay đổi lối sống, ăn uống và trường hợp nào cần dùng đến thuốc ạ? 

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Hầu hết, những bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích, khi trong giai đoạn lâm sàng ở thể nhẹ, việc thay đổi lối sống có thể là một trong những biện pháp đầu tiên giúp kiểm soát được tình trạng bệnh.

Bác sĩ có thể hướng dẫn cho người bệnh thực hiện và áp dụng một số chế độ ăn uống thích hợp. Ví dụ như hạn chế ăn những loại thực phẩm lên men nhiều hoặc tránh rượu bia, giảm căng thẳng, ngủ sớm, tập luyện thể dục như yoga hay bơi lội... cũng như hướng dẫn người bệnh một số những chế độ ăn đặc biệt. Ngày nay người ta thường áp dụng chế độ ăn FODMAP, nghĩa là chế độ ăn ít nạp carbohydrat.

Khi người bệnh áp dụng những chế độ ăn và thói quen tốt nhưng tần suất vẫn không cải thiện, lúc này bác sĩ bắt buộc phải sử dụng thêm những nhóm thuốc hỗ trợ tuỳ vào thể lâm sàng người bệnh mắc phải.

Ví dụ như bệnh nhân bị thể tiêu chảy sẽ có loại thuốc giúp giảm tần suất tiêu chảy. Đối với bệnh nhân thể táo bón, bác sĩ phải hướng dẫn là có nên bổ sung thêm chất xơ và uống những nhóm thuốc giúp đường ruột được thông thoáng, đi vệ sinh một cách dễ dàng hơn. Những rối loạn vừa tiêu chảy vừa táo bón sẽ có những nhóm thuốc để điều hòa nhu động ruột và giúp cho tình trạng đau bụng, đi cầu của bệnh nhân được cải thiện và sẽ tuỳ vào từng trường hợp cụ thể.

3. Cần tuân thủ những nguyên tắc nào để thuốc đạt hiệu quả tối đa trong quá trình điều trị?

Hiện nay có những giải pháp nào được sử dụng để điều trị hội chứng ruột kích thích, thưa BS? Trong quá trình điều trị, cần tuân thủ những nguyên tắc nào để thuốc đạt hiệu quả tối đa? 

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Hiện nay, bên cạnh việc thay đổi lối sống và hướng dẫn chế độ ăn cho bệnh nhân, các nhà khoa học đã nghiên cứu rất nhiều các nhóm thuốc để điều trị hội chứng ruột kích thích.

Trong hội chứng ruột kích thích đa phần người bệnh đều có triệu chứng đau bụng rất nổi trội. Chính vì vậy, có những nhóm thuốc để giải quyết tình trạng đau bụng này.

Những loại thuốc điều trị hội chứng ruột kích thích phải được kê đơn, người bệnh không nên tự ý mua uống. Do đó, đối với những nhóm thuốc này, tôi có thể nêu ra để người bệnh tham khảo và không mang tính chất có thể tự mua về uống vì sẽ gây nguy hiểm.

Một số nhóm thuốc hiện nay như otilonium bromide là một nhóm thuốc được xem là “the first choice” nghĩa là sự lựa chọn hàng đầu trong điều trị đau bụng của hội chứng ruột kích thích. Kế đến là những nhóm thuốc giảm co thắt khác, ví dụ như meberverine hoặc là những nhóm thuốc về giảm co thắt khác thì có rất là nhiều.

Nếu bệnh nhân bị tiêu chảy, phải phối hợp thêm các nhóm thuốc để giải quyết tình trạng tiêu chảy. Loperamide được xem là một trong những loại thuốc hỗ trợ điều trị tiêu chảy rất tốt ở những bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích.

Tuy nhiên, cần loại trừ trong một số trường hợp bệnh nhân có những biểu hiện đồng nhiễm, ví dụ bệnh nhân đang có một tình trạng viêm ruột, nhiễm trùng đường ruột chồng lấp trên hội chứng ruột kích thích, việc sử dụng loperamide phải thật thận trọng.

Ở một số bệnh nhân bị táo bón, sẽ có rất nhiều nhóm thuốc để giúp cho người bệnh đi cầu thuận lợi hơn, bên cạnh đó, cần bổ sung đầy đủ chất xơ.

Trong một số trường hợp, nếu người bệnh có những ảnh hưởng về mặt tâm lý khá nặng nề ở thể lâm sàng nặng, lúc này bắt buộc phải phối hợp thêm những nhóm thuốc khác, đặc biệt là thuốc chống trầm cảm để giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái.

4. Những dấu hiệu nào cho thấy người bệnh hội chứng ruột kích thích cần đến viện ngay?

Trong quá trình điều trị và theo dõi, những dấu hiệu nào cho thấy người bệnh cần đến bệnh viện ngay, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Hội chứng ruột kích thích là một nhóm bệnh nếu xét về những biểu hiện nặng cần nhập viện hầu hết là rất ít. Đây là một nhóm bệnh hoàn toàn có thể điều trị ngoại trú, bác sĩ sẽ cho toa về nhà uống, không cần phải nhập viện.

Tuy nhiên, nếu người bệnh có bất kỳ một triệu chứng báo động nào, cần phải quay lại bệnh viện, gặp bác sĩ để xem xét chỉ định nhập viện và tìm nguyên nhân.

Triệu chứng báo động bao gồm: đi cầu ra máu, đau bụng kèm theo nôn ói (bán tắc ruột) hoặc bí trung đại tiện, đây là những dấu hiệu nặng của tình trạng tắc ruột. Những người bệnh có các triệu chứng như đau bụng, nôn ói, tiêu chảy về đêm kéo dài kèm theo dấu hiệu sốt, bắt buộc người bệnh phải quay lại viện thăm khám để bác sĩ xác định và tìm thêm những nguyên nhân khác ngoài nhận định những tình trạng trên là hội chứng ruột kích thích.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X