Nguyên nhân gây tê bì tay chân rất đa dạng, có thể do sinh lý khi ngồi, đứng, cầm nắm vật gì đó… trong khoảng thời gian dài (khoảng từ 2 giờ đồng hồ) làm cho mạnh máu và thần kinh bị chèn ép, khiến cho máu khó lưu thông, gây ra hiện tượng tê bì tay, chân sinh lý.
Một số trường hợp tê bì chân tay do khi thời tiết chuyển mùa nhất là từ thu sang đông, trời lạnh, mưa nhiều, ẩm ướt, khô hanh làm cho trạng thái thần kinh và mạch máu thích ứng chưa kịp, trong khi đó da và tổ chức dưới da là một cơ quan rất giàu các mao mạch và các tận cùng của thần kinh, nhất là thần kinh vận động, thần kinh thực vật (cảm giác).
Tê bì tay chân còn gặp khá phổ biến do bệnh tật, nhất là các bệnh về thoái hóa khớp, đặc biệt là khớp cột sống cổ, khớp vai. Mỗi một vị trí khe khớp cột sống cổ có vô số dây thần kinh đi qua chi phối vận động, cảm giác cho các vùng từ vai gáy đến tay, chân. Khi thoái hóa cột sống cổ, đặc biệt là mỏm gai sẽ đè vào các dây thần kinh chi phối vai gáy, các chi gây nên đau, mỏi, tê bì.
Khi bị thoái hóa khớp vai làm ảnh hưởng rất lớn đến các dây thần kinh vận động vai, gáy, cánh tay, cẳng, bàn tay, ngón tay, nếu kết hợp có thoái hóa cột sống cổ, tê bì tay càng rõ rệt hơn. Đối với chân, ngoài tác động của thần kinh chạy từ đốt sống cổ, còn được chi phối bởi thần kinh đi qua cột sống lưng, thắt lưng. Nếu có thoái hóa cột sống thắt lưng sẽ có tác động xấu đến các dây thần kinh chi phối hai chân, nhất là trong trường hợp lồi đĩa đệm gây đau thần kinh tọa.
Ngoài ra, tê bì tay chân còn có thể do hội chứng ống cổ tay làm co thắt mạch máu ngoại vi, thần kinh giữa bị chèn ép ở cổ tay, trong khi thần kinh giữa là thần kinh nhận cảm giác ngoài da của ngón trỏ, ngón giữa và gan bàn tay ở phía dưới 2 ngón tay đó và điều khiển vận động các cơ của các ngón tay. Một số người thiếu vitamin B1, B12 cũng có thể xuất hiện bệnh tê bì tay chân.
Cần phát hiện sớm nguyên nhân gây tê bì tay chân để được điều trị sớm. Muốn vậy, khi thấy xuất hiện tê bì tay chân hoặc được biết bị thoái hóa cột sống cổ, vai, thắt lưng, người bệnh, đặc biệt là người cao tuổi cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt.
Trong cuộc sống thường ngày không nên ngồi một chỗ quá lâu (người cao tuổi thường lười vận động) hoặc cúi quá lâu (đọc sách, xem vô tuyến, đánh máy, lái xe…), nên có giải lao giữa giờ. Hàng ngày nên vận động cơ thể đều đặn bằng các động tác dễ thực hiện nhất như đi bộ, chơi các môn thể taho nhẹ nhàng. Nếu sức yếu, tuổi cao có thể đi lại trong nhà, trong sân, trong vườn vẫn rất tốt.
|