Hotline 24/7
08983-08983

Vòng bụng lớn và cứng, dấu hiệu bệnh gì?

Câu hỏi

Kính chào bác sĩ, Phần bụng của em khá to, hiện tại vòng đo là 77cm, và vòng 2 này tỉ lệ thuận với cân nặng. Lúc nào em tăng cân lên là phần bụng và ngực to lên đều vậy. Phần bụng của em to và cứng. Em thấy bụng mình to từ hồi em 15 tuổi, và bây giờ em 27 tuổi. Em chưa một lần đi khám tổng quát và khám sức khỏe sinh sản. Em không thấy dấu hiệu của bệnh lí như vàng da, đau bụng, ợ hơi, phù da. Em rất mặc cảm khi thấy bung mình to mà không tự tin khi đến bác sĩ để khám bệnh. Em có người bạn làm siêu âm, em đã đến bệnh viện của bạn nhờ bạn siêu âm nhưng bạn bảo em bình thường. Nếu to bụng vì béo bụng em nghĩ cũng không phải, bụng em khá cứng, mà những người béo bụng thường rất mềm. Bụng em cứng hơn ở tư thế em đứng dậy. Xin bác sĩ cho em biết em bị bệnh gì ạ? Em đã lập gia đình được 1 năm, mới thả được 4 tháng nhưng vẫn chưa có con. Mong nhận được sự phản hồi từ bác sĩ. Em xin chân thành cảm ơn.

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Béo bụng. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Béo bụng. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào em,

Thứ nhất, cơ địa mỗi người khác nhau, có người khi tăng cân sẽ bị to phần vai, người to phần đùi mông, người to phần bụng. Phần bụng khi tăng cân bị to lên, còn gọi là béo bụng, là do lớp mỡ dưới da bụng dày lên, lớp mỡ chài (y khoa gọi là mạc nối lớn) dày lên, lớp mỡ giữa các quai ruột (y khoa gọi là mạc treo ruột) dày lên, gan nhiễm mỡ. Không phải kiểu béo bụng nào thì sờ bụng cũng mềm, trường hợp bụng em to quá lại nghi ngờ khả năng siêu âm của bạn mình (do tay nghề chưa vững, do mỡ bụng dày quá khó quan sát) thì đơn giản là em chụp CTscan ổ bụng để loại trừ lo lắng có khối gì đó bất thường trong bụng hay xơ gan, u gan... đồng thời xét nghiệm máu kiểm tra các cơ quan khác như chức năng gan, thận...

Em cần phải khám bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa để bác sĩ kiểm tra cho em, bác sĩ là người xa lạ và chỉ quan tâm sức khỏe của em, nhiều khi chưa chắc nhớ về em nếu em chỉ khám 1 lần thì có gì đâu mà em ngại và không tự tin khi khám bác sĩ. Em không khám bác sĩ thì làm sao biết mình bị gì được? Bác sĩ không thể đoán ra bệnh của em chỉ dựa vào vài thông tin trao đổi qua lại được.

Thứ hai, việc em thả 4 tháng mà chưa có con thì cũng không có gì phải nóng vội, thả trên 2 năm mà không có con thì mới phải tầm soát vấn đề khó khăn trong sinh sản, em nhé.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Vòng eo quá cỡ được xem như là kết quả của sự lão hóa. Điều này càng rõ ràng hơn trên phụ nữ, đặc biệt là sau thời kỳ mãn kinh, khi cơ thể của bạn có khuynh hướng tích tụ mỡ tại bụng. Thế nhưng thực tế, béo bụng không chỉ khiến bạn khó mặc quần áo mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe của bạn nữa. May mắn là những mối nguy hại ấy bạn có thể phòng ngừa được.

Bạn có thể dùng thước dây vòng quanh vùng bụng ngay trên xương hông để đo vòng eo của mình. Đối với phụ nữ, vòng eo hơn 89 cm tức là béo bụng và bạn đang đối mặt với nguy cơ sức khỏe rồi đấy.

* Béo bụng là biểu hiện thừa cân

Cân nặng của bạn được quyết định bởi sự cân bằng của lượng calo mà bạn ăn vào và đốt cháy trong khi hoạt động. Nếu bạn ăn quá nhiều mà ít hoạt động, bạn sẽ tăng cân và dẫn đến béo bụng. Tuy nhiên, tuổi tác cũng đóng một vai trò trong sự gia tăng lượng mỡ thừa tích tụ ở bạn. Vì khối cơ sẽ giảm dần khi bạn già đi, bạn sẽ ít sử dụng calo hơn và khó mà duy trì cân nặng lý tưởng.

Nhiều phụ nữ cho biết khi lớn tuổi hơn thì vòng eo họ sẽ tăng, khó giảm cân hơn, vì họ sẽ giảm lượng estrogen theo thời gian, một hormone ảnh hưởng đến sự tích tụ mỡ trong cơ thể. Một sự thật là dáng người quả táo của bạn, tức là gia tăng mỡ tại bụng còn liên quan đến gen nữa.

* Nguy cơ mắc bệnh do béo bụng

Béo bụng không chỉ đơn giản là một lớp mỡ dày cư ngụ dưới lớp da bụng, mà còn là một lớp mỡ bao phủ nội tạng nằm trong ổ bụng của bạn. Lớp mỡ dưới da này không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn khiến bạn đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh tật như:

- Bệnh tim
- Tăng huyết áp
- Rối loạn lipid máu
- Vấn đề về hô hấp
- Đái tháo đường type 2

Nhà nghiên cứu còn ghi nhận mối liên hệ giữa béo bụng và nguy cơ chết sớm mà không liên quan đến cân nặng cơ thể. Một vài nghiên cứu cho thấy phụ nữ có chỉ số khối cơ thể BMI bình thường nhưng có vòng eo lớn thì gia tăng nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch.

Bạn có thể giảm béo bụng bằng cách tập thể thao kết hợp với chế độ ăn kiêng hợp lý. Hãy có một kế hoạch lành mạnh để giảm lượng mỡ thừa và giảm cân nhé.

- Chế độ ăn uống lành mạnh: Bạn nên ăn nhiều rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, nguồn đạm ít mỡ và sản phẩm từ sữa ít béo. Hạn chế lượng đường và chất béo bão hòa được tìm thấy nhiều trong thịt và các sản phẩm nhiều mỡ, phô mai, bơ. Cung cấp chất béo không no được tìm thấy trong cá, các loại quả hạch và dầu thực vật. Thay thế các đồ uống ngọt bằng nước.

- Ăn lượng thức ăn thích hợp: Dù bạn ăn nhiều rau củ quả nhưng lượng calo vẫn tăng thì có thể do số lượng thức ăn của bạn nhiều. Bạn nên giảm khẩu phần ăn dù ở nhà hay ngoài nhà hàng nhé.

- Tập thể dục hằng ngày: Bạn nên có ít nhất là 150 phút đi bộ nhanh, hay hoạt động thể thao mạnh 75 phút trong một tuần. Nếu bạn đi bộ thì ít nhất là 10.000 bước mỗi ngày mới có thể giúp bạn giảm cân được nhé. Bạn cũng nên giảm cân từ từ thôi, khoảng 1kg mỗi tuần. Hãy tham vấn ý kiến bác sĩ để giúp bạn có kế hoạch giảm cân hiệu quả hơn.

Béo bụng ở phụ nữ không chỉ ảnh hưởng đến vẻ bên ngoài mà còn mang nhiều nguy cơ cho sức khỏe bên trong cơ thể nữa. Do vậy, bạn hãy thường xuyên kiểm tra vòng eo của mình, duy trì một thói quen sống lành mạnh để giữ gìn vóc dáng thon gọn và sức khỏe thật tốt nhé.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X