Bác sĩ - Phòng khám Hoàn Mỹ - Sài Gòn, Bệnh viện An Bình
Tôi bị tiểu đường và đau dạ dày thì nên điều trị bệnh nào trước?
Câu hỏi
Kính chào tập thể các bác sĩ, Tôi tên Hiển (nam, SN 1962, cao 1,62m, cân nặng từ 52,5~55kg). Nhiều năm qua tôi không hề sử dụng loại thuốc thang gì, bản thân lười vận động thể dục, hay rượu, bia, thuốc lá... Cách đây 3 tháng tôi thấy sút cân (49kg) khát nước liên tục, thèm đồ ngọt, cảm nhận có nhiều triệu chứng bị tiểu đường. Khoảng hơn tháng thấy bụng thường đau lâm râm về đêm (nằm xuống thì đau, ngồi thì không đau) sáng hay đau bụng, đi cầu phân đen, lỏng toẹt, tanh hôi). Cảm nhận nhiều triệu chứng đau bao tử. Cách đây hơn một tuần đi làm xét nghiệm thì có kết quả như file đính kèm. (bệnh tiểu đường và bướu tiền liệt) Vì tuần rồi tôi có công việc phải chạy xe nhiều nên chưa dám uống thuốc điều trị (sợ ảnh hưởng tác dụng phụ) Xin các bác sĩ tư vấn giúp tôi: 1. Hai toa thuốc trên có tương tác nhau không? Có thể sử dụng đồng thời không? 2. Hai bệnh này nên điều trị song song hay nên trị dứt điểm dạ dày rồi hãy uống thuốc tiểu đường. 3. Nếu không uống thuốc tiểu đường mà chỉ duy trì chế độ ăn uống hợp lý + tập thể dục (đi bộ) thì có được không? Liệu bệnh có tiến triển nặng thêm không? 4. Khi đi mua thuốc trị dạ dày, vì không có thuốc Quinlevo-500mg nên nhà thuốc bán thay bằng thuốc Lefvox-500mg. Liều dùng trong giấy HDSD thì Lefvox liều dùng cao nhất là ngày 1 viên 500mg x 1 lần. Nhưng theo toa của bác sĩ (có file gửi kèm) thì là Quinlevo ngày uống 1v x 2 lần. Vậy tôi nên uống như nào là hợp lý. 5. Tư vấn cho tôi chế độ ăn uống hợp lý cho người bị tiểu đường. Chiều nay tôi bắt đầu uống liều đầu tiên cho toa thuốc dạ dày. Còn thuốc tiểu đường chưa dám uống. Mong được tư vấn gấp để có hướng điều trị. Cám ơn và rất mong nhận được phản hối của tập thể các bác sĩ. Trân trọng! (Hiển - nhagotruyen...@gmail.com)
Trả lời
Thư bạn đã mô tả quá kỹ nên BS đã hiểu ra các vấn đề của bạn gồm:
1. Bệnh tiểu đường mới phát hiện mà lại... chưa chịu điều trị
2. Viêm dạ dày đã có biến chứng xuất huyết tiêu hóa (đi cầu phân đen)
3. Rối loạn mỡ máu
4. Có bướu tiền liệt tuyến kèm xét nghiệm máu có PSA dương tính (là xét nghiệm chỉ dấu ung thư, nhạy trong ung thư tiền liệt tuyến) và siêu âm tiền liệt tuyến có nốt vôi hóa.
5. Vẫn còn uống rượu bia, hút thuốc lá nhiều...
Giải quyết từng vấn đề một bạn nhé:
- Bệnh tiểu đường khi đã biết là phải điều trị ngay, chậm trễ sẽ có nhiều biến chứng mạn tính cũng như biến chứng cấp tính rất nguy hiểm. Nhìn xét nghiệm đường huyết và chỉ số HbA1c của bạn thì BS chắc chắn rằng không thể nào chỉ có ăn kiêng và tập thể thao thôi có thể giúp bạn kiểm soát được đường huyết được (trong khi trước đó bạn lại là người lười vận động).
Bạn hãy bắt đầu toa thuốc của BS đã khám cho bạn, trong toa BS cũng đã dặn sơ sơ chế độ ăn cho bạn rồi đó, nói chung giảm tinh bột (cơm, bún, miến, phở, bánh mì,...) và các loại thực phẩm có đường, ăn nhiều rau tạo cảm giác no, giảm 1 số loại trái cây quá nhiều đường (xoài, lê, chuối...,ví dụ: nếu muốn ăn 1/2 trái chuối sứ phải bớt 2 thìa canh cơm của bữa ăn hôm đó.). Chế độ ăn chi tiết thì sẽ rất dài, bạn có thể đến Trung tâm dinh dưỡng để tham khảo thêm các tờ rơi về chế độ ăn dành cho người tiểu đường.
Các loại thuốc viên uống trị bệnh tiểu đường đều có tác dụng phụ lên đường tiêu hóa (ví dụ như cảm giác đầy hơi, chướng bụng, ăn chậm tiêu, buồn nôn, có vị kim loại trong miệng, tiêu chảy...), uống 1 thời gian có thể sẽ quen thuốc, hay nếu khó chịu quá bạn có thể tái khám BS để tư vấn đổi thuốc.
- Đúng là thuốc Quinlevo 500mg (tức Levofloxacin) liều chỉ 1 viên/ ngày trong những trường hợp nhiễm trùng, nhưng có những trường hợp nhiễm trùng nặng phải uống 2 viên/ ngày. Riêng trong phác đồ điều trị viêm dạ dày thì liều 2 viên là hoàn toàn đúng.
- Trong toa thuốc trị tiểu đường đã có thuốc mỡ máu, kèm theo đó bạn tránh ăn: ngũ tạng động vật, da động vật, đồ chiên xào nhiều, tôm, hải sản, trứng, chocolate, cơm dừa hay nước cốt dừa...
- Bạn nên khám 1 BS chuyên khoa ung bướu để kiểm tra kỹ hơn bướu tiền liệt tuyến này.
- Phải giảm dần rượu, bia, bỏ hẳn thuốc lá vì đây là những yếu tố nguy cơ của bệnh lý tim mạch, bệnh lý đường tiêu hóa (nhất là bạn đã bị xuất huyết tiêu hóa trên).
Chào bạn và mong bạn tuân thủ đúng điều trị của BS.
AloBacsi.vn -nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa. AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết. Chân thành cảm ơn. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình