Hotline 24/7
08983-08983

Tôi bị tiểu đường 30 năm, chích Insulin liều cao kết hợp thuốc uống có ảnh hưởng gì không?

Câu hỏi

Chào bác sĩ.
Tôi nam 76 tuổi, bị tiểu đường tuýp 2 hơn 30 năm. Hiện giờ tôi vừa uống thuốc và chích insulin mỗi ngày 2 lần × 60 đơn vị. Xin hỏi bác sĩ tôi chích nhiều như vậy có ảnh hưởng gì không? Có được phép không?

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Ảnh minh họa

Chào bác,

Insulin được chỉ định để điều trị đái tháo đường tuýp I (đái tháo đường phụ thuộc insulin), đái tháo đường tuýp II khi các thuốc chống đái tháo đường tổng hợp không còn hiệu quả. Insulin dùng ổn định đường huyết cho những trường hợp cấp cứu của bệnh đái tháo đường.

Tác dụng phụ có thể gặp của insulin trong điều trị tiểu đường được kể đến như sau:

Hạ đường huyết: Tiêm insulin điều trị tiểu đường có thể làm giảm nồng độ đường huyết trong máu nhanh và đột ngột, thậm chí có thể dẫn đến hôn mê. Hạ đường huyết là tác dụng phụ của insulin không mong muốn hay gặp nhất. Khi thấy cơ thể biểu hiện các triệu chứng như: mệt mỏi, nhức đầu, cảm giác đói, rối loạn thị giác, vã mồ hôi nhiều kèm lú lẫn, bệnh nhân nên dùng ngay loại đường phân hủy nhanh (kẹo, viên đường, mứt) để cải thiện nhanh chóng các triệu chứng kể trên. Trong trường hợp nặng hơn hoặc hôn mê, phải nhờ ai đó đã biết cách tiêm hoặc nhờ nhân viên y tế tiêm truyền glucose bằng đường tĩnh mạch.

Phản ứng dị ứng: Phản ứng tại chỗ như xuất hiện các vết mẩn đỏ, phù hoặc ngứa tại vị trí tiêm và sẽ hết sau vài ngày đến vài tuần. Dị ứng có thể liên quan đến yếu tố khác như các chất sát khuẩn gây kích ứng, tiêm quá nông hoặc dị ứng với các thành phần là chất bảo quản. Phản ứng toàn thân hiếm gặp hơn, có thể liên quan đến insulin hoặc metacresol. Hai chất này có thể gây phản ứng toàn thân như lên cơn khó thở, thở khò khè, hạ huyết áp, tăng nhịp tim hoặc vã mồ hôi. 

Loạn dưỡng lipid: Khi thấy xuất hiện một vùng da lõm xuống, nặng hơn có thể mất hoàn toàn tổ chức mỡ dưới da ở một diện tích rộng tại chỗ tiêm thì đó là tình trạng loạn dưỡng lipid. Đây là một trong những biến chứng nặng hay gặp ở trẻ em và phụ nữ có thể xuất hiện từ 1 - 6 tháng sau khi tiêm, gây teo lớp mỡ dưới da tại chỗ tiêm. Thường xuyên linh hoạt thay đổi vị trí tiêm như tiêm dưới da quanh rốn cách rốn 5cm, hoặc tiêm mông, tay, đùi có thể hạn chế nguy cơ loạn dưỡng lipid (tăng sinh hoặc teo lớp mỡ dưới da).

Tăng cân: Tiêm insulin cho người đang điều trị đái tháo đường có chỉ định cũng có thể gây tăng cân do tác dụng kích thích quá trình đồng hóa. Mục tiêu khi tiêm insulin là glucose sẽ được đưa vào tế bào và làm giảm lượng đường trong máu. Tuy nhiên, nếu chế độ ăn của bệnh nhân thừa calorie khiến lượng glucose mà tế bào sử dụng không hết sẽ được tích lũy dưới dạng mỡ và làm cho người bệnh tăng cân một cách nhanh chóng.

Quá liều insulin: Quá liều insulin có thể xảy ra nếu người bệnh dùng nhiều insulin hơn mức độ cần của cơ thể hoặc tự điều chỉnh insulin không theo chỉ dẫn. Cũng có lúc bỏ ăn hoặc ăn uống thất thường cũng sẽ gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến việc điều chỉnh liều insulin của bác sĩ điều trị và có thể dẫn đến hạ đường huyết. Những trường hợp xấu nhất có thể dẫn đến co giật thậm chí tử vong

Hiện tại bác đang sử dụng insulin liều cao kết hợp với thuốc uống điều trị bệnh đái tháo đường chứng tỏ đường huyết của bác khá là khó kiểm soát. Không có giới hạn về liều insuline được phép sử dụng cho bệnh nhân đái tháo đường.

Để đánh giá chính xác độ an toàn, hiệu quả cũng như nguy cơ khi sử dụng insulin liều cao kết hợp với thuốc thì bác cần phải tham vấn trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa nội tiết, người nắm rõ hồ sơ bệnh án của bác, bác có thể đi cùng với con cháu trong nhà để cùng nghe tư vấn và giải đáp thắc mắc. Nếu gặp phản ứng dị ứng với insulin thì bác cần phải ngừng thuốc ngay lập tức. Thận trọng và tuân thủ cũng như tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ điều trị để kiểm soát đường huyết tránh những biến chứng không mong muốn do bệnh đái tháo đường.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X