Giám đốc - Bệnh viện Từ Dũ, TPHCM
Tiêm vắc xin khi mang thai và sau sinh con, có tốt hay không?
Câu hỏi
Thưa bác sĩ, hiện nay có nhiều thông tin trên các hội nhóm cho rằng khi mang thai và cả sau này khi con sinh ra không nên tiêm vắc xin vì trong đó có các thành phần gây độc cho cơ thể. Mong bác sĩ cho lời khuyên ạ!
Trả lời
Mẹ bầu nên tiêm vắc xin để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé
Chào bạn,
Tôi xin khẳng định, vắc xin luôn tốt, đây là thành tựu của y học. Vì để được cấp phép lưu hành vắc xin phải trải qua rất nhiều giai đoạn thử nghiệm để chứng minh tính an toàn và hiệu quả.
Không riêng gì nước ta, hiện nay nhiều nơi vẫn có nhóm anti vắc xin, tức là chống lại việc tiêm vắc xin và muốn để cơ thể tự nhiên. Nhưng xin thưa với các bạn, từ xưa đến nay loài người chúng ta vẫn luôn có ước ao làm sao chống lại được tất cả các bệnh tật bằng cách đơn giản nhất chứ không phải đợi đến khi có bệnh rồi mới đi điều trị. Một trong những điều lý tưởng nhất đó là chế tạo ra vắc xin, để chỉ với một giọt hoặc qua các liều tiêm có thể phòng ngừa được bệnh tật.
Có thể nói, vắc xin là liệu pháp tốt nhất của y tế dự phòng. Việc thay đổi lối sống, tăng cường vận động mục tiêu vẫn chỉ là tăng sức khỏe, sức đề kháng chống lại các loại bệnh tật, nhưng đến một lúc nào đó nếu chúng ta không thể kháng cự lại được thì buộc phải đối diện với nó và những biến chứng nặng nề. COVID-19 là một ví dụ điển hình, cả thế giới hiện nay đang chạy đua với thời gian để có vắc xin sớm nhất, giúp vượt qua dịch bệnh nhanh nhất.
Do đó, khi nói đến vắc xin, các ông bố, bà mẹ đừng lo lắng gì cả, nếu hệ thống y tế đã khuyến cáo rằng nên tiêm vắc xin thì chúng ta phải làm theo, thậm chí là bắt buộc, điều này tốt cho bản thân mà cộng đồng.
Đa số phản ứng do tiêm vắc xin thường là nhẹ và thoáng qua, chẳng hạn như đau ở chỗ tiêm và sốt nhẹ. Nhưng lợi ích của nó đem lại lớn hơn rất nhiều so với những nguy cơ, sẽ có rất nhiều ca bệnh và tử vong xuất hiện nếu không có vắc xin.
Còn gì tuyệt vời hơn khi chúng ta biết rằng, chỉ cần có các mũi tiêm này sẽ giúp phòng tránh được bệnh tật. Như việc chúng ta kỳ vọng sẽ chế tạo thành công vắc xin ngừa HIV và điều này cũng sắp thành công rồi. Nếu có liều vắc xin này thì đó sẽ là thành công vĩ đại của nhân loại.
Thực sự, cũng có điều khiến chúng tôi đau đáu. Khi chẳng may xảy ra một ca biến chứng nào đó do vắc xin thì cộng đồng rất chú ý, nhưng nếu không tiêm vắc xin thì có cả ngàn, cả triệu em bé tử vong vì căn bệnh đó thì dường như mọi người lại cảm thấy hoàn toàn bình thường.
Như gần đây nhất, bệnh bạch hầu quay trở lại ở Tây Nguyên mặc dù nó đã bị “xóa sổ” trước đó ở nước ta, vì một số cộng đồng người thiểu số không được tiêm ngừa nên khi bùng phát có thể lây lan nhanh. Bạch hầu ghê gớm lắm, nó là những màng trắng, có thể gây bít đường thở và tử vong.
Hay như đại dịch COVID-19 vừa qua, một trong những giả định được quan tâm nhất đó là những quốc gia có chương trình tiêm chủng mở rộng đối với bệnh lao như Việt Nam thì có tỷ lệ người mắc COVID-19 và tỷ lệ tử vong thấp hơn những quốc gia không triển khai chương trình này. Mặc dù đây chỉ là một giả thuyết nhưng cho chúng ta thấy rằng việc chủng ngừa rất quan trọng, là yếu tố nên cân nhắc và sáng suốt quyết định, nhất là cho con của mình. Do đó, chúng ta nên cẩn trọng trong việc tiếp nhận thông tin.
Thân mến.
(Trích từ Hội thảo “Để con hơn tôi” do Bệnh viện Từ Dũ tổ chức)
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình