Hotline 24/7
08983-08983

Tay chân nổi nhiều vết sần đỏ, cháu bệnh gì BS ơi?

Câu hỏi

Thưa các BS của AloBacsi.vn, Cháu bị nổi ngứa ở vùng da tay và chân (như file ảnh cháu gửi kèm). Cháu xin mô tả như sau: Da tự nhiên nổi vết sần đỏ, rất ngứa và rát, không có mụn nước. Khoảng nửa tháng thì tự khỏi nhưng chỗ da đó thâm đen đến vài tháng mới hết hẳn. Sau một thời gian nó lại tái phát đúng chỗ cũ và rộng hơn một chút. Đây là lần thứ 3 cháu bị như vậy, nhưng lần này bị thêm mấy nốt ở chân phải và tay trái (hai lần trước chỉ bị ở tay phải). Cháu sợ đi bệnh viện khám vì tốn khá nhiều tiền thuốc (Cháu đang là sinh viên ạ). Rất mong AloBacsi cho cháu lời khuyên, chẩn đoán xem cháu bị gì và dùng thuốc gì để chữa trị? Cháu xin chân thành cảm ơn. Kính chúc các BS luôn khỏe mạnh, công tác tốt! (V. Vụ - vanvu…@yahoo.com.vn)

Trả lời

BS.CK1 Võ Thị Tú Hạnh

BS.CK1 Võ Thị Tú Hạnh

Bác sĩ điều trị - Khoa Nội, Phòng khám Đa khoa Thiên Phúc

Ảnh do bạn đọc cung cấp 
Ảnh do bạn đọc cung cấp

Chào cháu Vụ,

Qua hình ảnh và theo mô tả, có thể cháu bị chứng ban đỏ nhiễm sắc cố định tái phát (fixed drug eruption). Đây là tình trạng phản ứng da do thuốc và thường là thuốc uống.

Bệnh thường chiếm khoảng 1/3 các trường hợp phản ứng dị ứng thuốc và là thể nhẹ. Sau khi uống thuốc khoảng vài giờ, bệnh nhân thấy ngứa, rát; nổi ban đỏ ở da, niêm mạc. Đôi khi xuất hiện mụn nước, phỏng nước trên nền da đỏ đó. Tổn thương hình tròn, bầu dục, kích thước từ 1cm đến vài cm.

Thương tổn thường khỏi sau vài tuần ngưng thuốc và để lại vết tăng sắc tố màu thâm đen. Vết thâm có thể tồn tại vài tháng đến hàng năm. Nhiều bệnh nhân không nghĩ đến dị ứng thuốc nên khi dùng lại thuốc đó, thương tổn lại tái phát như lần đầu chính tại vị trí cũ (có thể thêm vị trí mới), và lại tiếp tục thâm đen. Càng tái phát nhiều lần tổn thương nhiễm sắc càng nhiều và tồn tại lâu giống như một bớt sắc tố.

Nguyên nhân chính là do uống một số thuốc như kháng sinh: tetraxyclin, amoxylin. Sulfamid; thuốc hạ sốt giảm đau như paracetamol; thuốc an thần, thần kinh, thuốc ngủ,...

Trường hợp của cháu nên đến khám chuyên khoa da liễu, các bác sĩ sẽ giúp cháu tìm ra căn nguyên để loại trừ. Điều trị bệnh này cũng gần giống như điều trị chàm (eczema) dùng thuốc kháng histamin, kết hợp bôi thuốc tại chỗ... Vết thâm đen sẽ nhạt dần theo thời gian nếu như loại trừ hoàn toàn căn nguyên.

Nếu có thẻ BHYT cháu có thể đến khám khoa Da liễu tại BV mà cháu đăng ký khám (có ghi trên thẻ), sẽ không tốn nhiều tiền đâu cháu.

Để phòng bệnh, cháu nên thận trọng khi dùng thuốc, cần nhận diện và không dùng lại các thuốc đã gây bệnh, các dạng khác của thuốc cũng có thể gây phản ứng chéo.

Chúc cháu mau khỏi bệnh!


AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.

AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email: kbol@alobacsi.vn.

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X