Hotline 24/7
08983-08983

Sơ lược về các loại thuốc giảm đau

Câu hỏi

Mời bạn đọc theo dõi phần chia sẻ của BS.CK1 Cao Thành Ngọc về các loại thuốc giảm đau được bác sĩ chỉ định sử dụng cho người bệnh.

Trả lời

TS.BS Cao Thanh Ngọc

TS.BS Cao Thanh Ngọc

Trưởng khoa Nội Cơ xương khớp - BV Đại học Y dược TPHCM - Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy


Thuốc giảm đau được bác sĩ chỉ định sử dụng cho người bệnh thường dựa trên bậc thang thuốc giảm đau theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO):
 
Bậc 1: Dùng thuốc giảm đau không phải opioid như paracetamol, acid acetylsalicylic (aspirin) và thuốc chống viêm không steroid (gọi tắt là các NSAID). Các thuốc này thường được dùng để điều trị cơn đau nhẹ đến trung bình.

Bậc 2: Phối hợp thuốc loại opioid yếu (codein, tramadol) với paracetamol, thuốc viêm không steroid hoặc thuốc giảm đau hỗ trợ; thích hợp điều trị các cơn đau cường độ trung bình.

Bậc 3: Dùng thuốc giảm đau loại opioid mạnh như morphin, hydromorphon, methadon...; điều trị các cơn đau nghiêm trọng, dữ dội và/hoặc không có đáp ứng với các thuốc giảm đau bậc 1 và 2.

- Acetaminophen
là thành phần có hoạt tính của hơn 600 loại thuốc kê đơn và không kê đơn, bao gồm thuốc giảm đau, thuốc ho và thuốc cảm. Acetaminophen được xem là thuốc chọn lựa đầu tay đối với những trường hợp đau mạn tính, đặc biệt là đau cơ xương khớp nhờ tính hiệu quả và an toàn cao. Thuốc có thể sử dụng cho người có bệnh tim mạch, phụ nữ có thai và cho con bú, không hại dạ dày, không gây buồn ngủ. Không sử dụng thuốc ở bệnh nhân suy gan, thận trọng ở bệnh nhân giảm chức năng gan, nghiện rượu. Liều tối đa: 4g/24 giờ. Tuy nhiên, ở người cao tuổi do chức năng các cơ quan suy giảm nên liều dùng thường thấp hơn.

- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID)

Đây là nhóm thuốc được sử dụng tương đối rộng rãi, bao gồm các thuốc như meloxicam (Mobic®), celecoxib (Celebrex®), diclofenac, ibuprofen… và là nhóm thuốc có hiệu quả cao hơn acetaminophen trong kiểm soát đau mạn tính. Tuy nhiên, dùng thuốc quá liều có thể gây xuất huyết dạ dày. Nguy cơ này tăng lên đối với người trên 70 tuổi, dùng nhiều loại NSAID, dùng liều cao NSAID, dùng kèm thuốc chống đông hoặc có tiền sử loét tiêu hóa.

Để giảm nguy cơ tác dụng phụ trên tiêu hóa thì bác sĩ hay cho dùng kèm thuốc bảo vệ dạ dày hoặc lựa chọn những thuốc ít có tác dụng phụ trên đường tiêu hóa thông qua những cơ chế đặc biệt như ức chế chọn lọc COX2…

Sử dụng thuốc NSAID có thể có tác dụng phụ như gây phù, tăng huyết áp nặng lên, tăng tạo huyết khối dẫn đến tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Để giảm tác dụng phụ trên tim mạch thì bệnh nhân không được sử dụng thuốc nhóm NSAID trong vòng 6 tháng sau 1 biến cố cấp tính như nhồi máu cơ tim/đột quỵ hoặc mới thực hiện các thủ thuật như đặt stent mạch vành. Khi có sử dụng aspirin thì dùng aspirin cách trên 2 giờ đối với dùng NSAID và dùng NSAID liếu thấp, thời gian bán hủy ngắn.

Thuốc có thể gây hại cho thận hoặc khởi phát cơn hen ở những người có tiền sử hen phế quản.

Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh nhân sử dụng thuốc đều gặp những tác dụng phụ này. Nhiều bệnh nhân vẫn đạt được hiệu quả điều trị tối ưu mà không gặp tai biến đáng kể. Do đó, người bệnh cần phải được lựa chọn thuốc và theo dõi bởi bác sĩ để việc dùng thuốc được an toàn và hiệu quả.

- Nhóm thuốc giảm đau gây nghiện (Nhóm opioid)

Nhóm opioid chia 2 loại là opioid yếu như codein, tramadol và nhóm opioid mạnh như morphin, methadon… Thuốc không được bán rộng rãi và được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân đau trung bình đến nặng không đáp ứng với thuốc giảm đau thông thường cần cân nhắc sử dụng opioid. Đây là nhóm thuốc có thể gây buồn ngủ, mất thăng bằng và gây nghiện. Dùng quá liều một vài thuốc có thể gây suy hô hấp nặng hoặc thậm chí tử vong.

XEM THÊM:

>>>  Những vấn đề liên quan đến việc dùng thuốc ở người cao tuổi
>>> Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc giảm đau ở người cao tuổi

Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp.

Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:

› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn

› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh Online và Hỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn

› Để nói chuyện trực tiếp với bác sĩ, hàng ngày, từ 17 -19g, Hotline: 08983 08983

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X