Hotline 24/7
08983-08983

Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc giảm đau ở người cao tuổi

Không có lý do gì ngăn cả việc sử dụng thuốc giảm đau ở người cao tuổi trừ khi có chống chỉ định bởi vì theo WHO và ISAP thì “Giảm đau là quyền cơ bản của con người”.

1. Đau ở người cao tuổi

Đau là cảm giác khó chịu xuất hiện khi có tổn thương các mô cơ thể và là một trong những triệu chứng thường gặp nhất, không chỉ với bệnh nhân nội trú mà cả với bệnh nhân ngoại trú.

Có thể chia đau thành hai loại: đau cấp tính và đau mạn tính. Đau cấp tính là đau mới xuất hiện, có cường độ mạnh mẽ, bao gồm đau sau phẫu thuật, đau sau chấn thương, đau sau bỏng và đau sản khoa. Đau mạn tính là chứng đau dai dẳng tái đi tái lại nhiều lần.

Tỷ lệ đau mạn tính trong các nghiên cứu gần đây là 13-53%, trong đó 2/3 số bệnh nhân có mức độ đau từ trung bình đến nặng. Thống kê tại Anh cho thấy chi phí hàng năm điều trị đau lưng xấp xỉ 12.3 tỉ đô la. Do đó, việc sử dụng thuốc giảm đau hợp lý không chỉ giúp điều trị bệnh lý, cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn góp phần giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội.
 

Do dân số người cao tuổi đang ngày càng gia tăng nên tần suất đau mạn tính ở người cao tuổi cũng gia tăng theo tuổi. Những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng đau mạn tính ở người cao tuổi là bệnh lý cơ xương khớp như thoái hóa khớp, đau lưng, loãng xương...

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng có thể gây đau nhưng với tỉ lệ ít hơn như đau do bệnh lý thần kinh, đau do ung thư… Đau ở người cao tuổi có xu hướng ít thay đổi, cường độ từ trung bình đến nặng, kéo dài trong nhiều năm, đau tại nhiều vị trí và nhiều yếu tố tác động.

Triệu chứng đau ở người cao tuổi không điển hình, không rõ ràng và phản ứng với đau cũng chậm hơn so với người trẻ. Bên cạnh đó, người cao tuổi có nhiều bệnh mạn tính phối hợp và số lượng bệnh tăng theo tuổi nên việc kiểm soát đau trở thành không quan trọng vì quan niệm “đau nhức là bình thường ở người cao tuổi” làm người cao tuổi có nguy cơ chịu đựng các hội chứng đau mạn tính mà không được kiểm soát đầy đủ.

Đau dai dẳng hoặc không được điều trị thích hợp gây ra nhiều hậu quả bất lợi cho người cao tuổi: giảm chất lượng cuộc sống, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, lo âu, sử dụng nhiều thuốc, suy dinh dưỡng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng, chi phí y tế tăng từ đó góp phần làm tăng nguy cơ tàn tật, mất khả năng hoạt động hàng ngày.

Đau không chỉ gây phiền toái cho bệnh nhân mà cả người thân của họ. Tuy nhiên, do người cao tuổi mắc nhiều bệnh nên sử dụng nhiều thuốc và các cơ quan cũng đã suy yếu nên việc kiểm soát đau ở người cao tuổi cũng gặp nhiều khó khăn.

Điều may mắn là nếu nắm vững nguyên tắc dùng thuốc giảm đau ở người cao tuổi thì việc điều trị đau không còn là vấn đề khó khăn và người cao tuổi cũng sẽ được giải phóng khỏi những cơn đau mạn tính hành hạ hàng ngày.


2. Sơ lược về các loại thuốc giảm đau

Thuốc giảm đau được bác sĩ chỉ định sử dụng cho người bệnh thường dựa trên bậc thang thuốc giảm đau theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO):
 

Bậc 1: Dùng thuốc giảm đau không phải opioid như paracetamol, acid acetylsalicylic (aspirin) và thuốc chống viêm không steroid (gọi tắt là các NSAID). Các thuốc này thường được dùng để điều trị cơn đau nhẹ đến trung bình.

Bậc 2: Phối hợp thuốc loại opioid yếu (codein, tramadol) với paracetamol, thuốc viêm không steroid hoặc thuốc giảm đau hỗ trợ; thích hợp điều trị các cơn đau cường độ trung bình.

Bậc 3: Dùng thuốc giảm đau loại opioid mạnh như morphin, hydromorphon, methadon...; điều trị các cơn đau nghiêm trọng, dữ dội và/hoặc không có đáp ứng với các thuốc giảm đau bậc 1 và 2.

- Acetaminophen là thành phần có hoạt tính của hơn 600 loại thuốc kê đơn và không kê đơn, bao gồm thuốc giảm đau, thuốc ho và thuốc cảm. Acetaminophen được xem là thuốc chọn lựa đầu tay đối với những trường hợp đau mạn tính, đặc biệt là đau cơ xương khớp nhờ tính hiệu quả và an toàn cao. Thuốc có thể sử dụng cho người có bệnh tim mạch, phụ nữ có thai và cho con bú, không hại dạ dày, không gây buồn ngủ. Không sử dụng thuốc ở bệnh nhân suy gan, thận trọng ở bệnh nhân giảm chức năng gan, nghiện rượu. Liều tối đa: 4g/24 giờ. Tuy nhiên, ở người cao tuổi do chức năng các cơ quan suy giảm nên liều dùng thường thấp hơn.

- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID)

Đây là nhóm thuốc được sử dụng tương đối rộng rãi, bao gồm các thuốc như meloxicam (Mobic®), celecoxib (Celebrex®), diclofenac, ibuprofen… và là nhóm thuốc có hiệu quả cao hơn acetaminophen trong kiểm soát đau mạn tính. Tuy nhiên, dùng thuốc quá liều có thể gây xuất huyết dạ dày. Nguy cơ này tăng lên đối với người trên 70 tuổi, dùng nhiều loại NSAID, dùng liều cao NSAID, dùng kèm thuốc chống đông hoặc có tiền sử loét tiêu hóa.

Để giảm nguy cơ tác dụng phụ trên tiêu hóa thì bác sĩ hay cho dùng kèm thuốc bảo vệ dạ dày hoặc lựa chọn những thuốc ít có tác dụng phụ trên đường tiêu hóa thông qua những cơ chế đặc biệt như ức chế chọn lọc COX2…

Sử dụng thuốc NSAID có thể có tác dụng phụ như gây phù, tăng huyết áp nặng lên, tăng tạo huyết khối dẫn đến tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Để giảm tác dụng phụ trên tim mạch thì bệnh nhân không được sử dụng thuốc nhóm NSAID trong vòng 6 tháng sau 1 biến cố cấp tính như nhồi máu cơ tim/đột quỵ hoặc mới thực hiện các thủ thuật như đặt stent mạch vành. Khi có sử dụng aspirin thì dùng aspirin cách trên 2 giờ đối với dùng NSAID và dùng NSAID liếu thấp, thời gian bán hủy ngắn.

Thuốc có thể gây hại cho thận hoặc khởi phát cơn hen ở những người có tiền sử hen phế quản.

Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh nhân sử dụng thuốc đều gặp những tác dụng phụ này. Nhiều bệnh nhân vẫn đạt được hiệu quả điều trị tối ưu mà không gặp tai biến đáng kể. Do đó, người bệnh cần phải được lựa chọn thuốc và theo dõi bởi bác sĩ để việc dùng thuốc được an toàn và hiệu quả.

- Nhóm thuốc giảm đau gây nghiện (Nhóm opioid)

Nhóm opioid chia 2 loại là opioid yếu như codein, tramadol và nhóm opioid mạnh như morphin, methadon… Thuốc không được bán rộng rãi và được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân đau trung bình đến nặng không đáp ứng với thuốc giảm đau thông thường cần cân nhắc sử dụng opioid. Đây là nhóm thuốc có thể gây buồn ngủ, mất thăng bằng và gây nghiện. Dùng quá liều một vài thuốc có thể gây suy hô hấp nặng hoặc thậm chí tử vong.

3. Nguyên tắc và những điều cần chú ý khi dùng thuốc giảm đau ở người cao tuổi

- Thuốc giảm đau chỉ là điều trị triệu chứng, do đó cần kết hợp với điều trị nguyên nhân gây đau, phối hợp các biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc (như chườm nóng, chường lạnh, xoa bóp, vật lý trị liệu).

- Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ biết về những bệnh đã mắc trước đây hoặc hiện tại và tất cả những loại thuốc mà họ đang dùng để tránh tương tác thuốc, ví dụ như sử dụng aspirin liều thấp sẽ không được dùng cùng với ibuprofen.

- Liều lượng thuốc giảm đau cho bệnh nhân cao tuổi phải bắt đầu với liều thấp, sau đó tăng dần liều, phải đánh giá lại thường xuyên để điều chỉnh liều giảm đau thấp nhất nhưng đạt hiệu quả cao nhất và các tác dụng phụ của thuốc thấp nhất.

Để đạt được điều này, bệnh nhân không nên tự ý sử dụng thuốc hoặc sử dụng toa thuốc của bệnh nhân khác vì mức độ đau của mỗi người mỗi khác nhau, cơ địa của mỗi người bệnh cũng khác nhau. Do đó, bệnh nhân nên đến khám và sử dụng thuốc theo kê toa của bác sĩ. Người bệnh cũng không được sử dụng 1 toa thuốc kéo dài vì thấy có hiệu quả mà nên tái khám để bác sĩ chỉnh liều thuốc thích hợp theo từng giai đoạn của bệnh.

- Dùng đường uống là chính nhằm đơn giản hóa cách thức sử dụng. Tuy nhiên, cần chú ý lựa chọn những thuốc dễ sử dụng (thuốc có kích cỡ quá to sẽ gây khó nuốt), nhãn to để người cao tuổi dễ đọc, dễ lấy. Đối với những người hay quên hoặc bị sa sút trí tuệ cần phải có người nhà theo dõi và kiểm soát việc dùng thuốc.

- Cần phải theo dõi hiệu quả và tác dụng phụ của thuốc. Đến khám bác sĩ ngay khi có dấu hiệu bất thường hoặc định kỳ mỗi 2-4 tuần điều trị vì có những tác dụng phụ không có triệu chứng báo hiệu.

- Điều cần lưu ý là bệnh nhân không nên sử dụng thuốc giảm đau không rõ nguồn gốc hoặc các chế phẩm không rõ thành phần bên trong vì đôi khi những sản phẩm này có chứa corticoid.

Corticoid giúp giảm đau nhanh, ăn được, ngủ ngon và giá tiền lại rẻ nên nhiều bệnh nhân ví như “thuốc tiên”. Tuy nhiên, khi đã sử dụng lâu dài thì người bệnh sẽ bị lệ thuộc corticoidvới biểu hiện bên ngoài là béo thân người (bụng to), cơ tay chân teo nhỏ, da mỏng, xuất huyết ngoài da, rậm lông ở vài vị trí… và kèm theo nhiều biến chứng bên trong nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, tăng huyết áp, đái tháo đường, loãng xương...

Nếu người bệnh tự ý ngưng thuốc đột ngột sẽ bị suy thượng thận, tụt huyết áp và có thể dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, một số trường hợp cần sử dụng corticoid thì bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng và đạt hiệu quả tối ưu.

Do đó, thuốc corticoid phải được chỉ định bởi bác sĩ vì chính bác sĩ trực tiếp khám mới biết được trường hợp nào không được dùng thuốc, trường hợp nào được dùng corticoid và dùng thuốc loại nào, liều lượng ra sao, thời gian sử dụng thuốc kéo dài bao lâu và theo dõi như thế nào trong quá trình điều trị, khi nào giảm liều, khi nào ngưng thuốc, chế độ ăn uống như thế nào trong thời gian dùng thuốc…


Tóm lại, mặc dù vấn đề điều trị đau ở người cao tuổi khá phức tạp nhưng việc kiểm soát đau hay dùng thuốc giảm đau ở người cao tuổi vẫn tương đối an toàn nếu như người bệnh tuân theo đúng các khuyến cáo và được chỉ định dùng thuốc, theo dõi việc dùng thuốc bởi bác sĩ chuyên khoa.

Vì vậy, không có lý do gì ngăn cả việc sử dụng thuốc giảm đau ở người cao tuổi trừ khi có chống chỉ định bởi vì theo WHO và ISAP thì “Giảm đau là quyền cơ bản của con người”.

BS.CK1 Cao Thanh Ngọc
BV Đại học Y dược TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X