Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế điều trị thế nào?
Câu hỏi
Kính chào Bác sĩ, em là nam năm nay 28 tuổi, em rất mong Bác sĩ bỏ chút thời gian xem trước qua cho em trình bày trường hợp của mình: Thưa Bác sĩ hiện tại em cứ lo lắng rằng mình đã có thể bị nhiễm 1 căn bệnh truyền nhiễm nan y nào đó do quá trình tiếp xúc bên ngoài xã hội môi trường. Lo lắng về bệnh nào là em lại lên mạng và tìm hiểu đọc tường tận chi tiết về bệnh đó và sau đó càng thêm hoang mang. Vừa rồi em lo lắng ám ảnh về HIV thì em đã đi xét nghiệm và âm tính, nhưng sau đó lại đến hàng loạt các thứ bệnh đáng sợ khác như lao phổi, viêm phổi hay thậm chí phong cùi, viêm gan... Em cứ nghĩ trong quá trình tiếp xúc bên ngoài mình đã có thể vô tình lây nhiễm rồi và về nhà em không dám sinh hoạt với gia đình vì sợ truyền bệnh cho người khác, tay hay đồ của mình chạm vào của người khác trong nhà thì em cũng sợ lây bệnh được cho mọi người. Khi vào bệnh viện mặc dù lo sợ đi đứng cách xa mọi người và ăn mặc kín mít, về nhà cũng sợ có thể mình bị lây gì, đến giờ thật sự thì em còn ám ảnh khó dám đụng chạm sờ vào bất cứ vật gì ngoài đồ dùng của mình do lo sợ có thể mắc bệnh và truyền bệnh, nếu đã làm việc gì đó đụng vào đồ của người khác mà khiến em nghĩ có thể lây truyền bệnh thì sau đó em sẽ lo nghĩ rất nhiều về việc đó và thấy khó chịu trong người khi đã để xảy ra việc đó rồi lo lắng hoang mang. Đụng chạm vào đồ vật bình thường em cũng phải rửa tay hoặc rửa lau chùi đồ vật đó vì nếu không làm em sẽ không thể chịu được, thậm chí sau nhiều ngày trôi qua em vẫn còn lo và nghĩ nó vẫn còn bẩn, vẫn còn vi trùng, chạm vào vẫn có thể bị sao đó, em cứ cầu toàn rửa hay tắm đi tắm lại và sau đó sạch sẽ sẽ không thể chạm vào thứ gì khác nếu chạm sẽ phải rửa lại tắm lại ngay lập tức đến bao giờ cảm thấy vừa ý thì thôi, dù có thể biết là nó vô lý vô cớ không bị sao nhưng em vẫn cảm thấy sợ chẳng may hay nhỡ đâu như thế nào, và đến giờ thì cho dù đọc tìm hiểu trên các phương tiện thông tin về các bệnh về đường lây truyền nhưng dần cảm thấy không muốn tin vào kiến thức và cứ tự mình lo của mình thôi. Em thật sự rất mệt mỏi khi như vậy khiến em sống không thể thoải mái thậm chí còn không dám ăn uống chung không dám đi tìm việc làm vì tâm lý bây giờ rất thiếu tự tin, lo lắng lo xa tương lai... Em nghĩ rất nhiều thứ và chủ yếu là những thứ khiến mình lo âu và không có cách nào thoát khỏi những suy nghĩ đó được. Ngoài sự việc trên thì hiện tại em cũng thấy đầu óc mình bây giờ không còn được minh mẫn tập trung nữa, hay quên, em thức đêm rất nhiều từ vài năm, thường xuyên ở một mình trong phòng và thích ở một mình, mất hứng thú với nhiều điều, tâm lý hay bất ổn dễ cáu, dễ xúc động và cũng có nhiều biểu hiện suy nghĩ hành động lập dị như bị ma làm có những suy nghĩ ám ảnh và hành vi cưỡng chế lặp đi lặp lại, đầu óc thì lúc nào cũng như người ở đâu rơi xuống, trầm cảm, lo sợ là lại vào điện thoại đọc ... Em vẫn có thể gặp gỡ nói chuyện với bạn bè bình thường và như ví dụ đây vẫn có thể miêu tả triệu chứng của mình cho bác sĩ một cách tỉ mỉ nhưng thật sự nó là ở tâm bên trong người của mình và em cảm thấy chỉ có mình mới biết được mình đang gặp phải những gì, vì vài lí do rất khó có thể tâm sự kể cho ai rõ về sự tình của mình đặc biệt là người trong gia đình. Vậy mong bác sĩ hay cho em lời khuyên và làm cách nào để em có thể có được lại một cuộc sống bình thường ạ?
Trả lời
Bệnh cảnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế bao gồm các ý nghĩ lo sợ, lặp đi lặp lại một cách ngoài ý muốn trong đầu bệnh nhân gọi là ý nghĩ ám ảnh; và đi kèm cùng lúc hoặc sau đó là các hành vi cưỡng chế nhằm xóa tan sự sợ hãi do các ý nghĩ ám ảnh gây ra. Ví dụ: ý nghĩ sợ bệnh đi kèm với hành vi ám ảnh rửa tay nhiều lần.
Tình trạng của bạn hiện tại cho thấy không có khả năng kiểm soát các hành vi cưỡng chế, và cuộc sống hàng ngày bị ảnh hưởng (mất ngủ, quan hệ xã hội…), do đó, bạn bắt buộc phải phối hợp cả thuốc và trị liệu tâm lý theo chuyên khoa. Để kết quả điều trị bệnh tốt, quá trình trị liệu cần được giám sát chặt chẽ, điều chỉnh thuốc thích hợp tùy từng giai đoạn bệnh chứ không nên tự ý sử dụng.
Do đó, điều bạn nên làm bây giờ là nhanh chóng đến khám chuyên khoa tâm thần để được điều trị sớm, giúp giải quyết các khó chịu hiện tại, nhằm khôi phục cuộc sống và khả năng học tập, làm việc.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một bệnh rối loạn tâm thần ảnh hưởng đến cách suy nghĩ và hành vi của bệnh nhân. Khi mắc bệnh, các suy nghĩ và nỗi sợ không mong muốn (hay còn gọi là sự ám ảnh) xuất hiện liên tục và khiến bệnh nhân lặp đi lặp lại các hành động cưỡng chế. Ví dụ như việc tự hỏi cửa đã khóa hay chưa làm bạn phải kiểm tra cửa vài lần. Người bệnh thường có thể cố gắng loại bỏ các suy nghĩ đó, nhưng điều này chỉ càng làm họ căng thẳng và lo lắng hơn. Cuối cùng, họ vẫn buộc phải thực hiện hành động để giải tỏa căng thẳng. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình