Hotline 24/7
08983-08983

Quá trình theo dõi dị dạng mạch máu não cần lưu ý gì?

Câu hỏi

Chào bác sĩ! Với những trường hợp có hẹp mạch máu não, dị dạng mạch máu não hay có túi phình nhưng tình trạng còn nhẹ, chưa cần can thiệp thì việc theo dõi cần lưu ý điều gì? Trân trọng cảm ơn.

Trả lời

TS.BS Trần Chí Cường

TS.BS Trần Chí Cường

Giám đốc chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ - Bệnh viện Đột quỵ tim mạch Cần Thơ SIS

Dị dạng mạch máu não không điều trị kịp thời gây nhức đầu và động kinh kéo dài

Chào bạn,

Khi tầm soát đột quỵ chia ra làm 2 nhóm nguyên nhân.

- Thứ nhất là nhóm gây ra đột quỵ nhồi máu não (hay tắc nghẽn mạch máu). Khi tầm soát phát hiện trường hợp bệnh nhân có nguy cơ nhồi máu não do tắc nghẽn mạch máu lớn thì phải can thiệp sớm. Chẳng hạn như bệnh nhân bị hẹp mạch máu từ trên 90% đường kính mạch máu trên 2mm và bệnh nhân đã có triệu chứng cần phải can thiệp sớm bằng cách đặt stent, nong bong bóng, bóc nội mạc... để tái lập dòng máu. Còn mức độ hẹp mạch máu dưới 70% thì phần lớn chỉ điều trị nội khoa, không cần xâm lấn. Mạch máu não từ đường kính 2mm trở lên đã được phân nhóm vào mạch máu lớn.

- Thứ hai là nhóm có nguy cơ xuất huyết não. Đầu tiên là dị dạng mạch máu não. Đây là dị tật xảy ra trong giai đoạn bào thai, khi đứa trer sinh ra bên trong não có những búi mạch máu dư thừa. Nếu những dị tật bẩm sinh khác như ngón tay, ngón chân thừa thì có thể thấy ngay nhưng những dị tật trong não thì chúng ta không thể thấy được.

Khi phát hiện dị dạng mạch máu não, ngoài những trường hợp quá lớn chiếm nửa bán cầu không thể chữa khỏi còn lại đa số các trường hợp hoàn toàn có thể chữa khỏi được. Khuynh hướng của y học ngày nay là sẽ tìm cách điều trị dị dạng bằng các phương pháp như: mổ bóc (nếu dị dạng dưới 3cm ở vùng vị trí nông thì ngoại khoa có thể mổ và cắt dị dạng đó); hoặc can thiệp nội mạch để gây tắc (đưa ống từ đùi lên não, bơm những thuốc để làm tắc nghẽn hoàn toàn khối dị dạng); hoặc xạ phẫu Gamma Knife (chiếu tia vào để tiêu dị dạng).

Với những trường hợp dị dạng mạch máu não không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh nhân có thể bị động kinh kéo dài, nhức đầu thường xuyên hoặc căng quá mức gây vỡ và khi vỡ ra sẽ gây xuất huyết não. Dị dạng mạch máu não là nguyên nhân của phần lớn những trường hợp đột quỵ xuất huyết não ở người trẻ.

Nhóm thứ 2 là phình mạch, đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây xuất huyết não. Chúng ta có thể hiểu đơn giản như một chiếc ruột của xe đạp, nếu chạy lâu ngày không có tiền thay thì nó sẽ phình quá mức và bể. Tương tự, mạch máu cũng như vậy, khi nó phình ra đến một mức độ nào đó quá khả năng chịu đựng thì cũng sẽ vỡ.

Trong trường hợp tầm soát ra bệnh nhân có túi phình dưới 2mm, chưa có biểu hiện nhức đầu, tiền căn xuất huyết não thì có thể theo dõi hàng năm, nếu có diễn tiến động của túi phình thì phải có phương pháp điều trị, chẳng hạn như khi phát hiện chỉ có 2mm nhưng năm sau kiểm tra lại tăng lên 3mm thì phải điều trị ngay. Hoặc nếu tầm soát phát hiện túi phình từ 5mm trở lên, gây ra các triệu chứng nhức đầu, sụp mi mắt, ói mửa, người yếu một bên thì bắt buộc phải điều trị sớm

Các công nghệ, kỹ thuật điều trị hiện nay rất an toàn, tỷ lệ rủi ro và biến chứng chỉ dưới 2%. Do đó, nếu có trang thiết bị hiện đại, bác sĩ có chuyên môn, trình độ tốt và được điều trị có kỹ thuật can thiệp nội mạch thì hoàn toàn có thể loại bỏ hoàn toàn túi phình để tránh nguy cơ xuất huyết não. Về mặt lý thuyết, túi phình càng lớn nguy cơ vỡ càng cao. Túi phình dưới 5mm nguy cơ vỡ thấp, tỷ lệ là 2/100 (100 trường hợp có 1-2 ca), không cần quá lo lắng.

Nhóm thứ 3 là tăng huyết áp. Đây là một nguy cơ rất cao trên bệnh lý dễ chẩn đoán nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Để phát hiện bệnh này, cách đơn giản nhất là đo huyết áp. Các nghiên cứu cho thấy ở những người trên 50 tuổi thì có trên 50% dân số là có nguy cơ của bệnh tăng huyết áp.

Việc đo huyết áp hàng ngay, theo dõi huyết áp định kỳ là đã giảm phần lớn các trường hợp xuất huyết não do tăng huyết áp. Nếu chúng ta để huyết áp từ 180mmHg trở lên thì những trường hợp đó rất dễ bị xuất huyết não do tăng huyết áp.

Thân mến.

(Trích từ livestream TS.BS Trần Chí Cường tư vấn cách phòng ngừa đột quỵ trong dịch bệnh COVID-19)

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X