Hotline 24/7
08983-08983

Nuốt vướng, vách ngăn sau hàm nổi hạt trắng nhỏ, dấu hiệu ung thư vòm họng?

Câu hỏi

Chào bác sĩ, Tôi năm nay 40 tuổi, có tiền sử viêm xoang mạn. Hai tháng trước tôi có khám tổng quát và nội soi Tai Mũi Họng vì cổ họng tôi thường có triệu chứng vướng đàm cổ khạc nhổ không ra, kết quả là bị viêm xoang. Hai tuần nay tôi cảm và ho đau cổ họng, đi khám bác sĩ và được cho thuốc uống, xịt mũi, hiện tại thấy hết ho nhưng cổ họng tôi khi nuốt nước bọt cảm thấy vướng như bị nghẹn thuốc bên phải cổ họng, khi ăn uống không bị gì, trong miệng sau hàm răng là vách ngăn có nổi vài hạt trắng nhỏ như đầu bút bi, không đau. Xin hỏi bác sĩ tôi bị bệnh gì? Có phải liên quan đến ung thư vòm họng không? Xin chân thành cảm ơn bác sĩ.

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Triệu chứng nuốt vướng. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Triệu chứng nuốt vướng. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào em,

Triệu chứng nuốt nước bọt cảm thấy vướng đàm khá thường gặp ở người có bệnh viêm xoang mạn, đặc biệt là hệ thống xoang trước, bởi vì dịch từ hệ thống xoang mũi có thể chảy theo lổ mũi sau vào hầu họng, vừa gây cảm giác vướng đàm, vừa kích thích niêm mạc vùng hầu họng gây viêm họng hạt nên cảm giác vướng càng gia tăng. Bạn đã nội soi Tai Mũi Họng mới đây 2 tháng và chỉ có viêm xoang mà thôi, thì chúng ta ít nghĩ đến bệnh ung thư vòm họng, vì khi thấy các tổn thương nghi ngờ ung thư thì bác sĩ sẽ phết dịch hầu họng tìm tế bào ác tính cho bạn.

Do đó, bạn nên rửa mũi bằng nước muối sinh lý trước và sau khi đi ra đường, trước và sau khi ngủ dậy, giữ ấm cơ thể đặc biệt là vùng đầu mặt cổ, hạn chế để quạt thổi thẳng vào đầu mặt cổ, hạn chế máy lạnh, vệ sinh máy điều hòa / quạt định kỳ, uống nhiều nước trong ngày và ăn uống bồi bổ, không hút thuốc lá, hạn chế nước đá lạnh và thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, tối nên nằm đầu cao, tránh nơi ô nhiễm khói bụi, ra đường nên đeo khẩu trang, nên tiếp xúc với ánh nắng sớm 30-45 phút mỗi ngày.

Nếu có triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản thì phải khám chuyên khoa Tiêu hóa để điều trị cho khỏi hẳn bởi vì đây cũng là 1 trong các nguyên nhân thường gặp gây triệu chứng trên. Nếu vẫn không bớt tình trạng khó chịu này, bạn cần khám lại tại Bệnh viện Tai Mũi Họng, để bác sĩ kiểm tra và điều chỉnh thuốc cho phù hợp, bạn nhé.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Viêm xoang là thuật ngữ chỉ tình trạng viêm của lớp niêm mạc lót trong một hoặc các xoang cạnh mũi, bệnh viêm xoang được chia thành 2 dạng là viêm xoang cấp và viêm xoang mạn tính. Bệnh viêm xoang là bệnh thường gặp, có khả năng tái đi tái lại nhiều lần và rất dễ trở thành bệnh mạn tính gây nhiều khó chịu cho người bệnh.

Tùy theo từng trường hợp cụ thể khác nhau,từng giai đoạn của bệnh mà viêm xoang có thể có những biểu hiện triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, bệnh viêm xoang thường biểu hiện ra ngoài bởi 5 triệu chứng chính gồm: đau nhức vùng xoang bị viêm; ngứa mũi; nghẹt mũi, chảy mũi hoặc điếc mũi. Dấu hiệu của bệnh viêm xoang không khác nhiều so với các bệnh về đường hô hấp, do đó người bệnh rất dễ tưởng nhầm với bệnh viêm mũi dị ứng và tự tìm cách chữa trị từ đó khiến tình trạng bệnh tồi tệ hơn.

Việc điều trị viêm xoang thế nào cần phải dựa vào các nguyên nhân gây bệnh. Nếu niêm mạc lót bị tổn thương ít sẽ điều trị bảo tồn bằng cách dùng thuốc kháng sinh, kháng histamin, thuốc co mạch, chọc rửa xoang, vi phẫu thuật qua mũi, cắt polyp, mổ vẹo vách ngăn.

Nếu việc điều trị bảo tồn thất bại sẽ phải điều trị tiệt căn bằng các loại thủ thuật xoang: nạo sàng qua mũi hoặc qua đường ngoài, nạo sàng hàm, mổ xoang trán, xoang bướm, mổ liên xoang, dùng phương pháp vi phẫu nhằm tái tạo lại sinh lý bình thường của xoang.

Bên cạnh đó, để điều trị viêm xoang hiệu quả, người bệnh cần tránh xa các dị nguyên gây bệnh như khói thuốc lá, mùi xăng dầu, dầu thơm, bụi, chó, chim, mèo. Nên giữ cho không khí trong nhà, phòng ngủ được thoáng. Mùa đông nên dùng máy phun nước để cho không khí không quá khô. Không nên để cơ thể, nhất là vùng ngực và họng bị nhiễm lạnh. Nên đeo khẩu trang khi đi ngoài đường, vệ sinh răng miệng sau bữa ăn, có chế độ ăn uống tốt.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X