Gân gót chân là một trong những gân lớn và khỏe nhất của cơ thể con người. Nếu gân gót chân bị kéo căng quá mức nó có thể bị rách hoặc đứt
Chào bạn,
Gân Achilles là một cấu trúc gân cực kỳ khỏe và chắc chắn, kết nối các cơ ở phía sau bắp chân với xương gót. Đây là gân hết sức quan trọng trong việc di chuyển đi lại, đóng vai trò chủ đạo trong các hoạt động chạy, nhảy xa, bật cao. Cử động rõ ràng nhất của gân gót được thể hiện khi đứng chịu lực bằng mũi ngón chân (đứng nhón gót, đứng kiễng chân).
Gân gót chân có thể bị rách/đứt một phần hoặc toàn bộ. Trong trường hợp nhẹ, gân chỉ đứt một phần, sức cơ có thể hồi phục dần nhờ tập vật lý trị liệu mà không cần phẫu thuật. Trong trường hợp nặng hơn, sẽ cần phải phẫu thuật. Việc phục hồi thường chậm, trung bình phải mất đến 6 tháng. Nếu được điều trị sớm và tập vật lý trị liệu đúng theo hướng dẫn thì hầu hết các bệnh nhân đứt gân Achilles có thể phục hồi hoàn toàn.
Tổn thương gân gót của bạn đã khá lâu, các hoạt động sinh hoạt đã trở về bình thường thì không có chỉ định phẫu thuật nữa. Nếu muốn tập luyện thể thao, bạn cần phải tập luyện tích cực hơn, tốt nhất là khám chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để bác sĩ đánh giá thêm và cho chỉ định tập phù hợp.
Để phòng ngừa đứt gân Achilles tái phát, bạn cần chú ý khởi động kĩ trước khi tập luyện, tích cực tập căng giãn các cơ bắp chân bằng bài tập kéo bàn chân về phía mu chân, làm căng bắp chân cho đến khi cảm thấy một lực kéo nhưng không đau. Các bài tập này sẽ giúp cải thiện sức mạnh của bắp chân, đồng thời giúp cơ và gân hấp thụ nhiều lực hơn và ngăn ngừa khả năng chấn thương.
Thay thế các môn thể thao có cường độ vận động vùng gót cao bằng các môn thể thao có cường độ thấp hơn khi bắt đầu thấy quá tải, như đạp xe tại chỗ hoặc bơi. Hạn chế tối đa các vận động gây căng thẳng quá mức lên gân Achilles như các môn chạy trên đường dốc.
Hạn chế chạy trên bề mặt quá cứng hoặc trơn trượt. Thân mến!