BS chuyên khoa Hô hấp, BV ĐHYD TP.HCM - Bệnh viện đại học Y dược TPHCM
Người bệnh hô hấp cần làm gì để bảo vệ sức khỏe trước dịch COVID-19?
Câu hỏi
Để bảo vệ sức khỏe của mình trước dịch bệnh COVID-19 thì người bệnh hô hấp đặc biệt cần lưu ý điều gì, thưa BS? Ngoài những khuyến cáo chung dành cho cộng đồng như đeo khẩu trang, rửa tay… thì có cần chuẩn bị thêm các thiết bị hay thuốc cấp cứu gì khác không ạ?
Trả lời
Người bệnh nên tiêm ngừa cúm hàng năm để tăng sức đề kháng
Chào bạn,
Trong khi điều trị hen suyễn và COPD, điều quan trọng nhất chúng tôi thường nói với bệnh nhân rằng chúng ta có thể kiểm soát được bệnh này, mặc dù không chữa dứt được. Vì vậy chúng ta sẽ không ho, không khạc đàm, không khò khè, không khó thở, hoặc giảm bớt các triệu chứng đó. Chúng ta sẽ không phải vào đợt cấp, không phải đi cấp cứu.
Ngược lại, muốn được như vậy thì phải làm như thế nào? Thứ nhất, bệnh nhân phải được xác nhận đúng bệnh, đúng là có suyễn, đúng là có COPD. Bởi nhiều khi lao phổi cũng nghĩ là hen suyễn (bởi triệu chứng khá giống nhau), điều này rất nguy hiểm.
Thứ hai, phải xác định được độ nặng của bệnh để bác sĩ cho mức thuốc tương ứng. Ở suyễn có 5 bậc, ở COPD có 4 nhóm.
Thứ ba, biết được các yếu tố kích thích của mình. Ví dụ, hít phải mùi thơm thì lên cơn, ăn đồ biển là lên cơn, xúc động là lên cơn, gắng sức là lên cơn... chúng ta sẽ biết và xác định được điểm đó.
Thứ tư, phải đi chích ngừa. Bệnh nhân hen suyễn và COPD nên chích ngừa cúm. Hiện có 2 dạng cúm, cúm Nam bán cầu có thuốc tác dụng từ tháng 4 đến tháng 10, cúm Bắc bán cầu có thuốc tác dụng từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau.
Hiện nay các hội hô hấp trên thế giới khuyến cáo chích mùa cúm đầu tiên. Mỗi một năm các hãng dược sẽ theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới để nhận biết trong năm nay chủng cúm mùa nào sẽ lưu hành. Cúm này là cúm mùa, không phải là cúm gà hay SARS-CoV-2 (bởi chúng ta chưa có thuốc hay vắc xin cho cúm này). Tháng 4 thuốc sẽ có ở nước ngoài và khoảng tháng 5 sẽ về Việt Nam. Như vậy, khuyến cáo tất cả bệnh nhân hen suyễn hay COPD đều phải chích ngừa cúm ít nhất một năm 1 lần vào khoảng tháng 4, tháng 5.
Thường 1 liều cúm là đã đủ, và bệnh nhân thường cảm ơn chúng tôi vì lời khuyên đó, bởi những đợt cảm cúm là đợt gây kịch phát hen và COPD. Với những bệnh nhân yếu quá, sức đề kháng kém quá thì bác sĩ thường có thể khuyên chích thêm một mũi thứ hai khoảng từ tháng 10 đến tháng 11.
Nhưng riêng bệnh nhân COPD thì phải thêm một loại chích ngừa nữa, đó là thuốc viêm phổi. Rất may là hiện nay Việt Nam đã về loại thuốc viêm phổi PV13, chỉ cần chích 1 mũi trong suốt cuộc đời.
Thuốc hen suyễn, thuốc cúm khoảng từ 300.000 ngàn đồng/ mũi, còn PV13 khoảng 1.300.000 ngàn đồng/ mũi.
Bên cạnh đó, cũng giống như những lời khuyên khác, chúng ta cần tập thể dục, phơi nắng buổi sáng, uống sữa, ăn các loại trái cây có múi như cam, chanh, quýt, bưởi cực kỳ tốt cho hệ hô hấp.
Bác sĩ vẫn luôn cho bệnh nhân viên kẽm 10mm gram. Viên kẽm này rất rẻ tiền, với trẻ em thì có dạng siro, một ngày dùng 1 viên, bởi trong thức ăn có rất ít kẽm, trừ khi ăn hàu thì có nhiều kẽm hơn.
Đối với bệnh nhân COPD, khả năng hô hấp của họ yếu hơn, thuốc cũng không giúp hồi phục được như hen suyễn. Vì vậy những hoạt động gắng sức, thậm chí cúi xuống với lên lấy vật gì đó cũng mệt. Vì vậy những thứ, đồ vật nên để trong tầm tay.
Ở những bệnh nhân nặng, đến việc nhai cũng mệt, vì vậy nên cho người bệnh ăn thức ăn rất mềm, nhiều năng lượng. Nếu bệnh nhân ăn no thì dạ dày đẩy lên làm hoành cách mô đi lên, phổi nhỏ lại, bệnh nhân cũng mệt nữa. Cho nên bệnh nhân COPD cần ăn 5 bữa một ngày, mỗi bữa chỉ nên ăn một chút. Thức ăn lý tưởng nhất là phô mai, rất mềm và bổ, phù hợp với bệnh nhân.
Thân mến.
(Trích từ Livestream PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan: Người bệnh hô hấp, hen, COPD cần bảo vệ mình trước đại dịch COVID-19)
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình