Hotline 24/7
08983-08983

Ngu ngơ, không biết ứng nhân xử thế có phải là bệnh tâm thần?

Câu hỏi

Chào bác sĩ, Em là nam, năm nay 21 tuổi. Từ bé tới giờ em rất hay tưởng tượng khi nhìn vào một vật, ví dụ như các hoa văn trên gạch đá ốp lát em đều nhìn đăm chiêu và tưởng tượng ra một khung cảnh gì đấy, đến bây giờ thì em không còn thói quen đó nữa. Hồi bé tầm 7, 8 tuổi em có những biểu hiện lạ nhưng không tự nhận thức được bản thân đó là biểu hiện khác thường như cắn cổ áo cho tới rách. Lên cấp 2, suy nghĩ của em vẫn không thực tế, nói những câu chuyện xa vời, ảo tưởng về bản thân trong học vấn và hay nói luyên thuyên, không đúng với hoàn cảnh. Giờ em đã 21 tuổi, bước vào đại học nhưng tư duy về xã hội và nhận thức về cuộc sống thì không khác gì một đứa trẻ 6 tuổi, vẫn ngu ngơ, không biết ứng nhân xử thế là gì. Đây có phải là một dạng bệnh tâm thần hay không? Em cảm ơn bác sĩ.

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Chào em,

Tôi mừng vì em ý thức được vấn đề của bản thân, và tìm đến sự tư vấn của y khoa khi nghi ngờ mình có dấu hiệu bất thường, trường hợp này ở độ tuổi của em là điều ít gặp và cũng là sự tiến bộ.

Thật ra, trong độ tuổi mười mấy - đôi mươi trở xuống, suy nghĩ, cảm xúc và nhân cách của các em chưa ổn định, có nhiều em có thể tự điều chỉnh được nhưng có em thì bị rối loạn nhân cách luôn. Trường hợp của em, theo tôi là em có vấn đề về tâm lý, tâm thần đó, và em nên khám chuyên khoa Tâm thần.

Em đừng dị ứng với 2 chữ tâm thần, bệnh về tâm thần hiện nay rất phổ biến, và biểu hiện dưới nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau, như rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu ám ảnh sợ, trầm cảm... chứ không phải là “khùng”, “điên”, “bị nhập”, đây là cách nghĩ sai lầm của đa phần người dân - chưa có đủ nhận thức về bệnh lý tâm thần trong xã hội hiện nay - dẫn đến sự xa lánh, cay nghiệt dành cho người bệnh, và từ đó người bệnh bị hoảng sợ, chán ghét chính bản thân mình khiến bệnh ngày càng nặng hơn.

Để chẩn đoán xác định một người có rối loạn tâm thần hay không, loại bệnh nào, mức độ ra sao thì bác sĩ chuyên khoa Tâm thần cần phải trò chuyện và khám trực tiếp cho em, khai thác thêm rất nhiều thông tin khác và tầm soát các bệnh lý tổn thương thực thể (như bệnh về nội tiết, thần kinh…) mới định bệnh được và điều trị thích hợp.

Vì thế, theo tôi tốt nhất em nên đến khám bác sĩ chuyên khoa Tâm thần để được chẩn bệnh và điều trị thích hợp (bao gồm cả thuốc và tâm lý trị liệu). Ở TPHCM, một số trung tâm có chuyên khoa Tâm thần mạnh là Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Đại học Y Dược... em có thể tham khảo thêm.

Thân mến.
Mời tham khảo thêm:

Bệnh tâm thần liên quan đến một loạt các vấn đề về sức khỏe tâm thần, rối loạn có ảnh hưởng đến suy nghĩ, tâm trạng và hành vi của người đó.

Nguyên nhân chính xác gây bệnh tâm thần đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Bệnh tâm thần nói chung, được cho là gây ra bởi một loạt các yếu tố di truyền và môi trường.

Bệnh tâm thần có thể làm cho người bệnh đau khổ và gây ra những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày, như tại nơi làm việc hoặc trong các mối quan hệ. Trong hầu hết trường hợp, triệu chứng của bệnh tâm thần có thể được khắc phục với sự kết hợp của thuốc và tư vấn tâm lý.

Để giảm căng thẳng hay tránh stress dẫn đến những rối loạn tâm thần, dự phòng, giảm nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, mỗi người cần duy trì lối sống lành mạnh: Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia và các chất kích thích, tăng cường hoạt động thể lực, kết hợp cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi… Ngoài ra, cần biết phát hiện sớm các biểu hiện của các rối loạn liên quan stress như căng thẳng, lo âu, mất ngủ... để khám và điều trị kịp thời.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X