Hotline 24/7
08983-08983

Mẹ em đang xạ trị ung thư, sắp tới sẽ “đi xạ hình xương” là để làm gì vậy ạ?

Câu hỏi

Chào bác sĩ, Gia đình em vô cùng biết ơn bác sĩ đã trả lời câu hỏi trước: “Mẹ em đã phẫu thuật ung thư vú, hiện bà rất suy sụp tinh thần, mong BS tư vấn” http://alobacsi.vn/q5239c205/me-em-da-phau-thuat-ung-thu-vu-hien-ba-rat-suy-sup-tinh-than-mong-bs-tu-van.htm Mẹ em đang xạ trị vùng nách và vùng có khối u, định mức là 25 tia xạ với máy gia tốc tuyến tính đa năng lượng Linac, thực hiện đều hằng ngày (chỉ nghỉ thứ 7 và chủ nhật), cho đến nay đã thực hiện được 20 liều xạ, ăn uống tốt, giữ được cân nặng, hằng ngày đều tập thể dục buổi sáng và buổi tối (đi bộ 1 tiếng), vết mổ bên ngoài đã lành hẳn nhưng nơi mổ và xung quanh vẫn còn cứng, không còn triệu chứng tê tay. Bệnh nhân tự đánh giá là phục hồi 70% thể lực, tuy nhiên vùng vú phải (nơi được chiếu tia xạ) có hiện tượng sạm màu và nóng rát trên da, bên trong bệnh nhân đôi khi cảm nhận hiện tượng rân rân như có ai kéo cơ, không biết có phải cơ ngực gây ra không hay vết thương bên trong chưa lành. Bác sĩ điều trị có tư vấn là sau khi xạ xong sẽ cho bệnh nhân đi xạ hình xương, nay gia đình em có thắc mắc xạ hình xương là để đánh giá di căn xa hay để chuẩn bị lựa chọn phương án thích hợp cho lần hóa trị tiếp theo? Thưa bác sĩ, trong trường hợp di căn xương thì hiệu quả điều trị có còn cao không hay tiên lượng xấu hơn? Ngoài ra, gia đình cũng muốn đánh giá bệnh bằng các thiết bị hiện đại để có thể đưa ra phương án điều trị tốt nhất, vì vậy kính xin bác sĩ cho gia đình em biết, ngoài các xét nghiệm thường quy ra thì nên làm thêm những loại xét nghiệm đặc biệt nào, có nên chụp PET/CT hay SPECT/CT để đánh giá bệnh sau khi xạ trị không thưa bác sĩ ? Kính xin bác sĩ tư vấn giúp vì đôi khi bác sĩ điều trị có quá nhiều bệnh nhân nên không thể tư vấn từng người kỹ càng trong lúc khám được. Một lần nữa gia đình chân thành cám ơn bác sĩ rất nhiều. Trân trọng! (Xuan Huy - vox...@gmail.com)

Trả lời

Chào Xuan Huy,

 

Em cho biết: Mẹ em đang xạ trị... ăn uống tốt, giữ được cân nặng, hằng ngày đều tập thể dục vết mổ bên ngoài đã lành hẳn nhưng nơi mổ và xung quanh vẫn còn cứng, không còn triệu chứng tự đánh giá là phục hồi 70% thể lực” như vậy mẹ em có đáp ứng với điều trị và đang dần dần ổn định.

 

Tuy nhiên vùng vú phải (nơi được chiếu tia xạ) có hiện tượng sạm màu và nóng rát trên da, bên trong đôi khi cảm nhận hiện tượng rân rân như có ai kéo cơ…” đây là biểu hiện thường gặp sau phẫu thuật điều trị ung thư vú  là phẩu thuật lớn, xâm lấn nhiều, lấy đi nhiều mô xung quanh khối u và nạo cả hạch…) kết hợp với xạ trị sau phẫu thuật nhằm hạn chế bệnh ung thư tái phát.

 

Để đánh giá toàn diện đầy đủ về một bệnh ung thư trước điều trị - đang điều trị và theo dõi sau điều trị… thì cần tái khám định kỳ, làm một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh cần thiết để đánh giá đáp ứng điều trị, tầm soát tái phát, di căn xa và tiên lượng thời gian sống thêm của bệnh nhân ung thư. Tất cả các vấn đề trên tùy thuộc vào giai đoạn phát hiện bệnh ung thư, loại mô học tế bào ung thư và đáp ứng với các phương pháp điều trị.

 

Đối với ung thư vú phát hiện sớm là yếu tố quan trọng nhất trong tỷ lệ sống còn cho bệnh nhân. Tỷ lệ ung thư sống thêm 5 năm đối với từng giai đoạn sau:

 

- Giai đoạn 0: (phát hiện sớm) u ung thư chưa xâm lấn, 90% sống sau khi điều trị

- Giai đoạn 1: tế bào ung thư xâm lấn ít, u ung thư nhỏ hơn 2cm, chưa xâm lấn vào hạch. Khoảng 70% sống thêm sau khi điều trị.

- Giai đoạn 2: tế bào ung thư xâm lấn vừa, u ung thư có kích thước khoảng 2-5cm và xâm lấn vào hạch. Khoảng 60% sống thêm sau khi điều trị.

- Giai đoạn 3: tế bào ung thư xâm lấn nhiều, u ung thư lớn hơn 5cm, tế bào ung thư xâm lấn đến da và hạch. Khoảng 40% sống thêm sau khi điều trị.

- Giai đoạn 4: tế bào ung thư xâm lấn rộng ra xung quanh và di căn xa. Khoảng 20% sống thêm sau điều trị.

 

Do đó bác sĩ đề nghị làm một số xét nghiệm kể cả “chụp PET/CT hoặc SPECT/CTlà rất cần thiết cho việc theo dõi đáp ứng trong và sau đợt điều trị, bên cạnh tầm soát ung thư tái phát và di căn xa để căn thiệp điều trị sớm sẽ có hiệu quả khả quan hơn. Nếu có di căn xương (di căn xa) thì hiệu quả điều trị đáp ứng rất kém và tiên lượng xấu hơn rất nhiều đối với ung thư chưa di căn.

 

Đối với chụp PET/CT (Positrron Emision Tomography/ Chụp cắt lớp bằng bức xạ positron) SPECT/CT (Single Photon Emission Computerized Tomography/ Chụp cắt lớp bằng bức xạ đơn photon) đều là kỹ thuật cao, được ứng dụng vào ngành ung thư học nhằm chẩn đoán, theo dõi đáp ứng điều trị, tầm soát phát hiện sớm ung thư tái phát và di căn xa…

 

Cả hai kỹ thuật này có giá trị gần như nhau. Tuy nhiên PET/CT về Nguyên tắc cơ bản của ghi hình khối u là cần phải có cơ chế tập trung một cách đặc hiệu dược chất phóng xạ (DCPX) đã lựa chọn. DCPX được lựa chọn này dựa trên cơ sở những khác biệt về sinh lý học hoặc chuyển hoá giữa tế bào khối u và tế bào tổ chức mô bình thường. Với PET ghi hình theo nguyên tắc chuyển hoá trên nên rất có ích trong việc phân biệt một số tổ chức tế bào ung thư với một tổ chức tế bào mô sẹo xơ, tổ chức hoại tử... cũng như giúp phát hiện các ung thư tái phát sớm…

 

Do đó mẹ em ở giai đoạn đã phẫu thuật và đang xạ trị điều trị ung thư kết hợp thì nên chụp PET/CT sớm để phân biệt tổ chức ung thư với một chức sẹo xơ, hoại tử... cũng như giúp phát hiện các ung thư tái phát sớm và di căn xa là hết sức quan trọng để có phương pháp can thiệp điều trị thích hợp kịp thời, nhằm cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống, thời gian bệnh ổn… cho mẹ em.

 

Tuy nhiên để mẹ em có thêm thời gian sống tốt và thoải mái, chất lượng cuộc sống được nâng lên thì mỗi khi tái khám, em nên nắm bắt tất cả thông tin từ bác sĩ về tình trạng bệnh - sức khỏe hiện tại của mẹ. Không để mẹ em biết tất cả thông tin này, mẹ em chỉ nên biết những tin hy vọng và khả quan… nếu không sẽ tạo cho tâm lý lo lắng, tình thần suy sụp, sức khỏe suy sụp xuống nhanh…

 

Kính chúc sức khỏe mẹ em! 
BS-CK2 Phạm Văn Mỹ

 

 

AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.

AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email: kbol@alobacsi.vn.

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.

 

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X