Hotline 24/7
08983-08983

Mắc bệnh Basedow có khả năng mang thai không BS?

Câu hỏi

Chào BS, Cháu nhờ BS tư vấn giúp cháu ạ, Vừa rồi cháu có đi khám bướu ở BV Ung bướu TPHCM, kết quả xét nghiệm là: TSH: 0.007 CS bình thường 0.27-4.94ulu/ml ; FT4: 3.30 CS bình thường 0.7-1.7ng/dl; ANTI-TPO COBAS <5. CS bình thường <34IU/ML. Còn kết quả siêu âm: tuyến giáp to toàn bộ, bờ gồ ghề, echo kém, không đồng nhất, tăng sinh mạch máu; hạch cổ 2 bên có vài khối echo m kém, sẹp, còn rốn hạch kích thước 5-10mm. Và kết luận Basedow và hạch cổ 2 bên dạng viêm ạ. Cho cháu hỏi BS có nguy hiểm lắm không và có khả năng sinh con không ạ? Cháu cảm ơn ạ.

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Phụ nữ bị cường giáp vẫn có thể sinh con bình thường miễn là biết có thai đúng lúc, khi trót có thai không đúng lúc thì cần bình tĩnh bảo vệ thai (theo chỉ dẫn của thầy thuốc). 

Chào em,

Basedow là bệnh lý tự miễn, khi cơ thể tự tạo ra chất ảnh hưởng lên tuyến giáp, hậu quả là tuyến giáp tăng tiết hormone giáp (FT4 tăng) và làm TSH giảm. Bệnh không có “nguy hiểm lắm” vì không phải bệnh ung thư, không phải bệnh nan y, và vẫn có thể điều trị được bằng nhiều phương pháp (thuốc, phẫu thuật hay xạ trị bằng iod đồng vị phóng xạ…).

Bản thân bệnh Basedow đã gây ảnh hưởng lên sức khỏe sinh sản ở nam và cả nữ, bao gồm giảm số lượng tinh trùng, rối loạn cương ở nam và rối loạn kinh nguyệt ở nữ nên khả năng đậu thai sẽ giảm đi ở người có bệnh Basedow.

Mặc dù có những bệnh nhân Basedow vẫn có thể có thai khi đang điều trị bệnh hoặc mong muốn có thai, tuy thuốc điều trị không gây quái thai và ảnh hưởng nhiều đến thai phụ, nhưng các BS vẫn khuyên bệnh nhân hạn chế sử dụng thuốc điều trị bệnh Basedow trong thời kỳ mang thai. Tốt nhất là điều trị dứt bệnh trước khi có thai.

Thân mến.

Mời xem thêm:
>>> Em mang thai khi đang trị bướu cường giáp, liệu bé có bị ảnh hưởng?
>>> Bệnh cường giáp cần lưu ý gì khi có thai, thưa BS?
>>> Bệnh Basedow có mang thai được không?

Khi bị cường giáp mà lỡ có thai thì không nhất thiết phải bỏ thai. Lúc này việc dùng thuốc ở người  có thai cần tuân theo chỉ dẫn của thầy thuốc chuyên khoa. Nếu chỉ bị cường giáp nhẹ thì chỉ cần theo dõi chặt chẽ mà không cần dùng thuốc.

Trường hợp bị bệnh nặng hơn thì phải điều trị. Nếu dùng thuốc không đúng loại, không đúng liều thì thuốc thấm qua nhau thai, làm cho thai bị suy giáp. Thuốc dùng đúng là PTU (ít thấm vào thai) và chỉ dùng với liều thấp nhất có hiệu lực. Việc điều trị này nhất thiết phải có thầy thuốc chuyên khoa theo dõi. Nếu điều trị nội khoa không được thì có thể điều trị ngoại khoa bằng phẫu thuật bướu giáp. Cách này ít được áp dụng vì việc mổ liên quan đến gây mê, không có lợi cho thai. Cũng không chữa bằng iod - phóng xạ, vì iod - phóng xạ có thể vào thai, phá hủy tuyến giáp của thai gây suy giáp cho trẻ vĩnh viễn.

Trường hợp bất đắc dĩ cần phải bỏ thai thì cũng phải điều trị cường giáp cho đến khi bệnh tạm ổn mới bỏ thai. Nếu bỏ thai đột ngột, có thể bị cơn cường giáp cấp (bão giáp), dễ nguy hiểm tính mạng.

Người bị bướu giáp mà lỡ có thai nếu biết điều trị tốt thì đa phần con sinh ra vẫn bình thường. Sau khi sinh, bệnh cường giáp thường trở nặng. Lúc đó, điều trị cường giáp như với người không có thai (bằng thuốc kháng giáp thông thường).    


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X